Giảm sốc khủng hoảng việc làm

Dù Chính phủ đã sớm có những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động để vượt qua giai đoạn khó khăn do tác động của dịch bệnh, tuy nhiên, cần hướng các giải pháp đến những mục tiêu cụ thể hơn nhằm giảm cú sốc khủng hoảng việc làm.

Doanh nghiệp cần phải giữ chân người lao động bằng cách làm việc linh hoạt, luân phiên, giãn ca.
Doanh nghiệp cần phải giữ chân người lao động bằng cách làm việc linh hoạt, luân phiên, giãn ca.

Quy mô doanh nghiệp giảm, lao động mất việc tăng

Có thể thấy, các doanh nghiệp (DN) Việt Nam đang chịu những ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19. DN buộc phải lựa chọn: hoặc phá sản hoặc thay đổi mô hình để tiếp tục tham gia cuộc chơi, “sống sót” chờ đợi đến thời điểm phục hồi nền kinh tế sau đại dịch. Báo cáo tác động của Covid-19 đến nền kinh tế của Trường đại học Kinh tế quốc dân cho thấy, chỉ trong hai tháng đầu năm 2020 đã có 16.151 DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 19,5% so cùng kỳ năm 2019; 2.807 DN hoàn tất thủ tục giải thể. Quy mô sản xuất của các đơn vị cũng bị thu hẹp. Tính đến ngày 20-3-2020, đã có hơn 15% số DN phải cắt giảm quy mô sản xuất (tháng 2-2020 là 10%).

Số lượng, quy mô DN suy giảm, người lao động mất việc làm, tình trạng thất nghiệp gia tăng. Ước tính số lao động bị giảm giờ làm hoặc mất việc làm khoảng 440.000-880.000 người. Báo cáo cho biết, nếu dịch bùng phát, số lao động bị giảm giờ làm hoặc bị mất việc làm sẽ vào khoảng 880.000 - 1,32 triệu người.

Để đối phó những khó khăn do tác động của đại dịch, đã có nhiều giải pháp cụ thể được thực thi. 65,5% số DN thực hiện cắt giảm chi phí hoạt động thường xuyên; 35,3% số DN phải cắt giảm lao động; 34% phải cắt giảm lương nhân công lao động và 34,5% đã phải cho lao động nghỉ việc không lương; 44,7% cắt giảm quy mô sản xuất kinh doanh; 34,7% số DN lựa chọn tạm dừng hoạt động sản xuất, kinh doanh để chờ qua thời kỳ khó khăn và một số thực hiện chuyển đổi hình thức sản xuất, kinh doanh cho phù hợp với bối cảnh mới.

Theo Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu, khảo sát ở một nơi cho thấy, số người lao động bị tạm dừng làm việc từ một tháng trở lên chiếm 25 - 30%, số người mất việc hoặc phải nghỉ việc luân phiên cũng khá lớn.

Cần cách tiếp cận cân bằng

Một điều có thể thấy rất rõ, trong cuộc chiến chống Covid-19 này, các DN và người lao động không hề đơn độc, bởi Chính phủ đã và đang thực hiện hàng loạt chính sách nhằm hỗ trợ, tháo gỡ phần nào khó khăn trong thời điểm hiện tại. Đó là những giải pháp hỗ trợ quan trọng như: gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và tiền thuê đất; cơ cấu lại thời hạn trả nợ và các khoản nợ; miễn, giảm lãi phí ngân hàng; rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính cho doanh nghiệp; Hỗ trợ cho vay vốn với mức lãi suất ưu đãi (hoặc cho nợ lâu dài); tạm dừng, đóng BHXH, kinh phí công đoàn; không tăng chi phí điện, nước…

Trong tình hình hiện tại, khả năng sẽ tiếp tục có thêm nhiều lao động phải nghỉ việc. Và như lời cảnh báo của TS Chang-Hee Lee, Giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế tại Việt Nam (ILO), nếu không có biện pháp kiềm chế, điều này sẽ làm trầm trọng cuộc khủng hoảng xã hội, dẫn tới hút cả hệ thống đi xuống. Nhằm làm chậm và giảm cú sốc từ khủng hoảng việc làm, mục tiêu quan trọng ở thời điểm này là làm thế nào để duy trì việc làm. Theo đó, cần phải hướng những hỗ trợ của Chính phủ tới những DN có thực hiện các biện pháp để giữ người lao động và bảo vệ sức khỏe của người lao động. Để làm được điều này, cần phải tổ chức đối thoại xã hội giữa DN và người lao động, giữa cả hai bên với cơ quan chức năng để tìm được hướng điều chỉnh dần đối với việc làm, số giờ làm việc và tiền lương, dựa trên cơ sở đồng thuận.

Theo khuyến cáo của ILO, đối thoại xã hội có thể tạo ra niềm tin và sự tín nhiệm vào chính sách và các biện pháp mà Chính phủ và DN thực hiện nhằm giảm nguy cơ bất ổn xã hội. Cùng đó là môi trường làm việc cho người lao động cũng phải được coi trọng nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn sức khỏe và nghề nghiệp nghiêm ngặt trước khi cho họ trở lại làm việc để hạn chế khả năng lây nhiễm dịch bệnh. Những giải pháp này sẽ giúp nền kinh tế hồi phục nhanh khi dịch bệnh được khống chế hoàn toàn.

Theo các chuyên gia lao động, ngay từ bây giờ cũng cần phải chuẩn bị những điều kiện để khôi phục sản xuất khi dịch Covid -19 kết thúc. Đồng thời phải giữ chân người lao động bằng cách làm việc linh hoạt, luân phiên, giãn ca. Bà Mai Phương, Giám đốc điều hành Navigos Search khẳng định, trong điều kiện hiện nay DN nên tận dụng cơ hội để đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho người lao động để sau khi hết dịch họ sẽ làm việc với năng suất, chất lượng và hiệu quả cao hơn.

Nói như TS Chang-Hee Lee, giờ chính là lúc chúng ta cần có cách tiếp cận cân bằng để đối phó cuộc khủng hoảng kép này. Đã đến lúc chứng tỏ rằng Việt Nam cũng xuất sắc trong giải quyết các thách thức về kinh tế, xã hội và thị trường lao động. “Tôi có niềm tin lớn rằng Việt Nam sẽ làm được. Cộng đồng quốc tế, trong đó có ILO và các tổ chức của Liên hợp quốc, luôn sẵn sàng hỗ trợ các bạn”, TS Chang-Hee Lee khẳng định.