“Thời gian vàng” ngăn dịch Covid-19 bùng phát

Các chuyên gia đánh giá, từ nay đến cuối tháng 8-2020 là “thời gian vàng” để dập dịch Covid-19 tại nước ta. Chính vì vậy, việc tập trung mọi nguồn lực, tranh thủ từng giờ, từng phút để truy vết phát hiện các trường hợp nghi nhiễm, thực hiện xét nghiệm diện rộng nhằm cách ly người nhiễm virus SARS-CoV-2 tránh lây lan trong cộng đồng đang đòi hỏi khẩn trương hơn bao giờ hết.

Đoàn bác sĩ, điều dưỡng của thành phố Hải Phòng lên đường chi viện cho Đà Nẵng chống dịch Covid-19. Ảnh: MAI DUNG
Đoàn bác sĩ, điều dưỡng của thành phố Hải Phòng lên đường chi viện cho Đà Nẵng chống dịch Covid-19. Ảnh: MAI DUNG

Thiếu nguồn lực nơi “tâm dịch”

Diễn biến ngày càng phức tạp của dịch Covid-19 đã khiến vùng “tâm dịch” TP Đà Nẵng đối diện cùng lúc với nhiều khó khăn lớn, trong đó đáng nói là thiếu hụt cơ sở vật chất lẫn cả nguồn nhân lực để tổ chức xét nghiệm, cách ly tập trung. Theo Sở Y tế TP Đà Nẵng, đối với cấp độ dịch Covid-19 tại thành phố, việc xét nghiệm virus SARS-CoV-2 cho các đối tượng phải thực hiện lấy mẫu và xét nghiệm bằng phương pháp Realtime-PCR. Tuy nhiên, tới ngày 4-8, thành phố chỉ có bốn cơ sở là Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Phổi, Bệnh viện 199, Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Đà Nẵng đủ điều kiện xét nghiệm Covid-19 bằng phương pháp Realtime-PCR. 

Câu hỏi đặt ra là, trong điều kiện năng lực xét nghiệm hiện tại (chỉ với trên dưới 10.000 mẫu/ngày, với bốn cơ sở xét nghiệm), Đà Nẵng sẽ phải tính toán như thế nào để tổ chức xét nghiệm cho hơn một triệu dân trong thời gian tới? Giải đáp băn khoăn này, theo lãnh đạo TP Đà Nẵng, thành phố đã bắt đầu triển khai xét nghiệm nhóm và kỳ vọng phương pháp sàng lọc diện rộng theo nhóm (group test) sẽ cho ra kết quả nhanh hơn rất nhiều so với xét nghiệm từng mẫu. Theo đó với hình thức này sẽ bỏ nhiều mẫu vào ống xét nghiệm để cho ra xét nghiệm gộp. Với nỗ lực đó, thời gian tới Đà Nẵng sẽ nâng năng lực xét nghiệm đạt hơn 20.000 - 30.000 mẫu/ngày. Sở Y tế TP Đà Nẵng cũng đang khuyến khích các cơ sở y tế trên địa bàn đầu tư nguồn lực để xét nghiệm Covid-19 bằng phương pháp Realtime-PCR, bảo đảm cả năng lực và điều kiện pháp lý, để cùng thành phố triển khai phương án xét nghiệm Covid-19 trên diện rộng. 

Đến nay, Bộ Y tế và các bệnh viện đầu ngành của cả nước, như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Trung ương Huế đã hỗ trợ nhân lực, phương tiện cùng TP Đà Nẵng trong chống dịch bệnh. Nhiều địa phương như Hải Phòng, Bình Định đã đưa đội ngũ y, bác sĩ tới hỗ trợ. Đà Nẵng đã lập hai bệnh viện dã chiến là Trung tâm y tế huyện Hòa Vang với quy mô 200 giường và Bệnh viện dã chiến tại Cung thể thao Tiên Sơn với quy mô ban đầu 700 giường, có thể nâng lên 1.000 giường. Trong tình huống bệnh viện dã chiến tại Cung thể thao Tiên Sơn “lấp đầy”, Bệnh viện dã chiến thứ ba tại Trung tâm hội chợ triển lãm sẽ được tính đến.

Theo ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, việc xây dựng một bệnh viện dã chiến sẽ rất nhanh, chỉ trong khoảng một tuần. “Nhưng để hoàn chỉnh, đủ điều kiện đi vào hoạt động thì đòi hỏi phải đầy đủ, đồng bộ về nhân lực với cả bộ máy hàng trăm y, bác sĩ. Thành phố không có sẵn thì phải điều từ chỗ này sang chỗ khác và kiến nghị Bộ Y tế chi viện thêm nhân lực, đề nghị các địa phương không có dịch hỗ trợ nguồn cán bộ”, ông Thơ nói. 

Sớm xét nghiệm Covid-19 trên diện rộng

Ở “điểm nóng” Covid-19 khác, là tỉnh Quảng Nam, hiện cũng gặp những khó khăn không kém trong triển khai xét nghiệm và điều trị bệnh nhân Covid-19. Quảng Nam hiện có các cơ sở xét nghiệm bằng hệ thống Realtime-PCR tự động gồm CDC Quảng Nam, Bệnh viện Trung ương đa khoa Quảng Nam và Trường đại học  Phan Chu Trinh (TP Hội An). Viện Pasteur Nha Trang (Bộ Y tế) cũng vừa có quyết định công nhận Khoa Xét nghiệm - chẩn đoán hình ảnh - thăm dò chức năng của CDC Quảng Nam được phép khẳng định các trường hợp dương tính với SARS-CoV-2.

Song, hiện nay nhu cầu xét nghiệm đối với trường hợp F1 trên địa bàn tỉnh rất lớn. Như chia sẻ của ông Trần Văn Kiệm - Giám đốc CDC Quảng Nam, ban đầu hầu hết các bệnh nhân ở tỉnh đều liên quan đến Đà Nẵng, nhưng sau này có nhiều ổ dịch trong cộng đồng, một người lây nhiễm ra 4-5 người, trường hợp F1, F2 là rất nhiều. Tỉnh có 55 điểm cách ly tập trung, với năng lực trung bình một ngày lấy 1.200 - 1.500 mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm Covid-19 như hiện nay, nhiều ý kiến lo ngại Quảng Nam khó đạt được nhu cầu xét nghiệm cho cộng đồng.

Xét nghiệm diện rộng để ngăn chặn nguồn bệnh lây lan trong cộng đồng cũng đang là vấn đề cấp thiết được đặt ra hiện nay ở nhiều tỉnh, thành phố, nhất là địa phương có nguy cơ cao. Bộ Y tế đã đề nghị các địa phương chỉ đạo các đơn trị trực thuộc trong và ngoài ngành y tế đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất, nhân lực, sinh phẩm cho các phòng xét nghiệm trên địa bàn để bảo đảm xét nghiệm chẩn đoán virus SARS-CoV-2 tại chỗ. Đáng chú ý, Bộ Y tế khẳng định các phòng xét nghiệm đã được Bộ Y tế thẩm định xác nhận đủ năng lực xét nghiệm khẳng định Covid-19 không cần gửi mẫu đến các đơn vị khác để khẳng định lại trong trường hợp kết quả dương tính. “Các địa phương yêu cầu tất cả người liên quan những nơi được cảnh báo khai báo y tế và lấy mẫu xét nghiệm. Phải làm căng thì càng hiệu quả, càng tốt”, GS Nguyễn Thanh Long - quyền Bộ trưởng Y tế đề nghị.

Thời gian tới, các chuyên gia dự báo, ngoài Đà Nẵng và Quảng Nam, còn có các địa phương khác như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đắk Lắk... có khả năng phát hiện các ca nhiễm mới. Nguy cơ có dịch luôn thường trực trong cộng đồng. Vì vậy, phải thiết lập trạng thái bình thường mới với từng người dân, gia đình, tổ chức và toàn xã hội. Phải phát hiện thật nhanh, khoanh vùng thật sớm ở quy mô nhỏ nhất có thể. Các cơ sở y tế phải luôn sẵn sàng vì các ca bệnh chỉ dẫn ban đầu đều được phát hiện tại các cơ sở y tế.