Giải pháp hiệu quả xử lý tình trạng nợ đọng

Trong quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM) ở Bắc Giang, các cơ quan chức năng và chính quyền các xã đều nỗ lực hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. Ông Dương Thanh Tùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) chia sẻ kinh nghiệm: Cần xác định rõ lộ trình, không chạy theo phong trào, làm đến đâu chắc đến đó.

Mô hình dưa công nghệ đang phát triển tại Yên Dũng.
Mô hình dưa công nghệ đang phát triển tại Yên Dũng.

- Với kinh nghiệm thực tiễn, các cơ quan chức năng đã triển khai ra sao để hạn chế thấp nhất việc nợ đọng trong xây dựng cơ bản tại các xã triển khai xây dựng NTM, thưa ông?

- Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương, tỉnh Bắc Giang đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để tập trung xử lý nợ xây dựng cơ bản thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM (đến nay tỉnh không còn nợ đọng xây dựng cơ bản), một số giải pháp cụ thể như: 

Tỉnh ban hành Chỉ thị về xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản nguồn vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh, xác định rõ lộ trình giảm nợ đọng xây dựng cơ bản theo từng năm, gắn trách nhiệm người đứng đầu với kết quả xử lý nợ đọng. Từ thực tiễn triển khai giai đoạn 2011-2015, giai đoạn 2016 - 2020 tỉnh không ban hành quy định định mức hỗ trợ từ ngân sách trung ương, tỉnh cho từng hạng mục công trình, việc xác định mức hỗ trợ tùy theo điều kiện của mỗi địa phương và khả năng đối ứng từ người dân. Đồng thời, tỉnh chỉ đạo tập trung nguồn vốn hỗ trợ để xử lý xong nợ đọng xây dựng cơ bản mới khởi công công trình mới. Đối với công trình khởi công mới, tỉnh thực hiện thẩm định rõ nguồn vốn và cơ cấu vốn trước khi triển khai thực hiện; đồng thời chỉ đạo các công trình dưới ba tỷ đồng đều phải thực hiện cơ chế đặc thù, giao cộng đồng thực hiện, do vậy không để xảy ra tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản.

Cùng đó, tỉnh quan tâm đến phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân tạo ra nội lực xây dựng NTM và đa dạng hóa các hình thức huy động (ngày công, tiền mặt, hiến đất, vật liệu...) nên đã huy động được nguồn lực lớn từ người dân thực hiện chương trình. 

- Dựa vào những điều kiện gì để Bắc Giang phấn đấu không nợ tiêu chí?

- Tính đến hết tháng 8-2020, tỉnh Bắc Giang đã có 112/184 xã đạt chuẩn NTM, ba huyện đạt chuẩn NTM. Trong quá trình xét công nhận xã đạt chuẩn NTM, tỉnh luôn xác định không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn, do vậy các xã đã đạt chuẩn đều là hình mẫu về hạ tầng kinh tế - xã hội, văn hóa, giáo dục, y tế và môi trường, tình làng nghĩa xóm ngày càng bền chặt, hệ thống chính trị và an ninh trật tự được giữ vững; tỷ lệ người dân hài lòng về kết quả xây dựng NTM tại các địa phương đều đạt hơn 95% (theo yêu cầu 90%). 

Đạt được kết quả trên là do tỉnh đã làm tốt công tác rà soát lựa chọn xã phấn đấu đạt chuẩn hằng năm, xác định rõ lộ trình, không chạy theo phong trào, làm đến đâu chắc đến đó, các xã lựa chọn đều có hệ thống chính trị ổn định, đoàn kết, hạ tầng kinh tế đạt khá. Trong triển khai thực hiện, tỉnh yêu cầu các xã đạt sàn các tiêu chí trước, khi có điều kiện mới thực hiện nâng cao để tránh nợ đọng xây dựng cơ bản và bảo đảm phù hợp với điều kiện nguồn lực. 

- Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Bắc Giang phấn đấu có thêm ba huyện gồm: Yên Dũng, Hiệp Hòa và Lục Nam; trong đó năm 2021 tập trung để huyện Yên Dũng đạt chuẩn NTM. Trước tiên, huyện Yên Dũng phải làm gì để về đích?

- Hiện nay, huyện Yên Dũng đã có 10/16 xã đạt chuẩn, đạt 6/9 tiêu chí theo Bộ tiêu chí huyện NTM; một trong những khó khăn đối với huyện Yên Dũng trong thực hiện huyện NTM vào năm 2021 chính là năm đầu tiên của việc triển khai thực hiện giai đoạn 2021-2025 nên Bộ tiêu chí xã, huyện NTM sẽ có thay đổi theo hướng nâng cao hơn và khung chính sách sẽ có nhiều thay đổi so với giai đoạn trước.

Để hoàn thành mục tiêu năm 2021 có thêm huyện Yên Dũng đạt chuẩn, Sở NN&PTNT với chức năng là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo tỉnh sẽ chủ động tham mưu giúp Chủ tịch UBND tỉnh nội dung sau:

Một là: Tham mưu UBND tỉnh thành lập Tổ công tác chỉ đạo, giúp đỡ huyện Yên Dũng, kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc giúp huyện trong tổ chức thực hiện Chương trình.

Hai là: Tham mưu giúp UBND tỉnh ưu tiên nguồn lực (vốn đầu tư, vốn sự nghiệp) hỗ trợ các xã và huyện thực hiện tiêu chí.

Ba là: Phân công cụ thể từng sở, ngành  hướng  dẫn huyện hoàn thành sáu xã còn lại ngay trong năm 2020 và hoàn thành ba tiêu chí huyện NTM (tiêu chí quy hoạch, giao thông, môi trường) trong quý II-2021.

Bốn là: Hướng dẫn huyện xây dựng kế hoạch chi tiết đạt huyện NTM vào quý III-2021, xác định rõ nội dung công việc, thời gian hoàn thành, phân công nhiệm vụ cho từng phòng, người đứng đầu, gắn trách nhiệm với kết quả thực hiện.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!