Người hiến giác mạc đầu tiên ở Hòa Bình: Mẹ dành ánh sáng cho con

Các bác sĩ Bệnh viện Mắt Trung ương<br>khám cho người dân xã Dân Chủ, Hòa Bình
Các bác sĩ Bệnh viện Mắt Trung ương<br>khám cho người dân xã Dân Chủ, Hòa Bình

Các bệnh về mắt là viêm kết mạc, giác mạc, glôcôm là những bệnh gây mù lòa nhiều nhất ở Hòa Bình. Hiện nay, Hòa Bình có gần 2.000 người có các bệnh lý về mắt cần phẫu thuật. Điều kiện chuyên môn và cơ sở vật chất ở địa phương gây nhiều, trở ngại cho việc chẩn đoán và điều trị các bệnh về mắt.

Bác sĩ Bùi Quang Huấn, Giám đốc Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội Hòa Bình cho biết: “Hiện tại, tỉnh mới chỉ có bốn bác sĩ chuyên khoa mắt, trong đó có hai bác sĩ thuộc Trung tâm phòng chống bệnh xã hội của tỉnh và hai bác sĩ thuộc bệnh viện đa khoa tỉnh. Hệ thống y tế dành cho chăm sóc mắt hoạt động khó khăn do thiếu cán bộ chuyên khoa mắt, thiết bị y tế và chưa nâng cao công tác truyền thông giúp tăng cường nhận thức cho người dân về chăm sóc mắt”.

Người hiến giác mạc đầu tiên ở Hòa Bình: Mẹ dành ánh sáng cho con ảnh 1

Anh Đinh Đức Hữu (bên phải) và PGS.TS
Hoàng Minh Châu, người phẫu thuật cho anh.

Theo thống kê của Tổ chức quốc tế ORBIS (tổ chức hàng đầu thế giới về phòng chống mù lòa), sẹo giác mạc và các bệnh về giác mạc là một trong năm nguyên nhân hàng đầu gây mù ở Việt Nam. Theo các bác sỹ chuyên khoa mắt, tổn thương trên giác mạc có thể xảy ra với bất kỳ ai và ở mọi lứa tuổi. Những nguyên nhân gây mù giác mạc là viêm loét giác mạc, giác mạc hình chóp, loạn dưỡng giác mạc di truyền, bỏng giác mạc, chấn thương mắt.

Hiện cả nước có trên 300.000 người có các bệnh lý về giác mạc, 100.000 người mù cả hai mắt. 15.000 người mắc bệnh mới một năm. Có hơn 800 người có các bệnh lý về giác mạc đăng ký chờ được ghép giác mạc tại khoa Kết mạc và Giác mạc của Bệnh viện Mắt Trung ương đang cần được phẫu thuật ghép giác mạc. Trong khi nguồn giác mạc duy nhất của Ngân hàng mắt từ sự tài trợ của Tổ chức ORBIS từ năm 2005 chỉ đủ thực hiện phẫu thuật cho khoảng 100 - 150 bệnh nhân/ năm.

Vừa qua, bà Nguyễn Thị Tịnh, người dân Hòa Bình đầu tiên đầu tiên tự nguyện hiến giác mạc cho Ngân hàng Mắt thật sự đã là bước chuyển lớn trong nhận thức về sức khỏe của người dân Hòa Bình. Sau khi qua đời do tai biến mạch máu não ở tuổi 67, giác mạc của bà được Bệnh viện Mắt Trung ương ghép ngay cho chính con trai của bà là anh Đinh Đức Hữu, 38 tuổi, bị loạn dưỡng di truyền giác mạc.

Mắt của anh Đinh Đức Hữu bị mờ từ cách đây hơn 20 năm. Ảnh hưởng của việc chữa trị bằng đắp thuốc nam gây nên sẹo giác mạc khiến anh bị mù cả hai mắt. Anh Hữu không thể nhìn được vật gì xa khoảng cách 30 cm.

 Phó giáo sư, tiến sĩ Hoàng Minh Châu, Phó Giám đốc Bênh viện Mắt Trung ương, người trực tiếp phẫu thuật ghép giác mạc cho anh Đinh Đức Hữu cho biết, đến nay, sau hơn bảy tháng đựơc ghép giác mạc, mắt trái anh Hữu do được ghép của mẹ nên ít có nguy cơ thải loại. Mắt của anh Hữu đang dần ổn định. Anh phấn khởi nói:  “Được nhìn thấy vợ, con và được làm việc, không cần sự giúp đỡ của người thân nữa, tôi hạnh phúc vô cùng, cảm giác mình như được sống lại”.

Cùng với Hòa Bình, hiện cả nước có năm tỉnh, thành phố có người tình nguyện hiến giác mạc sau khi qua đời, đó là Ninh Bình, Hà Nội, Bắc Giang, Vĩnh Phúc và Nghệ An. 31 người tình nguyện hiến giác mạc, 62 người bệnh được ghép, nhìn thấy ánh sáng. Trong đó Ninh Bình là tỉnh có người tình nguyện hiến giác mạc nhiều nhất. Người hiến giác mạc trẻ nhất là 33 tuổi và người hiến già nhất là 104 tuổi, đều ở Ninh Bình.

Bác sỹ Phạm Ngọc Đông, Phó trưởng khoa Kết giác mạc (Bệnh viện Mắt Trung ương) cho biết: Giác mạc dùng để thay thế cho bệnh nhân thường được lấy từ những người tình nguyện hiến tặng mắt sau khi họ qua đời. Những người cao tuổi, người có thị lực kém và ngay cả những người mắc bệnh nan y (trừ các bệnh có thể lây truyền qua đường máu như viêm gan B và C, HIV)... vẫn có thể hiến tặng.

Khi có người thân qua đời, nhận được thông báo, Ngân hàng mắt sẽ cử kỹ thuật viên đến nhà lấy. Việc thu nhận giác mạc được tiến hành nhanh chóng, khoảng 25-30 phút nên không hề ảnh hưởng đến kế hoạch tổ chức tang lễ của gia đình người hiến. Kỹ thuật viên chỉ bóc lớp giác mạc mỏng phía trước của mắt nên hoàn toàn không làm ảnh hưởng đến khuôn mặt của người quá cố. Giác mạc hiến tặng được lấy trong vòng 6-8 giờ sau khi người hiến qua đời, được lưu giữ trong dung dịch bảo quản của Ngân hàng Mắt. Với điều kiện chuẩn, giác mạc có thể lưu giữ trong 14 ngày nên ghép cho bệnh nhân càng sớm càng tốt.

Việc hiến giác mạc là hành động mang ý nghĩa nhân đạo cao cả. Bộ Y tế sẽ tặng Kỉ niệm chương vì sức khỏe nhân dân cho người hiến để vinh danh người hiến và gia đình.