Ngổn ngang phân luồng sau trung học cơ sở

Ðiểm chuẩn vào lớp 10 tại nhiều địa phương vừa được công bố đã "chạm đáy" khiến chúng ta một lần nữa giật mình nhìn lại công tác phân luồng sau trung học cơ sở (THCS) thật sự còn lắm ngổn ngang...

Hướng nghiệp học nghề sớm, phù hợp năng lực, trình độ học sinh từng vùng, miền cần được quan tâm hơn nữa.
Hướng nghiệp học nghề sớm, phù hợp năng lực, trình độ học sinh từng vùng, miền cần được quan tâm hơn nữa.

Hơn một kỳ thi…

Rất khó để hình dung khi điểm trung bình mỗi môn thi chỉ từ 1 đến 2 điểm, thậm chí là 0,58 điểm/môn là đã trúng tuyển vào trường trung học phổ thông (THPT) công lập. Rất tiếc, đây lại là sự thật tại không ít trường, không ít địa phương trên cả nước. Ðã có ý kiến băn khoăn, thi cử như thế, có nên duy trì việc tổ chức một kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 hay không?

Mang băn khoăn này đi hỏi các chuyên gia giáo dục, phần lớn các câu trả lời nhận lại là "rất cần thiết", nhất là ở những thành phố lớn (Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Ðà Nẵng, Cần Thơ…), bởi nếu không tổ chức phân loại để sàng lọc thì sẽ… loạn. Nguyên do là, ở bất cứ tỉnh, thành phố nào cũng có một vài trường chuyên, trường điểm, trường được đánh giá chất lượng tốt… và như thế, cuộc "đua" vào trường công lập trên các địa bàn này chưa bao giờ hết "nóng".

Vấn đề ở đây, theo ý kiến các chuyên gia, thì ngành giáo dục nói chung và các địa phương nói riêng, cần xác định rõ chất lượng giáo dục từng vùng, miền khác nhau để có các phương án tuyển sinh riêng, có tính phân luồng cao. Ðơn cử như, nếu khi khảo sát chỉ tiêu tuyển sinh vào trường mà thấy số lượng đăng ký xấp xỉ, thậm chí ít hơn cả chỉ tiêu thì đâu cần phải thi nữa. Lúc này, các học sinh đã được xét tốt nghiệp THCS thì căn cứ vào học bạ có thể đón các em vào học.

Chuyên gia về phân luồng học sinh sau THCS, ThS Ðặng Văn Sáng cho rằng, cần phải căn cứ vào điều kiện kinh tế - xã hội của từng địa phương, nắm bắt nhu cầu học tập lên bậc học cao hơn của các em để có chính sách hướng nghiệp phù hợp. "Ở không ít nơi, khi không có điều kiện học lên lớp 10, nhiều em sau khi cố học xong THCS đã tìm cách đi học nghề, rồi đi làm sớm, và cũng khá nhiều người thành công đấy thôi", ông Sáng dẫn chứng.

Ðồng quan điểm, TS Hoàng Văn Phúc, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Bách khoa Sài Gòn phân tích thêm, nếu điểm tuyển sinh đầu vào thấp như vậy, khi nhận những học sinh này thì trường sẽ đủ chỉ tiêu về số lượng, nhưng về chất lượng khó bảo đảm. "Cái khó đầu tiên chính là khi phải dạy lại gần như toàn bộ những kiến thức từ bậc THCS. Kế đến, các thầy, cô phải có sự sắp xếp phù hợp. Tuy nhiên, nếu xếp dồn tất cả những em yếu nhất về một lớp thì sẽ vi phạm một trong những nguyên lý giáo dục, khiến các em không có động lực phát triển. Mà nếu không chia ra, xếp cả những em học khá với những em học yếu, chênh lệch quá như vậy thì lại gây khó khăn cho cả thầy và trò", ông Phúc tâm tư.

Chuyển động còn chậm

Theo Ðề án "Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025" thì mục tiêu của ngành giáo dục, mỗi năm phải phân luồng được khoảng 30% số học sinh sau tốt nghiệp THCS theo học các trường nghề, 70% còn lại sẽ vào lớp 10 khối THPT. Nhưng trên thực tế, trong nhiều năm qua, số học sinh tốt nghiệp THCS tham gia học nghề chưa đến 10%.

Xoay sở tìm giải pháp phân luồng sau THCS, nhiều năm qua, ngành giáo dục TP Hồ Chí Minh đã đẩy mạnh tuyên truyền về chương trình đào tạo 9+ hệ cao đẳng dành cho những học sinh không đủ điều kiện học lên bậc THPT rồi đại học. Theo đó, học sinh được hỗ trợ học phí theo Nghị định 86/2015/NÐ-CP của Chính phủ, vừa tiết kiệm được thời gian và chi phí đào tạo. "Ðây cũng là hướng giải pháp phù hợp mà chúng ta nên tư vấn cho các học sinh thi vào lớp 10 đạt điểm thấp, không nên cố học tiếp THPT, mà hãy chuyển hướng học nghề sớm", ThS Nguyễn Ðăng Lý, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Quốc tế TP Hồ Chí Minh phân tích.

Ở góc nhìn quản lý giáo dục, ông Lê Duy Tân, Trưởng phòng Giáo dục Phổ thông (Sở Giáo dục và Ðào tạo TP Hồ Chí Minh) nhắn nhủ: "Các em sau khi hoàn thành bậc THCS, chớ nghĩ cứ phải học THPT rồi đại học, theo xu hướng hiện đại, chọn học nghề sớm đang mở ra nhiều cơ hội, nhiều lựa chọn hơn".

Thực tế cũng cho thấy, rất nhiều trường hợp, học nghề sau THCS là lựa chọn tốt nhất vì đây là cơ hội để các em thể hiện bản thân, thử thách ở môi trường mình được chủ động lựa chọn lộ trình phù hợp với năng lực, đam mê và cả xu hướng xã hội. "Năm nay, TP Hồ Chí Minh có hơn 100 nghìn học sinh tốt nghiệp THCS, nhưng chỉ hơn 81 nghìn học sinh tham gia vào kỳ tuyển sinh lớp 10, đã có khoảng 20 nghìn học sinh chủ động phân luồng như theo học các trường tư thục, trường nghề... Rõ ràng, còn lắm ngổn ngang, những chuyển động còn chậm, song đây cũng là một tín hiệu tích cực", ông Tân cho biết.