Hà Nội cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh

NDO -

Sáng 3-11, tại Hà Nội, Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản phối hợp Thành ủy Hà Nội tổ chức tọa đàm khoa học với chủ đề “Thành phố Hà Nội cải thiện môi trường kinh doanh nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh”.

Toàn cảnh tọa đàm.
Toàn cảnh tọa đàm.

Hơn 20 tham luận và ý kiến trực tiếp phát biểu tại tọa đàm của các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học đến từ các viện nghiên cứu, trường đại học, bộ, ban ngành, báo chí T.Ư và các sở, cơ quan chức năng TP Hà Nội đã tập trung phân tích các lợi thế, hạn chế, thành công và bất cập trong quá trình cải thiện Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) trên địa bàn Thủ đô, từ năm 2005 đến nay.

Trong thời gian qua, TP Hà Nội đã có nhiều nỗ lực, cố gắng trong công tác chỉ đạo, điều hành và ban hành nhiều chính sách mới tạo sự thuận lợi cho phát triển doanh nghiệp ở mọi thành phần kinh tế. Thành ủy Hà Nội còn có riêng một chương trình công tác toàn khóa, giai đoạn 2011 - 2015, về nâng cao năng lực cạnh tranh của Thủ đô trong tình hình mới.

CPI hiện bao gồm 10 chỉ số thành phần là: Chi phí gia nhập thị trường; Tiếp cận đất đai; Tính minh bạch và trách nhiệm; Chi phí về thời gian và việc thực hiện các quy định của Nhà nước; Chi phí không chính thức; Tính năng động và tiên phong của lãnh đạo tỉnh; Dịch vụ hỗ trợ kinh doanh; Đào tạo lao động; Thiết chế pháp lý; Kết cấu hạ tầng.

Trong từng chỉ số thành phần này lại có các chỉ số cụ thể, thu thập số liệu và đánh giá, so sánh giữa các tỉnh, thành phố trên cả nước.

Trong bảng tổng sắp PCI cả nước hằng năm, giai đoạn trước 2012, Hà Nội thường có vị trí không cao, chỉ thuộc nhóm nửa cuối bảng và cũng không ổn định: Chỉ số PCI của Hà Nội năm 2009, xếp thứ 33/63; năm 2010, xếp thứ 43/63; năm 2011, xếp thứ 36/6; tụt thẳng xuống vị trí 51/63 trong năm 2012.

Tuy vậy, bước ngoặt ngoạn mục trong xếp hạng PCI của Hà Nội cũng bắt đầu diễn ra từ thời điểm này, với chuỗi tăng hạng liên tục bảy năm liền, từ năm 2013, khi Hà Nội trở lại xếp vị trí thứ 33/63 như năm 2009 (trong đó, chỉ số Dịch vụ hỗ trợ DN xếp thứ 2/63 tỉnh, thành phố, còn chỉ số Tính minh bạch và tiếp cận thông tin xếp thứ 13, chỉ số tiếp cận đất đai vẫn đội sổ), nằm ở nhóm chất lượng điều hành khá. Đặc biệt, chỉ số PCI của Hà Nội năm 2018, 2019 vượt lên vị trí thứ 9, tăng 15 bậc so năm 2015, tăng 42 bậc so năm 2012.

 Trong số các chỉ tiêu thành phần PCI, Hà Nội dường như có lợi thế và đạt điểm cao  hơn về các chỉ số: Dịch vụ hỗ trợ kinh doanh, Đào tạo lao động, Kết cấu hạ tầng và Thiết chế pháp lý... Hà Nội có một số lợi thế vượt trội so các địa phương khác về điều kiện giao thông, với tính chất là đầu mối về đường không, đường sắt, đường xe hơi và có cả cảng sông lớn.

Khả năng cung cấp điện và nước cho Thủ đô dồi dào. Điện cung cấp cho Hà Nội có thể chiếm tới 20% so tổng nguồn của cả nước, trong đó hơn 30% được dành cho công nghiệp. Hà Nội hiện đóng góp 34% tổng nguồn vốn huy động, 21% tổng dư nợ cho vay của toàn hệ thống ngân hàng, khả năng đáp ứng yêu cầu về thông tin liên lạc, các dịch vụ, đặc biệt là tài chính - ngân hàng cũng thuận lợi.

Thủ đô đang chiếm hơn 70% cán bộ khoa học đầu ngành và hơn 60% cán bộ khoa học có trình độ sau đại học của cả nước; phổ cập giáo dục THPT và tương đương hơn 80%; Tỷ lệ lao động qua đào tạo luôn gấp đôi và mức tăng trưởng GDP luôn cao hơn 1,5 lần mức trung bình cả nước.

Sức hấp dẫn doanh nghiệp đầu tư ở Hà Nội còn do Hà Nội là trung tâm kinh tế, thông tin và của cả nước, có rất nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp, cũng như dịch vụ, dân số đông, có thu nhập khá nên sức tiêu thụ xét về mọi phương diện  của Thủ đô là rất lớn. Hà Nội đứng thứ 2 cả nước về số doanh nghiệp hoạt động (chiếm khoảng hơn 30% tổng số doanh nghiệp cả nước) và đăng ký mới hàng năm; thu hút 16,7% tổng số dự án và hơn 10% tổng vố FDI đăng ký còn hiệu lực của cả nước; hiện chiếm 59% tổng số làng nghề của cả nước, trong đó có 198 làng nghề truyền thống nổi tiếng thuộc 47/52 nhóm nghề, như: gốm sứ, dệt may, da giày, điêu khắc, sơn mài.

Hà Nội còn có kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú và vô giá, với khoảng 5.000 di tích, danh thắng lịch sử; trong đó có 2.104 di tích đã được xếp hạng (765 di tích quốc gia và quốc tế). Nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển được ban hành, thực hiện đồng bộ trong các lĩnh vực: đầu tư, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường nội địa và xuất khẩu...

Tuy nhiên, Hà Nội luôn đối mặt những thách thức trong cải thiện PCI. Trong khảo sát, các DN thường giữ quan điểm khá tiêu cực về các chỉ số thành phần quan trọng của PCI, như: Tính năng động và tiên phong của chính quyền thành phố; tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh; chi phí khởi sự DN, chi phí thời gian để thực hiện các quy định của nhà nước và chi phí không chính thức của DN tại Hà Nội...

Thực tế cũng cho thấy, kỳ vọng cải thiện PCI gặp không ít lực cản, cả khách quan và chủ quan, nổi bật là:

Hà Nội dễ gặp sự quá tải cả về cơ sở hạ tầng và bộ máy hành chính do đội ngũ doanh nghiệp tập trung cao, trong khi biên chế và chức năng bộ máy công vụ vẫn như các nơi khác. Sự chậm trễ cải cách thủ tục hành chính, phát triển chính quyền điện tử và chất lượng độ ngũ nhân sự trong bộ máy các cấp càng tô đậm sự quá tải này.

Hà Nội tuy mở rộng địa giới, song vẫn thuộc diện đất chật, người đông, giá cả trên thị trường bất động sản thuộc loại cao nhất cả nước. Điều kiện tiếp cận đất đai của các doanh nghiệp càng khó và đắt đỏ khi có tới 91,1% doanh nghiệp trên đại bàn Thủ đô gặp cản trở về mặt bằng kinh doanh.

Quy hoạch và yêu cầu phát triển Hà Nội có tính loại trừ cao với nhiều ngành, nghề và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là các hoạt động đòi hởi nhiều lao động giản đơn, mặt bằng sản xuất và tạo nguy cơ cao về ô nhiễm môi trường...

 Những thông tin liên quan nêu trên nếu không được minh bạch hóa và công bố rộng rãi, thuận lợi, sẽ dễ bị doanh nghiệp phản ứng và chấm điểm thấp, thậm chí “điểm liệt” cho Hà Nội, nhất là về điều kiện tiếp cận đất đai.

Hà Nội cũng còn ít sáng kiến đổi mới chính sách và phổ biến công khai chính sách do sự ỷ lại vào lợi thế và vị thế Thủ đô “tự tỏa sáng” thu hút các doanh nghiệp, cũng như do tâm lý, e ngại nhạy cảm “quan trên trông xuống, người ta trông vào”.

Đặc biệt, tính năng động và trách nhiệm công chức trong quản lý doanh nghiệp của Hà Nội cũng không được xếp hạng cao, thậm chí sự trì trệ và lỗi hẹn trong tiến độ công vụ còn được đúc kết thành câu nói ấn tượng “Hà Nội không vội được đâu” hoặc “Hà Nội có bôi cũng không trơn...”. Tệ nạn quan liêu, tham nhũng, cửa quyền, gắn với cơ chế xin – cho, quyền lợi ích kỷ nhóm và cá nhân còn tồn tại dai dẳng.

Ngoài ra, điểm thấp trong xếp hạng PCI của Hà Nội còn một phần do hạn chế trong sự liên kết, liên doanh giữa các doanh nghiệp và vai trò động lực kinh tế của Hà Nội trong vùng và cả nước. Hà Nội cũng đứng trước nhiều thách thức về đầu tư cải thiện cơ sở hạ tầng và cơ cấu kinh tế, giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương và dân tộc; tuân thủ các tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường và phòng chống các tệ nạn và tội phạm các loại trong quá trình hội nhập quốc tế và sự đan xen giữa cái mới chưa được luận giải, khẳng định và hình thành đầy đủ, đồng bộ, nhất quán, với cái cái cũ vẫn đang tồn tại hoặc chưa được đổi mới kịp thời, thích hợp...

Với tinh thần đó, quá trình cải thiện chỉ số PCI của Hà Nội không nên đặt kỳ vọng giải quyết tất cả và đồng thời, chỉ một lần các vấn đề, mà nên coi đây là quá trình, cần tập trung giải quyết những vấn đề, chỉ số cấu thành PCI  bức xúc  và phát huy những điều kiện có lợi thế nhất.

Trước mắt, Hà Nội cần phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, nắm vững quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của T.Ư, vận dụng sáng tạo vào điều kiện cụ thể của Thủ đô; đặt trọng tâm chỉ đạo vào việc tiếp tục phát huy những lợi thế về lao động, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp và độ mở trang web, chủ động tăng cường công khai, minh bạch hóa thông tin, các tài liệu pháp lý của các cơ quan quản lý nhà nước, trong đó có các quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất.

Niêm yết công khai quy trình, thủ tục hành chính, các văn bản pháp lý liên quan tại bộ phận tiếp nhận và trả hồ sơ, đồng thời đăng tải trên website của các sở, ngành; trong đó, chú trọng trong việc lập các mẫu giấy tờ, thủ tục để người dân và doanh nghiệp có thể dễ dàng điền, hoàn thiện khi khai nộp các hồ sơ để giải quyết thủ tục hành chính, đồng thời có hướng dẫn rõ ràng phương thức hoàn chỉnh hồ sơ.

Các biểu mẫu này phải bảo đảm đúng quy định, đầy đủ, dễ thực hiện và thường xuyên được câp nhật. Nâng cao hiệu quả cơ chế một cửa liên thông bằng cách tăng cường đầu tư cho cán bộ công chức: nâng cao kiến thức, kỹ năng, đặc biệt giáo dục là thái độ ứng xử của cán bộ công chức.

Áp dụng rộng rãi hình thức đăng ký kinh doanh, hải quan, đăng ký đầu tư,... trực tuyến nhằm tạo thuận lợi hơn cho các tổ chức, công dân tại các sở có liên quan nhằm rút ngắn thời gian hoàn thành hồ sơ. Đầu tư thiết bị đồng bộ (đặc biệt là hệ thống mạng và phần mềm) để duy trì sự phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan liên quan.

Thành phố cũng cần nâng cao chất lượng văn bản quy phạm pháp luật của UBND, HĐND thành phố; nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp, chất lượng hoạt động xét xử các loại vụ án, đẩy nhanh tiến độ thi hành án dân sự, giám sát và kiểm tra định kỳ, bảo đảm mọi khiếu kiện đều được ghi nhận và trả lời cho doanh nghiệp để doanh nghiệp tin tưởng vào sự bảo vệ của pháp luật...

100% các quyết định, chính sách, thủ tục hành chính được công khai, thông tin cho doanh nghiệp bằng nhiều hình thức (trên cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính, trên trang thông tin điện tử của cơ quan ban hành văn bản có quy định về thủ tục hành chính và cơ quan thực hiện thủ tục hành chính, niêm yết trực tiếp tại trụ sở cơ quan trực tiếp giải quyết thủ tục hành chính...) về quy trình thủ tục, thành phần hồ sơ, các loại biểu mẫu, hướng dẫn chi tiết để hoàn thiện mẫu thủ tục hành chính, quy định thời gian giải quyết, các mức phí, lệ phí theo quy định để người dân và doanh nghiệp dễ hiểu và dễ thực hiện.

Tăng tính hữu ích của trang web Hanoiportal và website của các các sở, ngành trong công khai minh bạch các loại thông tin, tài liệu: ngân sách, các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các văn bản quy phạm pháp luật của thành phố, các kế hoạch về các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng mới, các dự án đầu tư, các bản đồ và quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, các chính sách ưu đãi đầu tư của thành phố, các mẫu biểu thủ tục hành chính, thông tin về các thay đổi của các quy định về thuế, dữ liệu các doanh nghiệp đã đăng ký kinh doanh.

Mỗi website đều phải duy trì tốt phần liên hệ để công dân, doanh nghiệp gửi thư và nhận được thông tin trả lời; qua đó cải thiện rõ rệt tính minh bạch và khả năng tiếp cận các thông tin quan trọng đối với các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tạo điều kiện để doanh nghiệp có thể tham gia đóng góp ý kiến về các quy định, chính sách của Nhà nước bằng cách tăng cường các cuộc đối thoại doanh nghiệp - chính quyền, thông qua đoàn đại biểu Quốc hội của thành phố, thông qua website của thành phố và diễn đàn đối thoại trên mạng tnternet, thông qua các hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề...

Quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm và thẩm quyền giải quyết công việc của cán bộ, công chức phù hợp yêu cầu xây dựng bộ máy chính quyền các cấp chuyên nghiệp để giải quyết công việc một cách nhanh, chủ động và từng bước chấm dứt tình trạng đùn đẩy trách nhiệm qua lại hoặc đẩy lên cấp trên.

Tăng cường công tác thanh tra công vụ tập trung vào các nội dung hỗ trợ doanh nghiệp; Tiếp tục duy trì và phát huy có hiệu quả hơn nữa mô hình “Tổ công tác liên ngành” trong giải quyết các vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp.

Lãnh đạo thành phố, các sở, ngành, quận, huyện, thị xã định kỳ tổ chức đối thoại với doanh nghiệp bằng nhiều hình thức phong phú, lắng nghe ý kiến phản hồi của doanh nghiệp, qua đó xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Triển khai thực hiện chế độ khảo sát về sự hài lòng của nhân dân và doanh nghiệp đối với cơ quan quản lý nhà nước, qua đó kịp thời chỉ đạo chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, yếu kém của các sở - ngành, quận - huyện trong việc phục vụ nhân dân.

Hơn nữa, kết quả cải thiện thứ hạng PCI của Hà Nội tùy thuộc rất lớn vào chính sách tuyển dụng, quản lý và loại bỏ các đầu mối, công đoạn quản lý trung gian chồng chéo, thanh lọc và thay thế các cán bộ chủ chốt, cũng như công chức thừa hành kém hiệu năng, thiếu trách nhiệm, để có đội ngũ cán bộ, công chức có chất lượng cao, có tính năng động, tiên phong, tinh thần trách nhiệm công vụ và thái độ tích cực đối với khu vực tư nhân; phát triển đồng bộ các thể chế thị trường, các đường dây nóng, dịch vụ tư vấn và hỗ trợ kinh doanh, hướng dẫn thủ tục cho doanh nghiệp (trực tiếp, qua điện thoại hay email...).

Kịp thời tiếp nhận ý kiến và hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết khó khăn, cắt giảm thời gian doanh nghiệp phải chờ đợi để được nộp thuế, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cũng như đăng ký kinh doanh, khắc dấu, mua hóa đơn, đăng ký lao động, BHXH, BHYT..., giúp giảm thiểu phí không chính thức và gia nhập thị trường của doanh nghiệp.

Đặc biệt, cần nghiên cứu tạo đột phá thể chế tăng vai trò các hiệp hội daonh nghiệp, nghề nghiệp trên địa bàn và tăng cường liên kết các địa phương cả nước, nhất là vùng Thủ đô, mở rộng áp dụng Luật Thủ đô cho vùng Thủ đô về quy hoạch và cơ chế đầu tư hạ tầng...

Ngoài ra, cần nghiên cứu thành lập Ban chỉ đạo liên ngành về hội nhập và nâng cao năng lực cạnh tranh kinh tế của thành phố, chủ động đổi mới nhận thức, cách làm và tăng cường sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, ngành, cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn, xây dựng và triển khai Đề án tái cơ cấu và nâng cao năng lực cạnh tranh tổng thể và cho từng ngành kinh tế, chuỗi sản phầm chủ lực và khu vực doanh nghiệp, làng nghề trên địa bàn Thủ đô theo yêu cầu hiện đại và phát triển bền vững để làm căn cứ chỉ đạo thống nhất trong những năm tới.

Tăng cường khả năng phản ứng chính sách và phản ứng thị trường, không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh vĩ mô và vi mô, đáp ứng tốt trước những thay đổi và yêu cầu mới của bối cảnh  trong nước và quốc tế...

Với những thành quả và bài học của quá khứ, với sức “Rồng Ngàn năm", cộng với sự đồng tâm, đồng sức và sự hòa đồng, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan T.Ư, với các địa phương và với bạn bè khắp năm châu, chắc chắn Hà Nội sẽ vững vàng vượt qua những thách thức, phát huy những lợi thế, xây dựng Thủ đô ngày càng “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” theo di nguyện của Bác Hồ và xứng đáng với niềm tin yêu, mong đợi của cả nước…