“Luật hóa” Tổng đài 111

Đường dây nóng phòng, chống mua bán người (PCMBN), được Bộ Lao động - Thương binh và  Xã hội (LĐ-TB&XH) thành lập từ năm 2012 với sự hỗ trợ của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA). Sau quá trình hoạt động hiệu quả, dự kiến sang năm 2021, Đường dây nóng sẽ được bàn giao hoàn toàn cho Bộ chủ quản. Một chặng đường mới được mở ra.  

Giai đoạn 2 của Dự án được triển khai nhằm hoàn thiện mạng lưới Tổng đài chia theo vùng địa lý, chuẩn hóa năng lực đội ngũ nhân viên tư vấn và tăng cường kết nối phối hợp liên ngành.
Giai đoạn 2 của Dự án được triển khai nhằm hoàn thiện mạng lưới Tổng đài chia theo vùng địa lý, chuẩn hóa năng lực đội ngũ nhân viên tư vấn và tăng cường kết nối phối hợp liên ngành.

Sự cấp thiết của Đường dây nóng

Tháng 7-2012, Dự án được triển khai với mục tiêu giúp Đường dây Tư vấn và Hỗ trợ trẻ em (nay là Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em 111) mở rộng thêm chức năng PCMBN, tư vấn, kết nối chuyển tuyến và hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho các nạn nhân. Với kinh nghiệm gần 10 năm, cùng cơ sở hạ tầng kỹ thuật đáp ứng được yêu cầu, Đường dây Tư vấn và Hỗ trợ trẻ em được Bộ LĐ-TB&XH giao nhiệm vụ triển khai dự án Đường dây nóng PCMBN (111). Đây là nơi tiếp nhận và kết nối thông tin từ người dân đến các cơ quan chức năng về PCMBN, giải cứu nạn nhân. Hotline 111 duy trì hoạt động 24 giờ và hoàn toàn miễn phí, tăng cường tư vấn, giải đáp tiếp nhận các thông tin về nạn nhân mua bán người và chuyển tuyến tới các cơ quan hữu quan để hỗ trợ, can thiệp kịp thời. 

Trong đó, JICA đã hỗ trợ trang thiết bị và nâng cấp phần mềm cho cả ba tổng đài tại Hà Nội, Đà Nẵng và An Giang; hỗ trợ đào tạo cho nhân viên tư vấn (NVTV) để nâng cao kiến thức của họ về phòng, chống MBN, các kỹ năng tư vấn cũng như chuyển tuyến. Dựa trên chức năng của Đường dây nóng, dự án cũng đã và đang hỗ trợ các thành viên nhóm công tác liên ngành, gồm Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam nhằm hỗ trợ việc sửa đổi Nghị định quy định một số điều của Luật Phòng, chống MBN cũng như xây dựng Kế hoạch Quốc gia về Phòng, chống MBN giai đoạn 5 năm.

Để cung cấp các dịch vụ của Đường dây nóng PCMBN trên phạm vi toàn quốc, JICA cũng tổ chức đào tạo cho đầu mối các Sở LĐ-TB&XH của 63 tỉnh, thành phố. Ngoài ra, một trong những hoạt động quan trọng nhất của dự án là công tác truyền thông để nâng cao nhận thức của người dân về các vấn đề liên quan MBN và Đường dây nóng PCMBN. Rất nhiều hoạt động truyền thông đã được triển khai như: quảng bá trên các thông điệp phát thanh, truyền hình, báo, tạp chí, banner, các sản phẩm truyền thông, clip hoạt hình hay các bảng biển đặt tại các khu vực biên giới,…

Thực tế đã cho thấy tính hiệu quả của dự án hợp tác nhân văn này. Số lượng cuộc gọi liên quan tới MBN trên toàn quốc cả năm 2019 là 2.520 cuộc gọi. Nửa đầu năm 2020 là 1.290 cuộc gọi, tăng 526 cuộc so cùng kỳ năm 2019. Từ khi được thành lập cho tới nay, Đường dây nóng đã nhận được tổng số 11.526 cuộc gọi trong đó có 237 ca chuyển tuyến thành công tới các cơ quan liên quan, các ca còn lại là cung cấp thông tin chung liên quan nội dung MBN, tư vấn di cư an toàn, xuất khẩu lao động tìm kiếm việc làm, các chính sách hỗ trợ cho nạn nhân, tư vấn tâm lý và hỗ trợ can thiệp chuyển tuyến. 

Chặng đường mới

Theo kế hoạch, đến tháng 11-2021, toàn bộ Dự án sẽ được bàn giao lại cho Bộ LĐ-TB&XH. Để nâng cao tính hiệu quả của hình thức kết nối này cũng như đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu của đời sống, Bộ đang xem xét đưa nội dung về Đường dây nóng PCMBN vào Kế hoạch Quốc gia về Phòng, chống mua bán người (giai đoạn 2021-2025), và bổ sung sửa đổi vào Nghị định 09/2013 của Chính phủ. Khi được “luật hóa”, vận hành Đường dây nóng có cơ sở pháp lý để khai thác tối ưu nguồn nhân lực và vật lực hiện có cũng như mở rộng khả năng khai thác hệ thống cơ sở dữ liệu hiện có của Tổng đài Quốc gia bảo vệ Trẻ em. 

Những kết quả đạt được và cả những dự định cho chặng đường tiếp theo của Đường dây nóng PCMBN trước tiên sẽ tùy thuộc vào chính nguồn nhân lực được hình thành, bồi dưỡng và tôi luyện trong gần 10 năm qua. Đảm nhiệm khối lượng công việc khổng lồ, đội ngũ NVTV vừa phải đáp ứng yêu cầu về kiến thức, kỹ năng về nhiều lĩnh vực như tâm lý, công tác xã hội, pháp luật,… đồng thời phải đối mặt với những áp lực, thậm chí cả lời lẽ xúc phạm của người chưa hiểu rõ về chức năng, nhiệm vụ của Đường dây nóng. Không những vậy, thời gian làm việc phân theo ca kíp, khiến cho họ phải tìm cách cân đối các công việc cá nhân, chăm sóc gia đình.  

Việc tăng cường mạng lưới kết nối với đầu mối các Sở LĐ-TB&XH của 63 tỉnh, thành phố và nâng cao năng lực của các NVTV, cộng tác viên Đường dây nóng chi nhánh cũng là nội dung thiết yếu cho việc bảo đảm tính bền vững.

Sau cùng, công tác tuyên truyền vẫn cần được triển khai liên tục, đặc biệt tăng cường các hoạt động truyền thông qua internet, như các dịch vụ mạng xã hội, điện thoại thông minh, app Tổng đài 111… Đồng thời, có những phương pháp truyền thông phù hợp, gần gũi đến với đồng bào dân tộc thiểu số, để “không ai bị bỏ lại phía sau”!