Khẩn cấp ứng phó làn sóng mới dịch Covid-19

Dịch Covid-19 đang bùng phát dữ dội tại Ấn Ðộ. Cùng đó, một số nước chung đường biên giới với Việt Nam đang có số ca nhiễm tăng nhanh. Tình hình đó khiến cho việc tăng cường các biện pháp ngăn chặn nguy cơ dịch bùng phát trở lại ở nước ta, nhất là trong dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5, trở nên cấp bách hơn bao giờ hết.

Lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 với người có nguy cơ cao. Ảnh: Nguồn HCDC TP Hồ Chí Minh
Lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 với người có nguy cơ cao. Ảnh: Nguồn HCDC TP Hồ Chí Minh

Cẩn trọng khả năng mầm bệnh có thể xuất hiện trong cộng đồng

Với diễn biến phức tạp dịch Covid-19 hiện nay, nhất là ca dương tính với SARS-CoV-2 là nhân viên của khách sạn Như Nguyệt 2, TP Yên Bái, tỉnh Yên Bái vừa phát hiện, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19 quốc gia (Ban Chỉ đạo) nhận định, khi Việt Nam tiếp tục đón chuyên gia và công dân về nước, cần cẩn trọng khả năng mầm bệnh "đã có trong cộng đồng", không chỉ tập trung ở khu vực phía tây nam.

Theo lãnh đạo Sở Y tế Yên Bái, ca mắc Covid-19 tại tỉnh là bệnh nhân nam 63 tuổi, tiếp xúc với đoàn chuyên gia từ Ấn Ðộ nhập cảnh vào Việt Nam ngày 18-4 và đang trong quá trình cách ly. Ðến nay, liên quan đến đoàn chuyên gia và thân nhân người Ấn Ðộ nhập cảnh về Yên Bái ngày 18-4, có năm người dương tính với SARS-CoV-2 (bốn chuyên gia Ấn Ðộ và một người Việt Nam). Ca bệnh Covid-19 mới này đã được cách ly tập trung nghiêm ngặt từ ngày đầu tiếp xúc với đoàn chuyên gia tại khách sạn, do đó không có F1. "Chúng tôi cảnh báo đây là chủng chưa có giải trình tự gene các chủng Covid-19 mà Yên Bái đã từng gửi Bộ Y tế, và cũng dự đoán đây sẽ là chủng mới có khả năng lây nhiễm rất mạnh nên phải tăng cường chỉ đạo, giám sát và thực hiện nghiêm việc cách ly chặt chẽ", đại diện Sở Y tế Yên Bái thông tin.

Tại Hà Nội, theo ông Hoàng Ðức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hà Nội, trong tuần qua, có ba trường hợp nhập cảnh trái phép từ Cam-pu-chia về qua sân bay Nội Bài, sau đó bắt ta-xi từ sân bay đi thẳng lên Thái Nguyên và Bắc Ninh, không lưu trú ở Hà Nội. Hiện, cả ba trường hợp đã được cách ly y tế, xét nghiệm cho kết quả âm tính lần một. "Thời gian nghỉ lễ 30-4 và 1-5 kéo dài, dự tính lưu lượng người Hà Nội đi du lịch các địa phương, về thăm quê rất đông, nguy cơ bùng phát dịch rất cao. Nhất là giải trình tự gene vi-rút ở Lào, Cam-pu-chia, Thái-lan đều cho thấy, chủ yếu là biến thể vi-rút ở Anh, ở Nam Phi, có tốc độ lây rất nhanh. Ðặt giả thiết vi-rút có trong cộng đồng thì tốc độ lây rất nhanh nếu người dân tập trung đông người và không thực hiện tốt các biện pháp phòng dịch như đeo khẩu trang, khử khuẩn…", ông Hạnh bày tỏ lo ngại.

Với TP Hồ Chí Minh, địa bàn nằm gần các tỉnh phía tây nam, công dân các tỉnh đi lại làm ăn đông, hiện đã nâng cấp độ các biện pháp kiểm soát dịch bệnh xâm nhập. Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật (HCDC) thành phố, nếu dịch Covid-19 xâm nhập, bài toán "sống còn" là phát hiện sớm, càng sớm càng tốt. Do đó, việc giám sát các khu vực nguy cơ cao, như bến xe liên tỉnh, sân bay, khu nhà trọ, chợ…; người có nguy cơ mắc Covid-19 là người nhập cảnh, người sau cách ly… tiếp tục được triển khai quyết liệt.

Xây dựng các kịch bản chống dịch

Trước nguy cơ xuất hiện làn sóng dịch Covid-19 thứ tư, ngành y tế đã và đang chuẩn bị các phương án về y tế để ứng phó các kịch bản dịch bệnh có thể xảy ra, kể cả tình huống xấu nhất. Vì vậy, ngoài bệnh viện dã chiến tại Hà Tiên (Kiên Giang) do Bệnh viện Chợ Rẫy hỗ trợ đã sẵn sàng, tại Cần Thơ đang xúc tiến triển khai thành lập bệnh viện dã chiến cấp khu vực, quy mô ban đầu 400 giường bệnh, nhưng sẵn sàng tăng lên 800 giường khi có yêu cầu. TP Cần Thơ cũng thành lập riêng bệnh viện dã chiến quy mô 200 giường bệnh. Các tỉnh giáp biên giới, như An Giang, Ðồng Tháp cũng được Bộ Y tế đề nghị thành lập bệnh viện dã chiến trước tình hình dịch bệnh phức tạp như hiện nay.

Về các kịch bản chống dịch, ông Ðặng Quang Tấn, Cục trưởng Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết: "Bộ Y tế đã đề nghị các địa phương xây dựng kịch bản chống dịch riêng trên cơ sở nguy cơ và tình hình của từng tỉnh, thành phố trong khu vực, trong đó kịch bản phù hợp các tình huống sau: Người nhập cảnh về ít và cách ly được toàn bộ; Cam-pu-chia và Lào dỡ bỏ phong tỏa; người nhập cảnh gia tăng, có bệnh nhân cộng đồng; trường hợp số lượng ca dương tính từ cộng đồng gia tăng...". Với mỗi tình huống này, địa phương có chuẩn bị phù hợp về khu cách ly, bệnh viện dã chiến, năng lực xét nghiệm kèm theo, khu cách ly và bệnh viện dã chiến được xây mới hay sử dụng cơ sở sẵn có đều có phương án kỹ. Nhiệm vụ số một của bệnh viện dã chiến vùng là thiết lập khoa cấp cứu có khả năng sử dụng kỹ thuật tim phổi nhân tạo (ECMO), cũng như các kỹ thuật cấp cứu về tim mạch, hô hấp và truyền nhiễm và phối hợp với các chuyên khoa cận lâm sàng khác để có thể đáp ứng nhu cầu điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng.

Các chuyên gia dự báo, các đợt bùng phát dịch nếu xảy ra lần sau thường tàn khốc hơn lần trước, vì vậy Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo khuyến cáo: Giải pháp quan trọng hiện nay đã được Ban chỉ đạo khẳng định nhiều lần vẫn là giải pháp 5K đối với cộng đồng dân cư trong các ngày lễ 30-4 và 1-5. Giải pháp thứ hai là kiểm soát người nhập cảnh về phải được cách ly ngay từ đầu để kiểm soát dịch bệnh. Hiện tại Ban chỉ đạo đang xem xét điều chỉnh lại Nghị quyết 16 không thu phí người dân vào khu cách ly để người dân về nước qua các cửa khẩu chính ngạch, không trốn tránh.

Bài học từ "sự cố" của một số nước trong khu vực cho thấy, việc quản lý người nhập cảnh, đặc biệt là cách ly ở khách sạn cần được thực hiện nghiêm ngặt. Cần thiết xét nghiệm cả người quản lý, nhân viên phục vụ tại khu cách ly và đặt ra yêu cầu nghiêm ngặt với các khu cách ly tuân thủ các biện pháp phòng hộ để kiểm soát tốt dịch bệnh.

Ngày 27-4, Thường trực Ban Bí thư có công điện, trong đó yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể các cấp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nghiêm một số nhiệm vụ trọng tâm, quán triệt và tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo; tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác trong công tác phòng, chống dịch bệnh, nhất là trong các ngày nghỉ lễ 30-4, 1-5 cũng như chuẩn bị bầu cử Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.