Lỗ thủng tầng ozon tại Nam cực rộng bằng châu Âu

Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) vừa thông báo, lỗ thủng của tầng ozon phía trên Nam cực đã rộng tới 10 triệu km2, tương đương diện tích châu Âu. Tổng diện tích các phần thủng của tầng ozon toàn cầu sẽ được công bố trong tháng này.

ESA tiến hành đo diện tích lỗ thủng trên từ giữa tháng tám nhờ một vệ tinh địa tĩnh tại Nam cực. Kể từ năm 2000, đây là lần công bố mới nhất về các lỗ thủng của tầng ozon.

Trên thực tế, lỗ thủng tại Nam cực hình thành chậm hơn một chút so với chu kỳ. Trong mùa đông dài rất tối và lạnh, lỗ thủng thường tạo thành một vùng khí xoáy lốc tĩnh phía trên Nam cực, ở quyển bình lưu, tầng cao nhất của khí quyển.

Do giá lạnh, acid nitric kết tủa thành giọt với nước. Khi nhiệt độ ở mức - 80oC, những giọt này lớn lên và tạo thành các tinh thể băng lớn. Khí chlorofluorocarbon (CFC) và các chất hoá học bào mòn tầng ozon khác (SACO) - tác nhân chính phá huỷ tầng ozon, là các phân tử bền vững nhưng khi gặp các tinh thể băng này sẽ gây phản ứng và chuyển hoá thành các chất hoá học gốc.

Các chất hoá học này, mà y học thường gọi là "các gốc tự do", rất dễ tạo phản ứng với ozon để trở lại trạng thái bền vững. Kết quả là tầng ozon bị phá huỷ thành khí oxy thông thường. Trong số các chất đó, phá huỷ mạnh nhất là các gốc chlor và brom.

Do vậy, về nguyên lý, phản ứng chỉ ngừng khi tất cả các gốc hoá học phản ứng hết. Đó là trường hợp diễn ra trong mùa đông. Trái lại, vào mùa xuân, quyển bình lưu lại bị tác động bởi tia cực tím. Các tia này sẽ tái tạo các gốc chlor và brom và tiếp tục phá huỷ tầng ozon. Một phân tử chlor bền vững hình thành rồi lại tiếp tục bị chuyển hoá thành chất hoá học gốc dưới tác động cuả tia cực tím. Với  phản ứng dây chuyền không ngừng này, chỉ một chất hoá học gốc có thể phá huỷ tới 100 nghìn phân tử ozon.

Mặt khác, theo Giáo sư Slimane Bekki, Đại học Paris Jussieur (Pháp), lốc xoáy khí ngăn cản mọi phần ozon tràn tới bù đắp lỗ thủng, khiến nó ngày càng lan rộng. Đồng thời, lốc xoáy này di chuyển đến những vùng sáng, có tia nắng mặt trời. Sự di chuyển này có liên quan tới các khí gây hiệu ứng nhà kính thải vào quyển bình lưu.

Năm 2000, số liệu quan sát cho thấy tổng diện tích tầng ozon bị phá huỷ là 23,8 triệu km2. Các nhà khoa học cho rằng số lượng các chất CFC và SACO trong khí quyển là nguyên nhân chính.

Mặc dù khí thải toàn cầu có chứa CFC và SACO đã giảm gần 80% kể từ năm 1988, việc các lỗ thủng ozon liền lại chắc chắn sẽ mất nhiều thời gian. Theo Giáo sư Slimane Bekki,  các nhà khoa học không hy vọng đạt được "tình trạng tầng ozon như thời đại tiền công nghiệp" trước năm 2050, có khi phải đến năm 2080, với điều kiện dừng hoàn toàn khí thải có chứa chlor và brom.

Nghị định thư Montreal năm 1987 được 187 nước phê chuẩn đã quy định hạn chế sử dụng các chất hoá học phá huỷ tầng ozon. Nhưng tháng bảy vừa qua, các nước ký kết không nhất trí được việc cấm sử dụng brom methyl, có trong thuốc trừ sâu. Cuộc thảo luận sẽ tiếp tục vào năm tới.