Quê hương, gia đình & tuổi thơ tôi

Tôi đọc những dòng ấy, như một lời tựa, ngay trang đầu sách cuốn Bếp ấm của mẹ, cuốn sách NXB Trẻ mới phát hành, của bà Đỗ Phương Thảo.

Bếp ấm của mẹ, tôi đã hình dung đúng về nó ngay từ những dòng đầu, là một cuốn sách về nấu ăn đặc biệt.

Quê hương, gia đình & tuổi thơ tôi

Trước hết, nó là một cuốn tự truyện, của một phụ nữ cũng rất đặc biệt- bà Đỗ Phương Thảo, sinh năm 1940. Bà là nữ quay phim đầu tiên và duy nhất của điện ảnh Việt Nam. Từng là phiên dịch tại Khu Gang thép Thái Nguyên những năm 1958-1965, là quay phim, đạo diễn điện ảnh, viết kịch bản phim, viết tiểu thuyết... Bà có một cuộc đời nhiều sóng gió, như mọi người phụ nữ Việt Nam sống trong giai đoạn lịch sử đầy khốc liệt hơn 50 năm của dân tộc, với những cuộc chiến chống ngoại xâm cực kỳ to lớn và đi cùng nó, là những biến cố không nhỏ của gia đình. Và nếu đọc sách, thì sự đặc biệt ấy còn được tạo nên bởi tính cách. Sự quan tâm chi tiết, tinh tế, tỉ mỉ đã có ngay từ khi là "Bé" ngồi trên lòng người lớn, nhìn cả gia đình trong những bữa cơm thường, những bữa đãi khách. Mỗi bữa ăn giống như một câu chuyện, hay là một tấm gương, để phản chiếu lại một thời. Những món thang, món cuốn, món ốc hấp... được kể lại chi tiết không chỉ từ cách làm mà đến cách ăn, cách thưởng thức. Năm tháng biến động, cách mạng, chiến tranh, những bữa ăn của một gia đình trí thức vùng Kẻ Chợ - Phố Hiến không xa hoa sơn hào hải vị, nhưng cầu kỳ, cẩn trọng theo cách riêng không có điều kiện để thực hiện nữa, những bữa ăn đạm bạc ngày chạy loạn cũng qua, thời dân công gian khó, đến cặp lồng cơm đơn giản nghèo nàn... Một thời vất vả khôn cùng, sống và đủ no đã là việc khó, nói gì đến nấu ăn. Thế nhưng, ngay cả lúc thiếu thốn thực phẩm, cái nếp nhàsự khéo léo vẫn cứ bộc lộ, dù chỉ để làm một bữa khoai khô đồ lên cho dân công và bộ đội.

Một cuốn hồi ký, hẳn thế, nhưng Bếp ấm của mẹ vẫn cứ là một cuốn sách nấu ăn. Phần đầu thật sự là một cuốn lịch sử viết trong bữa ăn của một gia đình trí thức vùng Kẻ Chợ - Phố Hiến, một pho tư liệu về những món ăn truyền thống Bắc Bộ, mà một phần giờ đã không thấy nữa hoặc đã cải biên. Cuốn sách là một tập hợp rất nhiều món ăn, với cả công thức, mà qua đấy, người đọc hiểu cách sống một thời, cách cẩn trọng, thậm chí tôn kính với thức ăn dẫu là nhỏ nhặt. Bún thang, canh mọc, bún bung dọc mùng, giả cầy, chè, bánh Tô Châu, mứt. Có thể học cách nấu món ăn ở đây, với những nguyên liệu được định lượng cụ thể, cách sơ chế, cách nấu và bảo quản. Nhưng quan trọng nhất để học, là học về quan niệm đối với việc ăn. Cuốn sách là cả một quan niệm ứng xử với sự ăn, cách ăn. Sang hay hèn rồi cũng từ đấy mà ra. Quan niệm ấy không thay đổi dẫu thời thế có biến động thế nào.

Nhưng để học được điều ấy, phải biết yêu. Nếu không vào bếp với một tấm lòng yêu thương, sẽ chẳng thể nấu nổi một món gì ra hồn.

Bởi thế, Bếp ấm của mẹ là cuốn sách về tình yêu với bếp núc, tình yêu của một phụ nữ với gia đình. Nó làm ấm áp mọi không gian trong quá khứ và hiện tại. Trong một ngôi nhà, có một căn bếp. Trong một căn bếp, có một người phụ nữ bày tỏ lòng yêu thương gia đình, cá tính cũng như bản sắc của mình qua những bữa ăn. Một cuộc đời dẫu có bao nhiêu giông gió, rồi cũng bình yên bên những bữa cơm gia đình.

Cuốn sách chắc chắn sẽ làm nhiều người, trong đó có tôi, nảy ra ý định kể lại câu chuyện đời mình bằng những gì từng xảy ra trong bếp. Nhưng có một điều phải nói, là dù kể hay bao nhiêu cũng chẳng bằng tự tay nấu những món ngon. Mỗi lần đến chơi nhà họa sĩ Lê Thiết Cương, con trai bà, được ăn những món bà nấu, với tôi đó là một lần học hỏi.

Ở Hà Nội bây giờ chẳng còn mấy ai nấu những món ăn cổ truyền ngon và thanh nhã đến thế, như tác giả cuốn sách này.