Khát vọng Tà Mun

NDO -

Sống len lỏi ở các khu vực sâu xa của tỉnh Bình Phước, Tây Ninh còn khoảng 3.000 người Tà Mun. Họ mải mê cuộc đời du mục từ mảnh đất này qua mảnh đất khác nhưng vẫn mang trong mình khát vọng được khai sinh thành dân tộc thứ 55 của Việt Nam.

Những người lớn tuổi tộc người Tà Mun muốn được khai sinh dân tộc mình.
Những người lớn tuổi tộc người Tà Mun muốn được khai sinh dân tộc mình.

Hoang mang chuyện gốc gác

Giờ đây bước vào tuổi 90, đi qua nhiều biến cố của cuộc đời, ông Lâm Long chỉ còn việc hồi nhớ lại những ký ức cũ làm niềm vui. Ông kể, từ lúc có trí khôn đã thấy tổ tiên tiến hành các cuộc du mục từ mảnh đất này sang mảnh đất khác. "Khi tôi còn rất nhỏ, chỉ biết theo gia đình để thích nghi với cuộc sống đó.

Lớn lên, vào năm 1930, những cuộc đời du mục của người Tà Mun chúng tôi vẫn diễn ra, chẳng bao giờ dám làm nhà kiên cố cả, qua miền đất nào cũng chỉ dựng lên những túp lều tạm bợ, thành ra cuộc sống gặp không ít khó khăn", ông Lâm Long cho biết.

Trong ký ức của những người già thuộc tộc người này, năm 1920 với họ là cái mốc quan trọng nhất, họ vượt qua được bao sự cám dỗ của nhiều phần tử xấu phía bên kia biên giới, quyết ở lại lập nên các bản làng. Ngay khi đó, họ đã mang trong mình tên gọi Tà Mun.

Tuy nhiên, đến nay, tộc người Tà Mun không có tên trong danh sách các dân tộc Việt Nam. Người ta cho rằng tộc người Tà Mun thực chất chỉ là một nhánh nhỏ của dân tộc S'Tiêng ở tỉnh Bình Phước. Nhưng theo bà Lâm Thị Cai ở Tân Lập (xã Ninh Thạnh, thị xã Tây Ninh), trong quan niệm sống cũng như nếp nghĩ người Tà Mun chẳng có gì giống tộc người S'Tiêng cả. Đã sống gần hết đời người, bà Cai khẳng định từ sâu thẳm trong tiềm thức của tộc người Tà Mun họ đã có những ký tự riêng, những cuộc di cư cũng hoàn toàn độc lập và không hề có ảnh hưởng hay nhận bất cứ sự trợ giúp nào của người S'Tiêng hay các cộng đồng dân tộc khác.

Bà Cai thổn thức: "Cứ bảo chúng tôi thuộc người S'Tiêng nhưng họ chẳng bao giờ gần gũi chúng tôi cả. Sự xa lánh này khiến cho nhiều người không vui. Cách đây chừng hơn 10 năm, dù đã ổn định ở Sóc Năm nhưng buồn quá nên tộc người Tà Mun chúng tôi lại vất vả di cư về xã Ninh Thạnh (thị xã Tây Ninh) và xã Suối Đá (huyện Dương Minh Châu). Họ mường tượng đây sẽ là điểm dừng chân cuối cùng trong cuộc sống du mục của mình".

Qua tìm hiểu, những cuộc di cư liên tục gây ra bao nhiêu vất vả và sự xáo trộn, nhất là người già. Nhiều đứa trẻ bị bệnh trên đường di cư mà không chạy chữa kịp đã chết rất oan uổng rồi. Giờ họ chỉ mong được "đóng đô" một nơi ổn định và lo làm ăn.

Nỗi niềm phận tầm gửi

Có điều lạ lẫm là trong các giấy tờ như: chứng minh thư nhân dân, giấy khai sinh, sổ hộ khẩu, đăng ký kết hôn... của người Tà Mun hiện nay vẫn được ghi trong phần dân tộc là Tà Mun, mà thực tế vẫn phải sống "phận tầm gửi", là một bộ phận của người S'Tiêng. Họ bộc bạch rằng, người Tà Mun tồn tại thậm chí còn lâu hơn nhiều tộc người khác nhưng cũng bởi phải sống cuộc đời du mục nên chẳng có chữ viết. Người già mất đi, lớp sau chỉ còn lưu giữ được tiếng nói riêng của mình thuộc nhóm ngôn ngữ Môn Khmer, gần với ngôn ngữ của dân tộc Chơ Ro, rất xa với ngôn ngữ của người S'Tiêng.

Để minh chứng cho sự độc lập và khác biệt của tộc người mình với người S'Tiêng, già làng Lâm Cây liệt kê ra rất nhiều phong tục, tập quán riêng của tộc người mình như: lễ hội lúa mới, lễ mừng ngày trưởng thành, lễ cầu mưa, lễ gieo hạt, lễ cúng cơm mới, lễ bỏ mả... Những nét văn hóa này dường như có nhiều điểm giao thoa, cộng cư với các nhóm dân tộc Nam Trường Sơn, đồng thời người Tà Mun cũng chịu ảnh hưởng sâu sắc văn hóa của tộc người Khmer đó cũng là điều dễ hiểu.

Ông Lâm Sanh, người Tà Mun ở vùng sâu huyện Bù Đăng (Bình Phước) khẳng định, dù có biến cố thế nào cũng vẫn dặn dò con cháu cố gắng giữ lấy những nét khác biệt của mình. Thế nên cứ mỗi khi rảnh rỗi hoặc sau mùa thu hoạch, ông lại tập trung tộc người mình lại để hát các bài hát nghi lễ, hát ru và hát sinh hoạt giao duyên. Những bài hát này do chính cộng đồng sáng tạo và truyền miệng từ lớp này qua lớp khác.

Người S'Tiêng không có các sinh hoạt này.

Để chứng minh mình cũng có những nét văn hóa độc đáo riêng biệt, đồng thời còn có khả năng sáng tạo, ông Lâm Sanh đã không quản ngày đêm miệt mài đi vận động bà con hãy nghĩ ra những làn điệu riêng. Ông chính là người đi đầu, nhiều bài dân ca do Lâm Sanh sáng tạo nên để lại rất nhiều ấn tượng, như bài "Miec-không" có đoạn: "Chim ơi! Chim bay nhiều chỗ/Có thấy anh ở đâu không/Sáng hôm qua bên dòng suối này/Suối in hình hai bóng/Suối in hình những giấc mơ/Của người Tà Mun về hạnh phúc vững bền...".

Đặc biệt lễ dâng trầu cau khắc họa rất rõ sự độc đáo của người Tà Mun.

Trong lễ này các nam thanh nữ tú trong cộng đồng hát thuộc làu các bài hát của mình, sau đó sẽ kết thành đoàn cùng chú rể đến dâng trầu cau lên nhà cô dâu với lời cầu mong rước được dâu hiền.

Người Tà Mun tự hào về nét đẹp này và cho rằng chính người S'Tiêng cũng không thể có được.

Khát vọng được khai sinh

Với những tập tục riêng biệt và sáng tạo của mình, người Tà Mun đã đóng góp nhiều nét văn hóa đặc thù làm phong phú thêm cho nền văn hóa dân gian Việt Nam nói chung và Tây Ninh, Bình Phước nói riêng. Và họ vẫn từng ngày khát vọng được khai sinh ra một dân tộc mới mang tên Tà Mun và trở thành dân tộc thứ 55. Tuy nhiên, khát vọng này đến giờ vẫn còn chông chênh. Chủ tịch UBND xã Tân Hiệp cũng cho rằng: "Với sự phong phú riêng của mình, người Tà Mun cũng có niềm tự hào riêng của họ.

Hiện nay những người Tà Mun sinh sống rải rác ở Bình Phước chấp hành các chính sách pháp luật rất tốt. Họ luôn chăm chỉ và sáng tạo trong làm ăn nên tỷ lệ hộ đói nghèo cũng giảm dần. Nhưng điều mà người Tà Mun quan tâm nhất là kiến nghị được Nhà nước chính thức công nhận tên dân tộc họ trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Khi được gọi là tộc người hay cộng đồng người thấy họ rất chạnh lòng và ngay lập tức bày tỏ nỗi buồn bã".

Theo TS Trần Trọng Bình, nhà Nghiên cứu Dân tộc học thì hiện nay, một cộng đồng người để được công nhận là một dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam thì phải dựa vào ba yếu tố cốt lõi là: ngôn ngữ, văn hóa và lịch sử.

Có lẽ vì ba yếu tố này của cộng đồng người Tà Mun chưa thật sự thuyết phục nên họ chưa được khai sinh nhưng cũng có thể do cơ quan chức năng chưa đi sâu nghiên cứu kỹ về họ. Trưởng ban Dân tộc tỉnh Bình Phước, ông Điểu Hơn cũng bày tỏ mong muốn các nhà nghiên cứu nên gấp rút nghiên cứu sâu về tộc người Tà Mun. Theo ông nên sớm có sự công nhận tên gọi đối với tộc người Tà Mun theo đúng tiêu chí, quy định, đặc biệt là cơ sở khoa học để thuyết phục với các dân tộc khác trong cộng đồng.

Thực tế, đã có Hội thảo "Nghiên cứu thành phần tên gọi người Tà Mun", nhưng đến nay người Tà Mun vẫn chưa thật sự được công nhận là một dân tộc. Các cơ quan chức năng nên sớm quan tâm đến đời sống của họ, cho họ được có một "danh phận", sớm ổn định cuộc sống.

Với những tập tục riêng biệt và sáng tạo của mình, người Tà Mun đã đóng góp nhiều nét văn hóa đặc thù làm phong phú thêm cho nền văn hóa dân gian Việt Nam nói chung và Tây Ninh, Bình Phước nói riêng. Và họ vẫn từng ngày khát vọng được khai sinh ra một dân tộc mới mang tên Tà Mun và trở thành dân tộc thứ 55 của cộng đồng các dân tộc anh em trên đất nước Việt Nam.