Xe tự hành Trung Quốc gửi về những hình ảnh Mặt trăng đầu tiên

NDO -

NDĐT - Ngày 15-12, chiếc xe tự hành Thỏ Ngọc của Trung Quốc, thiết bị tự hành đầu tiên lăn bánh trên bề mặt Mặt trăng kể từ gần 40 năm qua, đã bắt đầu gửi về Trái đất những hình ảnh đầu tiên chụp Mặt trăng và con tàu vũ trụ đã đưa nó tới vệ tinh này.

Xe tự hành Trung Quốc gửi về những hình ảnh Mặt trăng đầu tiên

Chiếc xe tự hành Thỏ Ngọc đã từ tàu đổ bộ lăn bánh xuống một vùng bình nguyên núi lửa có tên là Sinus Iridum (Vịnh Cầu Vồng) vào lúc 04 giờ 35 phút (giờ Bắc Kinh) ngày 14-12. Nó đã di chuyển tới một điểm cách tàu đổ bộ vài mét và đến tối ngày 15-12, hai thiết bị đã bắt đầu chụp các hình ảnh của nhau và bề mặt Mặt trăng.

Ông Ma Xingrui, chỉ huy trưởng Chương trình Mặt trăng của Trung Quốc, đã tuyên bố sứ mệnh Hằng Nga 3 đã “thành công hoàn toàn”. Các nhà khoa học Trung Quốc cho biết, con tàu Hằng Nga 3 sẽ hoạt động trên Mặt trăng trong khoảng một năm, trong khi chiếc xe tự hành được dự kiến sẽ có thời gian làm việc kéo dài khoảng 3 tháng.

Tàu Hằng Nga 3 đã hạ cánh xuống Mặt trăng sau khi rời khỏi Trái Đất 12 ngày trước đây trên một tên lửa đẩy Trưởng Chinh 3B từ Trung tâm Vụ trụ Tây Xương thuộc tỉnh Tứ Xuyên. Hãng tin Tân Hoa xã cho biết con tàu đã bắt đầu hạ thấp độ cao khoảng 13 giờ (giờ GMT) vào tối ngày 14-12 và hoàn thành quá trình hạ cánh sau đó 11 phút.

Hằng Nga 3 là con tàu vũ trụ không người lái thứ ba, và là con tàu đầu tiên trong gần 40 năm qua, hạ cánh xuống bề mặt Mặt trăng. Lần gần đây nhất một thiết bị tự hành có mặt tại đây là thiết bị Lunokhod-2 nặng 840kg của Liên bang Xô viết vào năm 1976.

Tuy nhiên, chiếc xe tự hành sáu bánh có tên là Thỏ Ngọc của Trung Quốc hiện nay mang theo nhiều thiết bị phức tạp hơn nhiều, trong đó có cả thiết bị ra-đa có khả năng quét sâu vào lòng đất để thu thập các thông tin về các lớp đất đá và vỏ của Mặt trăng. Chiếc xe này nặng 120kg, có thể leo dốc cao 30 độ và di chuyển với tốc độ 200m mỗi giờ.

Cả con tàu đổ bộ lẫn chiếc xe tự hành đều hoạt động nhờ nguồn điện từ năng lượng mặt trời. Tuy nhiên, một số nguồn tin cho biết những thiết bị này còn mang theo cả bộ sưởi ấm đồng vị phóng xạ (RHU), trong đó có chứa chất phóng xạ plutonium-238 giữ ấm cho thiết bị trong đêm.

Theo các nhà khoa học vũ trụ Trung Quốc, sứ mệnh Hằng Nga 3 được thiết kế để thử nghiệm các công nghệ mới, thu thập các dữ liệu khoa học và xây dựng các kinh nghiệm các kỹ năng chuyên môn. Ngoài ra, con tàu này còn có nhiệm vụ tìm kiếm các nguồn khoáng sản quý để khai thác sau này.

Ông Sun Huixian, một kỹ sư vũ trụ trong Chương trình Mặt trăng Trung Quốc, nói: “Chương trình Mặt trăng Trung Quốc là một bộ phận quan trọng trong các hoạt động của nhân loại nhằm nghiên cứu sử dụng vũ trụ một cách hòa bình”.

Sau Hằng Nga 3, Trung Quốc dự kiến sẽ phóng một con tàu khác để lấy mẫu đất đá trên Mặt trăng mang về Trái đất vào năm 2017. Và việc này có thể tạo tiền đề cho các sứ mệnh không người lái khác của nước này, và có thể là một sứ mệnh đưa con người lên Mặt trăng vào năm những năm 2020.