Khẳng định vai trò đầu ngành trong phòng, chống lao và bệnh phổi

NDO - Bệnh viện Phổi T.Ư (nguyên là Viện Chống Lao T.Ư) được thành lập năm 1957, là một trong những viện nghiên cứu được thành lập sớm nhất của ngành y tế. Trải qua 55 năm xây dựng và phát triển, bệnh viện không ngừng vươn lên, khẳng định vai trò chuyên khoa đầu ngành trong phòng, chống lao và bệnh phổi. Với kết quả đó, bệnh viện vừa được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động.
Người bệnh được chăm sóc và điều trị tại Bệnh viện Phổi Trung ương.
Người bệnh được chăm sóc và điều trị tại Bệnh viện Phổi Trung ương.

Kết quả nổi bật mà bệnh viện thu được là xây dựng được hệ thống cơ sở phòng, chống bệnh lao ổn định từ Trung ương đến tận xã, phường và tìm được phương pháp phòng, chống lao phù hợp điều kiện của đất nước. Ngay từ năm 1995, khi được triển khai, Chương trình Chống lao quốc gia (CTCLQG) nhanh chóng đạt được những dấu ấn quan trọng, 100% số dân được bảo vệ; số người bệnh được phát hiện mới hằng năm trong cộng đồng đạt hơn 80% so với ước tính. Bệnh viện đã tiến hành giám sát và theo dõi diễn biến dịch tễ học bệnh lao qua nghiên cứu điều tra chỉ số "nguy cơ nhiễm lao hằng năm", nhờ đó đã có thể  ước tính số nguồn lây chính đang có trong cộng đồng, góp phần cho việc tiên lượng bệnh lao thời điểm đó cũng như những năm tiếp theo. Bệnh viện cũng đã tiến hành điều tra tình hình bệnh lao tại các khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và biên giới, hải đảo để có chiến lược giải quyết những vấn đề y tế xã hội đáp ứng yêu cầu về công bằng và bình đẳng giữa các vùng miền. Song song với việc thực hiện chương trình chống lao, bệnh viện còn triển khai có hiệu quả Chương trình chống nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính ở trẻ em tại tất cả số xã trong cả nước, qua đó làm giảm được tỷ lệ tử vong do viêm phổi trẻ em dưới một tuổi xuống dưới 0,36%.

Hiện nay, 100% số dân trong cả nước được Chương trình chống lao tiếp cận, bảo vệ và sử dụng điều trị hóa trị ngắn ngày có kiểm soát (DOTS). Việc áp dụng DOTS luôn đạt tỷ lệ khỏi bệnh từ 87 đến 90,5%. Nhờ đó, Việt Nam là nước đầu tiên của châu Á đạt được mục tiêu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về điều trị khỏi bệnh cho hơn 85% số người bệnh, quản lý điều trị và phát hiện hơn 70% số người bệnh có trong cộng đồng. Chương trình chống lao của Việt Nam được WHO đánh giá cao về hoạt động phòng, chống bệnh lao, nhất là ở những vùng khó khăn: miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo và các nơi có đối tượng có nguy cơ lây nhiễm lao cao để tạo sự công bằng trong thụ hưởng quyền lợi của nhân dân do chương trình mang lại.

Ðáng chú ý, đây là đơn vị duy nhất vừa triển khai được công tác chống lao trong hệ thống y tế chung vừa mở rộng công tác chống lao trong các bộ, ngành (Công an, Quốc phòng, Lao động - Thương binh và Xã hội, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ...). Ðồng thời thành lập các tổ chống lao trong trại giam, Trung tâm 05-06; xây dựng các câu lạc bộ giúp bạn của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, góp phần vào tăng cường độ bao phủ và quản lý, hỗ trợ mọi đối tượng khi mắc bệnh lao. Với kết quả đạt được có tính bền vững, CTCLQG Việt Nam đã vinh dự được nhận Giải thưởng của Hội Chống Lao Hoàng gia Hà Lan; CTCLQG Việt Nam là một trong sáu quốc gia trên thế giới được nhận Giải thưởng của WHO về duy trì tính bền vững của công tác phòng, chống lao. WHO cũng đánh giá Việt Nam là một hình mẫu của công tác chống lao có ảnh hưởng và tác động tích cực đến cộng đồng xã hội.

Ngoài phát triển mạng lưới, mở rộng thực hiện bệnh viện là đơn vị đi đầu trong việc đổi mới công nghệ và ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ mới, luôn đẩy mạnh trong phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật và bảo vệ môi trường. Là đơn vị đề xuất kỹ thuật soi đờm khám phát hiện bệnh lao tại cộng đồng được thế giới công nhận và áp dụng từ năm 1962 đến nay. Ðặc biệt, người Viện trưởng đầu tiên, cố Bộ trưởng Y tế - bác sĩ Phạm Ngọc Thạch đã đề xuất những đường lối hết sức độc đáo, mở đường cho các biện pháp chống lao ở Việt Nam. Ðó là chẩn đoán bằng xét nghiệm đờm soi kính trực tiếp ngay từ tuyến cơ sở. Sau này Tổ chức Y tế thế giới, Hiệp hội Bài Lao và Bệnh phổi quốc tế coi là biện pháp cơ bản để phát hiện người bệnh lao và hiện nay phương pháp này vẫn đang được áp dụng.

Bệnh viện là đơn vị đi đầu đẩy mạnh việc ứng dụng các phương pháp kỹ thuật cao, mới và hiện đại nhất trên thế giới vào chẩn đoán, điều trị lao và bệnh phổi như kỹ thuật: Sinh học phân tử - Hain test, Gene Xpert TB trong chẩn đoán lao, điều trị điện đông cao tần, chụp CT Scanner, phẫu thuật nội soi lồng ngực, nội soi trung thất... mang lại kết quả điều trị bệnh tốt và hiệu quả nhất, đáp ứng được nhu cầu của nhân dân. Từ năm 1989, bệnh viện đã triển khai thành công phác đồ hóa trị ngắn ngày tám tháng với kết quả điều trị khỏi cao từ 88,3% đến 95%. Công trình nghiên cứu phối hợp Viện Vệ sinh dịch tễ về sản xuất vắc-xin BCG trong nước đã được thực hiện thành công, với kết quả nghiên cứu này bảo đảm cung cấp đủ vắc-xin tiêm phòng lao cho tất cả trẻ sơ sinh. Việc tiêm phòng lao được thực hiện trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng đạt hiệu quả như các nước tiên tiến. Phương pháp điều trị bằng phẫu thuật ngoại khoa lồng ngực mà GS Hoàng Ðình Cầu gây dựng tại bệnh viện (từ những năm 60 của thế kỷ 20) đã góp phần giải quyết các nguồn lây là lao phổi mãn tính khá phổ biến ở thời gian đó làm tiền đề cho các phương pháp điều trị ngoại khoa khác được triển khai. Bệnh viện là đơn vị đi đầu trong nước với các phẫu thuật cắt phổi, cắt thùy phổi, cắt xẹp thành ngực trong lao và bệnh phổi, góp phần nâng cao chất lượng điều trị.

Tuy đã đạt những kết quả quan trọng nhưng hiện nay tình hình bệnh lao ở nước ta vẫn còn khá nặng nề, khi kết quả điều tra tỷ lệ mắc lao và nhiễm lao toàn quốc cho thấy tỷ lệ hiện mắc lao cao hơn so với ước tính của WHO. Trong cộng đồng vẫn còn tồn tại một số lượng lớn người bệnh lao phổi chưa được phát hiện và tiếp tục là nguồn lây cho những người chung quanh. Thành công của CTCLQG trong việc điều trị bệnh  và hạn chế lây truyền bệnh lao trong cộng đồng đang bị đe dọa do tỷ lệ đồng nhiễm lao/HIV tăng nhanh, tình hình bệnh lao kháng thuốc; sự quản lý bệnh lao còn yếu trong các cơ sở y tế tư nhân; sự tiếp cận không đầy đủ của người nghèo và các nhóm đối tượng đặc biệt đối với các dịch vụ chữa lao chất lượng cao; thiếu hụt ngân sách... Tỷ lệ nhiễm HIV trong số người bệnh lao vẫn tiếp tục tăng nhanh theo từng năm, nó không chỉ làm tăng số người mắc bệnh lao, mà còn làm giảm hiệu quả điều trị và tăng tỷ lệ chết do lao. Cũng như nhiều nước, vấn đề lao kháng thuốc ở nước ta tiếp tục làm tăng thêm gánh nặng đồng thời làm giảm hiệu quả của Chương trình chống lao. Hiện nay tỷ lệ kháng thuốc chung ở Việt Nam là 32,5%, riêng lao  kháng đa thuốc là 2,3%. Bệnh lao còn là nguyên nhân chủ yếu làm cho đói nghèo kéo dài và là trở ngại đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Bệnh lao không chỉ là vấn đề y tế mà thật sự còn là vấn đề kinh tế - xã hội. Ðiều đó đòi hỏi bệnh viện cần phát huy hơn nữa vai trò đầu ngành chủ đạo của Bộ Y tế và trách nhiệm về phòng, chống lao và các bệnh phổi cho người dân, xứng đáng với vinh dự cao quý mà Nhà nước trao tặng nhân dịp 55 năm thành lập.