Hỗ trợ doanh nghiệp nỗ lực vượt khó

Nửa đầu năm 2020, kinh tế - xã hội nước ta chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19. Những nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, EU rơi vào tình trạng suy thoái đã và đang làm gián đoạn các chuỗi cung ứng sản xuất và trao đổi thương mại hàng hóa, các hoạt động sản xuất, kinh doanh bị đình trệ. Đội ngũ doanh nghiệp (DN) được coi như huyết mạch của nền kinh tế, bị tổn thất lớn bởi dịch bệnh, họ phải đối mặt với khó khăn "kép" vừa thiếu hụt nguyên liệu đầu vào, vừa bị giảm mạnh thị trường đầu ra, nhất là các ngành hàng tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu như thủy hải sản, dệt may, gỗ...

Ngành sản xuất, chế biến thủy hải sản tổn thất nặng vì Covid-19.
Ngành sản xuất, chế biến thủy hải sản tổn thất nặng vì Covid-19.

Tự lực, tự cường

Theo kết quả khảo sát gần đây của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy có khoảng 86% DN bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19. Nhóm DN lớn (hiện chiếm 2,8% tổng số DN) có tỷ lệ DN chịu tác động nhiều nhất với 92,8%; tiếp đến là nhóm DN vừa và nhỏ; tỷ lệ này ở nhóm DN siêu nhỏ (hiện chiếm 62,6% toàn bộ DN) là thấp nhất.

Nhiều mặt hàng xuất khẩu chiến lược, thường có mức tăng trưởng cao những năm trước nay cũng giảm sút kim ngạch và thu hẹp thị trường, thí dụ rõ nhất là mặt hàng thủy sản: Sau khi giảm 16% trong tháng 5 đạt 639 triệu USD, xuất khẩu thủy sản trong tháng 6 tiếp tục giảm 10% (đạt 626 triệu USD). Lũy kế sáu tháng đầu năm 2020, xuất khẩu thủy sản của cả nước khoảng 3,5 tỷ USD, giảm 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, giảm sâu nhất là cá tra (-31%), cá ngừ và mực bạch tuộc đều giảm 20%, các loại cá biển khác giảm nhẹ 2%. Chỉ có tôm giữ được mức tăng khiêm tốn gần 3%.

Tuy nhiên, "cái khó ló cái khôn" trong khó khăn vừa qua, cộng đồng DN Việt Nam đã và đang phát huy tinh thần vượt khó, tự lực, tự cường, nỗ lực duy trì sản xuất, kinh doanh, bảo đảm việc làm cho người lao động. Các DN Việt Nam đã rất chủ động có các giải pháp tự giải cứu. Nhiều sáng kiến đã được triển khai để khắc phục những tác động tiêu cực của dịch bệnh như áp dụng giờ làm linh hoạt; cắt giảm chi phí sản xuất; rà soát, tìm kiếm nguồn cung ứng nguyên vật liệu thay thế; tích cực tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là khai thác thị trường nội địa, nhanh nhạy nắm bắt cơ hội kinh doanh mới; ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, kinh doanh;...

Điều đáng mừng là trong giai đoạn rất khó khăn hiện nay, cộng đồng DN đã phát huy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết, chia sẻ khó khăn, hỗ trợ các DN khác cùng nhau ứng phó, vượt qua thách thức. Khoảng 90% DN được khảo sát sẵn sàng giúp đỡ các DN khác; hơn 50% DN thực hiện giãn công nợ cho DN đối tác; gần 50% DN thực hiện giảm giá; gần 40% DN chia sẻ khách hàng với DN khác; gần 30% DN chia sẻ thị trường; 6% DN thực hiện cho DN khách hàng vay; đã có nhiều DN chung vai chia sẻ với Chính phủ trong cuộc chiến chống lại dịch Covid-19.

Hỗ trợ doanh nghiệp nỗ lực vượt khó -0

Có một điểm tựa vững chắc

Ở một góc độ khác, trong gian khó đội ngũ DN, doanh nhân không đơn độc, họ có một chỗ dựa vững chắc là sự ủng hộ, hỗ trợ tối đa của Chính phủ và các cấp ngành. Tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương sáng 2-7, báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chỉ ra một loạt các chia sẻ quý giá này: Ngoài việc triển khai đồng bộ trên các nhóm nhiệm vụ trong Nghị quyết số 35/NQ-CP và Chỉ thị số 26/CT-TTg về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020, trong quý II-2020, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều giải pháp, chính sách quan trọng như Nghị quyết 42/NQ-CP về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, trong đó Nhà nước chia sẻ trách nhiệm với DN trong việc bảo đảm cuộc sống cho người lao động. Vào tháng 5, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì Hội nghị với DN nhằm khích lệ động viên tinh thần doanh nhân nỗ lực vượt khó, kịp thời nắm bắt, lắng nghe các kiến nghị, đề xuất của cộng đồng DN. Chính phủ cũng ban hành Nghị quyết 84/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Trong quý II, Chính phủ đã trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành bốn nghị quyết về miễn, giảm thuế sử dụng đất phi nông nghiệp; về giảm thuế thu nhập DN phải nộp của năm 2020; điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân; về mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay đến hết năm nay.

Đồng thời, trong quý II, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành một số văn bản quan trọng nhằm đẩy mạnh công tác chỉ đạo, điều hành, cải cách thủ tục hành chính, phát triển ứng dụng công nghệ thông tin, tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, tháo gỡ khó khăn cho DN bị tác động bởi dịch Covid-19.

Tính đến tháng 5-2020, tổng số dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đang được các bộ, ngành, địa phương cung cấp cho người dân, DN là hơn 56.000 dịch vụ, trong đó số dịch vụ công trực tuyến mức 4 là gần 17.000. Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức 3, 4 có phát sinh hồ sơ trực tuyến là 25,62%. Các bộ, ngành tiếp tục rà soát để cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, điều kiện đầu tư kinh doanh và cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN và người dân.

Ở cấp địa phương, trong quý II-2020, có thêm sáu nghị quyết, chương trình, kế hoạch, đề án, văn bản hướng dẫn hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đã được địa phương ban hành, nâng tổng số lên 206; 10 địa phương đang gửi xin ý kiến góp ý đề án hỗ trợ DNNVV. Một số tỉnh, thành phố đã rất chủ động và tích cực xây dựng và thực hiện các chính sách của địa phương về thúc đẩy khởi nghiệp và hỗ trợ DNNVV trên địa bàn như Hà Nội, Thừa Thiên - Huế, Đồng Tháp, Hà Tĩnh, Bà Rịa - Vũng Tàu...

Chung tay cùng chính phủ, nhiều cơ quan bộ ngành với chức năng, nhiệm vụ của mình cũng có những chính sách hỗ trợ quý giá cho các DN. Trong quý II-2020, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo áp dụng mức giảm phí dịch vụ nhiều nhất từ trước đến nay, góp phần hỗ trợ các tổ chức tín dụng giảm chi phí, hạ lãi suất, đồng thời, gián tiếp nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng của người dân và DN; thực hiện hai đợt điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành với tổng mức giảm 1,5%/năm, giảm thêm 1% trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên (hiện ở mức 5,0%/năm)...Về xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, Bộ Công thương, Bộ NN và PTNT đã triển khai các hoạt động kết nối giao thương trực tuyến giữa DN Việt Nam với đối tác có nhu cầu nhập khẩu, nhằm khơi thông thị trường xuất khẩu, mở rộng thị trường cho nông sản nói riêng và hàng hóa nói chung, như Trung Quốc và Ấn Độ... Một số giải pháp cụ thể, đó là đẩy mạnh hỗ trợ DN đẩy mạnh xuất khẩu, đặc biệt tại các thị trường có thể sớm hết dịch như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản... Đặc biệt khai thác các thị trường, khu vực thị trường hiện đang có các thỏa thuận thương mại tự do với Việt Nam. Xem xét có chính sách bảo lãnh tín dụng cho khoản vay mới của các khách hàng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh và sử dụng nhiều lao động như DN trong các ngành du lịch, dệt may, da giày, hàng không,... và các khách hàng là DNNVV.