Một số đề xuất chính sách nổi bật của hai ứng viên Tổng thống Mỹ

NDO -

NDĐT- Ngày 8-11 (theo giờ địa phương), các cử tri Mỹ sẽ đi bỏ phiếu để chọn ra vị Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ giữa hai ứng cử viên Hillary Clinton, thuộc đảng Dân chủ và Donald Trump, thuộc đảng Cộng hòa. Theo kết quả các cuộc khảo sát trong suốt chiến dịch tranh cử, bà Clinton luôn giữ ưu thế trước đối thủ Donald Trump. Tuy nhiên, những diễn biến sôi động trong những ngày nước rút đã khiến cuộc chạy đua vào Nhà Trắng trở nên khó dự đoán. Dưới đây là một số những đề xuất chính sách đáng chú ý của hai ứng viên Tổng thống Mỹ năm 2016.

Ứng cử viên Tổng thống Mỹ năm 2016 Donald Trump, thuộc đảng Cộng hòa (bên trái) và đối thủ đảng Dân chủ Hillary Clinton. (Ảnh: Patriot Media)
Ứng cử viên Tổng thống Mỹ năm 2016 Donald Trump, thuộc đảng Cộng hòa (bên trái) và đối thủ đảng Dân chủ Hillary Clinton. (Ảnh: Patriot Media)

Chính sách kinh tế

Hillary Clinton cho biết sẽ tăng thuế đối với tầng lớp giàu có. Bà ủng hộ đề xuất chính sách thuế có tên gọi theo tên của tỷ phú Warren Buffett, kêu gọi những người có thu nhập hơn một triệu USD mỗi năm trả thuế suất thực tế là 30%. Bà Clinton cũng kêu gọi tăng thuế 4% đối với những người có thu nhập hơn năm triệu USD mỗi năm.

Bà Clinton cam kết tăng thuế tài sản thừa kế đối với tài sản chuyển nhượng từ một người quá cố cho những người thừa kế của họ. Bà cũng ủng hộ cấu trúc thuế thừa kế theo thang bậc, với mức cao nhất là 65% đối với các tài sản thừa kế có giá trị nhất từ 500 triệu USD trở lên cho một người hay một tỷ USD cho hai người.

Bà Clinton cũng cam kết công bố kế hoạch tái thiết cơ sở hạ tầng của Mỹ trong 100 ngày đầu tiên nắm quyền, kế hoạch này sẽ giúp tạo ra những việc làm mới. Bà sẽ sử dụng một phần nguồn thu có được từ kế hoạch tăng thuế để chi trả cho các trường cao đẳng cộng đồng miễn học phí và bảo đảm các sinh viên có thể tốt nghiệp các trường cao đẳng và đại học công mà không phải mắc nợ.

Ủy ban phi đảng phái và phi lợi nhuận, chuyên giải quyết các vấn đề tài chính và ngân sách liên bang của Mỹ (Committee for a Responsible Federal Budget) tính toán một cách độc lập các đề xuất của bà Clinton, ước tính các chính sách của bà có thể tiêu tốn 1,8 nghìn tỷ USD trong thập kỷ tới và được bù đắp 1,6 nghìn tỷ USD, phần lớn có được từ việc đánh thuế người có thu nhập cao. Ủy ban này cho biết, 200 tỷ USD còn lại có thể được bù đắp bằng 275 tỷ USD nguồn thu thuế doanh nghiệp mà nhóm vận động tranh cử của bà Clinton đã kêu gọi nhưng vẫn chưa giải thích rõ ràng đủ chi tiết để có thể tin rằng đó là một khoản bù đắp tại thời điểm này.

Ông Donald Trump đề xuất thu gọn nhóm phân loại mức thuế theo thu nhập gồm bảy mức hiện tại xuống còn ba mức, với tỷ lệ đánh thuế 12%, 25% và 33%. Mức cao nhất hiện tại là 39,6%. Ông cũng loại bỏ thuế đối với tài sản thừa kế và giảm thuế doanh nghiệp xuống còn từ 15% đến 35%.

Ông Trump đề xuất tăng chi tiêu cho quốc phòng và cơ sở hạ tầng nhưng sẽ giảm chi tiêu ngân sách cho các lĩnh vực khác 1% mỗi năm. Tuy nhiên, các chương trình y tế và an sinh xã hội cho người cao tuổi sẽ nằm ngoài các danh mục chi tiêu bị cắt giảm.

Kế hoạch của ông Trump sẽ cho phép các gia đình khấu trừ chi phí chăm sóc trẻ nhỏ từ các khoản thuế thu nhập và cung cấp thêm hỗ trợ thông qua chính sách giảm thuế cho những người thu nhập thấp hiện nay. Ông cũng cho phép những phụ nữ mới làm mẹ được hưởng sáu tuần nghỉ nuôi con được trả lương thông qua bảo hiểm thất nghiệp tạm thời. Ông đề xuất nguồn chi trả cho khoản này bằng việc loại bỏ gian lận trong chương trình bảo hiệm thất nghiệp và thông qua những thay đổi khác đối với hệ thống.

Một số chuyên gia kinh tế tỏ ra hoài nghi liệu những ý tưởng của ông Trump để giảm chi tiêu ngân sách có đủ để bù lại những khoản giảm thuế lớn, đặc biệt do nhiều thành viên đảng Cộng hòa cho rằng các chương trình an sinh xã hội phải được điều chỉnh để kiểm soát chi tiêu của chính phủ.

Chính sách nhập cư

Hillary Clinton cam kết đề xuất dự luật trong vòng 100 ngày đầu tiên nắm quyền để xem xét lại toàn bộ hệ thống nhập cư và thiết lập một tiến trình cho những người lao động không có thị thực hay giấy tờ thường trú trở thành công dân Mỹ.

Bà Clinton cho biết bà sẽ bảo vệ các sắc lệnh do Tổng thống Barack Obama ban hành để hoãn trục xuất các trẻ em được đưa đến Mỹ một cách bất hợp pháp và cha mẹ của các trẻ em là công dân Mỹ hay thường trú nhân hợp pháp. Bà cho biết, nếu Quốc hội Mỹ không thông qua cải cách chính sách nhập cư toàn diện, bà sẽ sử dụng các sắc lệnh tương tự như Tổng thống Obama để trì hoãn việc trục xuất trong các trường hợp đặc biệt.

Ông Donald Trump cam kết ưu tiên việc làm, lương bổng và an ninh cho người Mỹ. Thiết lập các quy định kiểm soát nhập cư mới để tăng lương và bảo đảm rằng các việc làm được tạo điều kiện cho lao động Mỹ đầu tiên. Bảo vệ sự hài lòng về mặt kinh tế cho những người nhập cư hợp pháp đã sinh sống tại Mỹ bằng việc hạn chế việc tuyển dụng các lao động nước ngoài một cách thiếu kiểm soát.

Ông Trump phát động chiến dịch vận động tranh cử Tổng thống với cam kết xây dựng một bức tường dọc theo biên giới Mỹ và Mexico và sẽ yêu cầu Mexico phải chi trả cho việc xây dựng bức tường này. Bất cứ ai vượt biên trái phép vào Mỹ sẽ bị bắt giữ cho đến khi họ bị trục xuất khỏi Mỹ.

Ông Trump cũng cam kết tăng cấp ba lần số lượng nhân viên thực thi pháp luật về nhập cư, thuê thêm các mật vụ cho cơ quan tuần tra biên giới và nâng hình phạt đối với việc lưu trú quá hạn thị thực. Ông Trump sẽ chấm dứt các chính sách nhập cư của chính quyền Obama. Ông sẽ ưu tiên việc trục xuất những người lưu trú bất hợp pháp tại Mỹ, những người đã phạm tội và những người mới đến Mỹ gần đây hoặc những người lưu trú quá hạn thị thực.

Chính sách quản lý phố Wall

Hillary Clinton cam kết bảo toàn đạo luật cải cách tài chính Dodd-Frank 2010 được ban hành sau cuộc khủng hoảng tài chính và theo đuổi các biện pháp khác để thắt chặt quản lý phố Wall.

Bà đã đề xuất một mức phí đối với các tổ chức tài chính lớn dựa trên quy mô của các tổ chức này và mức độ rủi ro mà các tổ chức này đặt ra. Bà cũng sẽ tạo thêm quyền cho các nhà quản lý để buộc các tổ chức tài chính đặt ra các nguy cơ cao phải thu hẹp quy mô hoặc là tái cơ cấu.

Bà Clinton cũng kêu gọi củng cố luật Volcker, luật hạn chế việc mua bán quyền sở hữu bởi các ngân hàng thương mại. Bà kêu gọi áp đặt mức thuế mới đối với các giao dịch tần suất cao và kêu gọi giám sát chặt chẽ hơn các quỹ đầu cơ, các công ty đầu tư tư nhân và các thực thể khác trong cái gọi là “shadow-banking system” - hệ thống những thể chế tài chính hoạt động trong bóng tối hoặc bên lề hệ thống ngân hàng thương mại chính thống, ngoài vòng giám sát của Cục dự trữ liên bang (FED) và Tổng công ty bảo hiểm tiền gửi liên bang (FDIC).

Bà Clinton cam kết thực hiện các chính sách cứng rắn hơn đối với những tội phạm tài chính, trong đó mở rộng quy chế về các điều giới hạn đối với các tội phạm kể trên.

Ông Donald Trump cam kết hủy bỏ dần đạo luật cải cách tài chính Dodd-Frank 2010 được ban hành sau cuộc khủng hoảng tài chính nhưng ông chỉ đưa ra một vài điểm chi tiết về kế hoạch này.

Cương lĩnh của đảng Cộng hòa kêu gọi khôi phục đạo luật Glass-Steagall có từ thời những năm 1930, buộc phân tách các ngân hàng đầu từ khỏi các tổ chức nhận tiền gửi. Cựu giám đốc phụ trách chiến dịch vận động tranh cử của ông Trump, Paul Manafort, nói hồi tháng 7 rằng, chiến dịch vận động tranh cử của ông Trump ủng hộ thay đổi này.

Chính sách ứng phó với tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS)

Hillary Clinton cam kết đánh bại tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) và cho biết, bước đầu tiên để đánh bại nhóm này là phá vỡ các thành trì của chúng tại Iraq và Syria.

Trong một sự chuyển hướng so với chính quyền Obama, bà Clinton ủng hộ thiết lập vùng cấm bay tại Syria và kêu gọi thực hiện chiến dịch không kích tăng cường của liên quân do Mỹ đứng đầu. Bà Clinton cho biết, bà sẽ gửi thêm lực lượng đặc nhiệm của Mỹ để hỗ trợ lực lượng của Arab và người Kurd đang tham chiến trên mặt đất. Bà phản đối điều binh sĩ Mỹ tham chiến trên mặt đất tới khu vực này.

Bà Clinton cũng nói Mỹ và các đồng minh châu Âu phải chia sẻ thông tin tình báo hiệu quả hơn để ngăn chặn các cuộc tấn công tiềm tàng. Bà hối thúc các công ty tại thung lũng Silicon hợp tác với chính phủ để giám sát các cách thức tuyển mộ các tay súng trên internet.

Ông Donald Trump cam kết hợp tác với các đồng minh Arab và đối tác tại khu vực Trung Đông trong cuộc chiến chống lại IS. Theo đuổi các chiến dịch quân sự mạnh tay của liên minh nhằm tiêu diệt IS, hợp tác quốc tế để cắt nguồn huy động ngân sách của IS, mở rộng chia sẻ thông tin tình báo và thực hiện chiến tranh mạng để ngăn chặn và vô hiệu hóa hoạt động truyền bá và tuyển mộ của IS.

Tạm ngừng, trên cơ sở tạm thời, người nhập cư từ một vài trong số những khu vực nguy hiểm và bất ổn nhất trên thế giới mà có lịch sử xuất khẩu chủ nghĩa khủng bố.

Ông Trump cho biết, nếu ông giành chiến thắng, ông sẽ cho các tướng của Mỹ 30 ngày sau khi ông nắm quyền vào ngày 20-1-2017 để đề xuất các kế hoạch của họ. Ông phản đối chấp nhận những người tị nạn bỏ trốn khỏi bạo lực tại Syria, và thay vào đó, ông sẽ thành lập “các vùng an toàn” tại đó, chi phí để thiết lập các vùng an toàn này sẽ do các quốc gia vùng Vịnh đóng góp.

Chính sách đối với Nga

Hillary Clinton được các quan chức và cựu quan chức của chính quyền Obama tin rằng, bà sẽ thực hiện chính sách cứng rắn hơn đối với Nga so với cả ông Obama và ông Trump.

Bà Clinton nói, bà tin rằng các tin tặc người Nga đứng đằng sau vụ thâm nhập vào hệ thống máy tính của đảng Dân Chủ nhằm gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.

Bà Clinton cho rằng, Nga nên đóng một vai trò trong cuộc chiến chống IS tại Syria và cố vấn chính sách ngoại giao của bà Clinton nói bà sẽ xem xét cung cấp vũ khí cho các lực lượng chính phủ tại Ucraina trong một động thái nhằm chống lại “sự gây hấn của Nga tại châu Âu”.

Ông Donald Trump cho biết, ông sẽ có một mối quan hệ “rất, rất tốt” với Nga. Ông từng nói, ông tin rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin là nhà lãnh đạo tốt hơn ông Obama.

Ông Trump cho biết sẽ hợp tác với Nga để chống lại IS. Ông cũng nói rằng, ông sẽ xem xét công nhận Crimea là một phần lãnh đổ của Nga và dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Nga bị các quốc gia phương Tây áp đặt liên quan đến việc sáp nhập Crimea.

Ông Trump chỉ trích Tổ chức hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), cho biết, một số đồng minh của Mỹ đã không thực hiện những cam kết quốc phòng của họ. Hồi tháng 7, ông nói rằng nếu Nga tấn công một quốc gia thành viên NATO, ông sẽ xem xét liệu quốc gia đó có đóng góp đầy đủ hay không trước khi hỗ trợ quốc phòng cho nước này.

Chính sách đối với Trung Quốc

Hillary Clinton từng là nhân vật đóng vai trò chủ chốt trong chiếc lược xoay trục châu Á của Tổng thống Obama khi bà là Ngoại trưởng Mỹ nhiệm kỳ 2009-2013.

Bà Clinton cho biết sẽ tăng cường hợp tác với Trung Quốc trong những lịch vực có lợi ích chung. Tuy nhiên, bà sẽ “tích cực theo đuổi các vụ kiện thương mại và các biện pháp trừng phạt” đối với Trung Quốc khi nước này bán phá giá.

Bà sẽ ứng phó với các cuộc tấn công mạng từ các quốc gia như Nga và Trung Quốc “như bất cứ cuộc tấn công nào khác” và Mỹ “sẽ sẵn sàng các biện pháp đáp trả thích đáng về chính trị, kinh tế và quân sự”.

Ông Donald Trump cam kết nếu trở thành Tổng thống sẽ lệnh cho Bộ Tài chính Mỹ chính thức liệt Trung Quốc là quốc gia thao túng tiền tệ, áp đặt thuế quan đối với các mặt hàng nhập khẩu của Trung Quốc và tiến hành các vụ kiện thương mại chống lại Trung Quốc tại cả Trung Quốc và Tổ chức Thương mại thế giới (WHO).

Ông Trump kêu gọi tăng cường sự hiện diện của quân đội Mỹ trong và chung quanh Biển Đông, đồng thời tăng cường khả năng ứng phó của Mỹ trước các cuộc tấn công mạng từ phía Trung Quốc.