Gỡ nút thắt xã hội hóa cai nghiện

Báo Nhân Dân cuối tuần số 15, ra ngày 11-4 đã phản ánh lỗ hổng trong quản lý, phòng, chống tội phạm ma túy. Tìm hiểu về công tác cai nghiện ma túy, có thể thấy còn những bất cập trong chính sách khiến cho tỷ lệ tái nghiện lên đến 80%. Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1-1-2022, được trông đợi sẽ tạo nên những nguồn lực mới cho công tác hết sức khó khăn này.

Muốn giúp cai nghiện thành công tại cộng đồng, cần đến sự đồng hành của gia đình và cộng đồng đối với người nghiện.
Muốn giúp cai nghiện thành công tại cộng đồng, cần đến sự đồng hành của gia đình và cộng đồng đối với người nghiện.

Luẩn quẩn cai - tái nghiện

Gặp Trần Văn Hai ở Cơ sở Cai nghiện ma túy (CSCNMT) tự nguyện Bạch Ðằng (số 710, đường Bạch Ðằng,  Hà Nội), tôi không khỏi xót xa trước chia sẻ của anh về hành trình 19 năm cai nghiện. Anh sinh ra và lớn lên ở xã Thọ Xuân, huyện Ðan Phượng (Hà Nội), trong một gia đình cũng vào diện có của ăn, của để. Thế nhưng, kể từ năm 2002, khi anh dính vào ma túy, mắc nghiện, gia đình lâm cảnh tán gia bại sản. Hai ngậm ngùi: “Năm 2014, trước tình cảnh gia đình kiệt quệ, em quyết tâm vào Bình Phước cai nghiện. Ðược hai năm thì về địa phương, em còn giúp cho 30 người khác tự cai. Gia đình đã mừng rồi. Ai ngờ, năm 2019 chỉ vì nghe bạn dụ dỗ, em lại ngựa quen đường cũ và giờ phải vào đây cai nghiện”.

Cùng cảnh với Hai, có anh Nguyễn Vinh Quang, quê ở huyện Thường Tín (Hà Nội). Tính từ khi mắc nghiện vào năm 1995 đến nay, Quang đã cai rồi tái nghiện đến 20 lần. Lý giải cho việc tái nghiện quá nhiều lần, Quang bộc bạch: “Người từng nghiện, khi có chất kích thích trong người, ai đó rủ đi “đá” ma túy là đi ngay. Lần này, anh em chúng tôi quyết tâm cai để được làm người, còn về làm kinh tế trả nghĩa gia đình nữa”.

Con đường “trở lại làm người” quả thật không hề đơn giản. Dễ bị lôi kéo trở lại đã đành, nhiều khi còn bởi chính sự xa lánh, kỳ thị của cộng đồng mà chán nản tìm quên ở ma túy. Ðó là những gì mà Lê Văn Ch. và Nguyễn Ðình T. ở CSCNMT số 1 Thanh Hóa tâm sự cùng tôi.

Là người có bảy năm “chết đi sống lại” vì ma túy, ông Lê Trung Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản lý và là người sáng lập Viện Nghiên cứu Tâm lý người sử dụng ma túy PSD, cho hay: “Sa ngã là giai đoạn đầu tiên của quá trình tái nghiện. Một người sau khi hoàn thành cai nghiện thường dễ bị sa ngã mà nguyên nhân chính là do tính chất ngẫu hứng hoặc do tò mò muốn thử lại xem thế nào. Bởi thế, mỗi học viên, người nghiện phải có ý chí “tự cứu mình khi chưa muộn”. Bên cạnh đó, rất cần sự giúp đỡ, yêu thương của gia đình.

Ở góc độ chuyên môn, bác sĩ Trương Hoàng Ánh, người trực tiếp quản lý và giúp đỡ người nghiện tại CSCNMT tự nguyện Bạch Ðằng, băn khoăn về việc chưa có biện pháp hữu hiệu để chống tái nghiện. “Trước đến giờ chủ yếu cai nghiện bằng thuốc notexon, nhưng chỉ đạt hiệu quả với các loại ma túy cũ. Hiện nay xuất hiện nhiều loại ma túy tổng hợp, mạnh, gây ảo giác, thuốc notexon cũng không còn mấy tác dụng”, bác sĩ Ánh cho biết.

Nguồn lực vừa thiếu vừa lãng phí

Ðánh giá về công tác cai nghiện, Thứ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội (LÐ-TB&XH) Nguyễn Thị Hà cho biết: “Năm 2020 cả nước đã thành lập và duy trì hoạt động của 5.892 tổ công tác cai nghiện. Tuy nhiên hoạt động của các tổ này chủ yếu là quản lý theo dõi trên địa bàn, chưa tổ chức đúng theo quy trình đã được quy định. Nhìn chung công tác cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng gặp nhiều khó khăn, như: đa số người nghiện và gia đình người nghiện không tự giác khai báo; công tác cai nghiện tại cộng đồng chủ yếu là cắt cơn, sau đó giao cho gia đình quản lý; hầu hết các địa phương tận dụng cơ sở vật chất sẵn có như nhà văn hóa, bệnh xá, gia đình người nghiện để tổ chức cắt cơn cho người nghiện nên không bảo đảm điều kiện”.

Nhà nước khuyến khích cai nghiện trong cộng đồng, gia đình, song cả nước mới chỉ có 16 CSCNMT tự nguyện do tổ chức, cá nhân thành lập và được cấp giấy phép hoạt động. Theo ông Phan Ðình Thư, Trưởng phòng Chính sách cai nghiện ma túy - Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Bộ LÐ-TB&XH), con số này quá ít và chưa đáp ứng nhu cầu thực tế, khi số người nghiện không có hồ sơ quản lý rất cao.

Ðiều đáng nói, trong khi nguồn lực cho công tác cai nghiện ma túy còn hạn chế, thì vẫn còn có những nguồn lực chưa được nhìn nhận đúng, gây khó khăn cho việc xã hội hóa. Hiện có một số CSCNMT tuy có những bài thuốc giúp cai nghiện hiệu quả nhưng lại chưa được cấp phép do thiếu điều kiện. Chẳng hạn như hệ thống CSCNMT của ông Tiêu Vĩnh Ngọc, có thời điểm phát triển thành 30 điểm cai nghiện tại nhiều địa phương, với tỷ lệ cai nghiện thành công vào khoảng gần 40%. Nhưng rồi hệ thống của ông Ngọc đã phải rút lại chỉ còn 19 cơ sở hoạt động. “Tôi chỉ là người học hết lớp ba, đi xin phép thật nhọc nhằn dù trên thực tế phương thuốc của tôi đã chứng thực tính hiệu quả. Công việc này tôi làm chủ yếu là từ thiện, tôi mong muốn các cơ quan chức năng xem xét công nhận và phát triển bài thuốc này để chúng tôi giúp được nhiều người nghiện trở lại với cộng đồng”, ông Ngọc chia sẻ.

Nói về hệ thống CSCNMT của ông Tiêu Vĩnh Ngọc, ông Phan Ðình Thư cho rằng, nút thắt nằm ở việc không thể cấp giấy phép vì chưa có chứng nhận y tế. Hiện, do chưa có sự cố xảy ra, nên ở nhiều nơi, các cơ sở của ông Ngọc vẫn hoạt động. Nhưng tình trạng “không chính danh” sẽ còn làm khó cả người mở ra, người cai nghiện và chính các đơn vị quản lý. Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần làm rõ, đánh giá công bằng hiệu quả bài thuốc cũng như hoạt động của cơ sở này, nhằm phát triển hơn nữa công tác cai nghiện tại cộng đồng.

Cùng chung nỗi niềm với ông Ngọc còn có bà Nguyễn Thị Giang, Giám đốc Trung tâm cai nghiện tự nguyện Buôn Ma Thuột (Ðắk Lắk). Kể từ năm 2016, bà xây dựng và phát triển một trung tâm cai nghiện tự nguyện, góp phần cùng nhà nước đẩy lùi “cái chết trắng”. Thế nhưng, cũng bởi có quá nhiều thủ tục hành chính phức tạp, sau gần ba năm dự án mới xong thủ tục cấp phép xây dựng.

Trước những khó khăn trong công tác cai nghiện, Bộ Công an cho rằng, muốn tăng cường một bước công tác cai nghiện tự nguyện và cai nghiện bắt buộc, đối với cơ quan nhà nước, cần có quy định cụ thể về chế độ, chính sách trong công tác cai nghiện, đặc biệt là chính sách khuyến khích các tổ chức cai nghiện dân lập và cần một cơ chế quản lý chặt chẽ, phù hợp, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người nghiện.

Ngoài ra, theo nhiều chuyên gia xã hội, các cơ quan chức năng cũng cần tạo điều kiện cho người sau cai được học nghề, tìm việc làm nhằm chống tái nghiện, từng bước kiềm chế sự gia tăng tệ nạn ma túy và giảm tỷ lệ người nghiện. Các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực này cũng cần thực hiện công khai, minh bạch để mọi tổ chức, cá nhân đều có cơ hội tiếp cận các nguồn lực một cách bình đẳng, cùng Nhà nước thực hiện tốt hơn việc hỗ trợ người nghiện cai thành công, hỗ trợ hòa nhập cộng đồng.

Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) có những điểm nổi bật có thể tháo gỡ những bất cập trong thực tế như: Ðiều 34 có quy định rất rõ, chi tiết về việc lập hồ sơ đề nghị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi. Ðây là nhóm tuổi được xác định là dễ mắc nghiện, mà các quy định trước đây lại chưa “chạm” đến. Luật cũng quy định cụ thể về quyền và trách nhiệm của các cơ sở cai nghiện công lập; cơ sở cai nghiện tự nguyện; cai nghiện cho người bị tạm giam, phạm nhân và việc quản lý sau cai nghiện ma túy tại nơi cư trú.

Còn tám tháng nữa sẽ đến thời điểm Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) có hiệu lực, lúc này cần có sự chuyển động của các cơ quan chức năng để chuẩn bị cho việc thực thi luật, hạn chế tối đa khoảng thời gian được coi là “độ trễ” chính sách.

Theo Bộ LÐ-TB&XH, hiện nay tổng số người đang quản lý tại cơ sở cai nghiện là 38.409, trong đó 30.253 người cai nghiện bắt buộc, 5.181 người cai tự nguyện và 2.975 người trong cơ sở xã hội.