Di cư ngược từ… các khu công nghiệp

Khung cảnh các khu công nghiệp (KCN) Bắc Thăng Long (Hà Nội), Bắc Ninh… những ngày này không còn cảnh tấp nập, đông đúc như trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Dù các cơ quan chức năng đã có nhiều biện pháp hỗ trợ, song số doanh nghiệp, kéo theo đó là lượng rất lớn công nhân lao động, bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch đang ngày một tăng, gây nên nhiều hệ lụy đáng lo ngại.

Nhiều người đi tìm việc ở KCN Bắc Thăng Long nhưng quá hiếm đơn vị tuyển mới.
Nhiều người đi tìm việc ở KCN Bắc Thăng Long nhưng quá hiếm đơn vị tuyển mới.

Mất việc, giảm sâu thu nhập

Trước đây, đến KCN Bắc Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội), đi vào các khu dân cư có đông công nhân thuê trọ, không khí rất sôi động. Từ các cửa hàng dịch vụ, chợ dân sinh, công nhân mua sắm tấp nập. Nhưng bốn tháng nay không khí nơi đây trầm lắng hẳn. Một chị làm nghề cắt tóc, gội đầu thốt lên: “Công nhân họ hết tiền thì cũng chẳng có nhiều người đến làm đẹp!”. Nhiều dãy phòng trọ im ỉm đóng, mạng nhện chăng đầy. Không phải công nhân đi làm mà… về quê.

Chị Hoàng Thị Hoàn, quê ở Đoan Hùng (Phú Thọ) là công nhân của Công ty SEI (Nhật Bản), thuê trọ tại thôn Bầu (xã Kim Chung, huyện Đông Anh) chia sẻ: “Trước khi có dịch thì thu nhập của em được 6 đến 7 triệu đồng. Với số tiền này em thuê trọ một mình thì cũng đủ sống. Nay em bị giảm mất hai triệu đồng mỗi tháng, vì công ty ít việc, phải nghỉ luân phiên hoặc không được tăng ca như trước”. Còn chị Nguyễn Thị Na, quê ở Tuyên Quang, từng làm việc cho Công ty Samsung Thái Nguyên 5 năm, do phải nghỉ một tháng và không được hỗ trợ nên đã theo bạn xuống KCN Quang Minh (huyện Mê Linh, Hà Nội) làm việc. Ở đây, thu nhập cũng ít ỏi nên Na nhấp nhổm, muốn xin vào một công ty nào đó tại KCN Bắc Thăng Long. “Dịch bệnh hoành hành cả thế giới, nhiều doanh nghiệp sản xuất cầm chừng nên xin việc rất khó. Em ngồi chơi xơi nước từ tháng 5 tới giờ, săn mãi không được việc làm”, Na buồn rầu.

Khảo sát ở các doanh nghiệp trong KCN Bắc Thăng Long, tại những nơi dán thông tin tuyển dụng chỉ còn những tờ thông tin cũ. Công nhân Lê Thị Huyền (Hà Tĩnh), chán nản: “Em liên tục ra tìm đọc thông tin tuyển dụng để xin việc cho bạn trai mà chưa được. Chẳng lẽ hai đứa rủ nhau về quê”.

Hay như trường hợp của anh Nguyễn Văn Công, ở xã Đại Mạch (Đông Anh), là công nhân Công ty Hoya có con nhỏ hay ốm. Mỗi lần về đưa con đi bệnh viện thì công ty cũng cho nghỉ ở nhà để… cách ly 14 ngày (không lương).  Chị Vương Thị Lan, vợ anh Công muốn đỡ đần chồng, lo cho gia đình nên muốn xin việc giờ hành chính, song đã ba tháng qua chưa tìm được việc. “Nhiều công ty cho công nhân nghỉ luân phiên do không có đơn hàng, hưởng 50-70% lương. Nên không có nhu cầu tuyển người”, Lan nói.

Theo thống kê của Công đoàn các khu công nghiệp - khu chế xuất Hà Nội, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đã có gần 70.000 lao động mất và thiếu việc làm. Không ít cặp vợ chồng do dịch bệnh nên phải gửi con về quê nhờ bố mẹ chăm sóc. Còn tại Bắc Ninh, có khoảng 8.000 lao động tại 44 đơn vị, doanh nghiệp phải nghỉ việc không hưởng lương. 

Nguy cơ đứt gãy chuỗi lao động

Nhiều công nhân ở Bắc Ninh, Hà Nội cho biết, phải nghỉ việc do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhưng vì vướng quy định nên chưa được hưởng hỗ trợ từ gói 62.000 tỷ đồng của Chính phủ. Bởi đối với nhóm người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ không hưởng lương, các điều kiện để được hưởng hỗ trợ, như sau: Thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương trong thời hạn của hợp đồng lao động, từ một tháng liên tục trở lên tính từ ngày 1-4 đến ngày 30-6-2020; làm việc tại các doanh nghiệp không có doanh thu hoặc không còn nguồn tài chính để trả lương. Xét theo điều kiện, một số công nhân nghỉ trước ngày 1-4 và doanh nghiệp không đáp ứng điều kiện này, nên công nhân không tiếp cận được gói hỗ trợ.

Chị Hoàng Thị Hiệp, công nhân tại KCN Đại Đồng-Hoàn Sơn (Tiên Du, Bắc Ninh) cho biết: “Trong những lúc khó khăn do dịch bệnh, chúng tôi đã được các cơ quan chức năng quan tâm, tặng gạo. Nhưng đó chỉ là tạm thời, chuyện giảm sâu thu nhập là khó khăn lớn nhất trong lúc này. Mong rằng các gói hỗ trợ có thể đến tay công nhân, giúp giảm bớt phần nào nhọc nhằn cho người lao động”.

Giảm thu nhập, nên nhiều công nhân tranh thủ bán thêm hàng qua mạng, không chỉ quần áo, mỹ phẩm mà cả hoa quả, một số món ăn đơn giản. Trái ngược không khí ngoài chợ, khu dịch vụ, trên trang facebook Hội Công nhân KCN Bắc Thăng Long lại sôi động các thông tin tìm việc làm, bán hàng, tìm nhà trọ và chia sẻ những khó khăn của cuộc sống. 

Để giúp đỡ công nhân vơi bớt khó khăn, ông Đặng Văn Chương, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Yamaha Motor Việt Nam (KCN Bắc Thăng Long) cho biết: Trong thời gian nghỉ dịch, công ty hỗ trợ 70% lương cho người lao động. Nhiều chủ nhà trọ tại KCN Bắc Thăng Long, hay tại tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên đã chủ động giảm tiền phòng trọ cho công nhân. Bà Đỗ Thị Hồng có 40 phòng trọ tại thôn Bầu (Kim Chung) đã giảm tiền phòng từ 800 nghìn đồng xuống còn 500 nghìn đồng/phòng/tháng. Còn ông Nguyễn Toàn Thắng, chủ nhà trọ ở đội 7, thôn Bầu vẫn giữ giá phòng 550 nghìn đồng trong suốt 10 năm qua để công nhân bớt gánh nặng. “Đa phần các bạn ấy đều ở quê xa. Tôi cũng để một khoảnh đất làm vườn, gọi là có không gian giúp các bạn ấy thư thái sau mỗi giờ về nghỉ”, ông Thắng nói thêm.

Không thể trụ lại ở các KCN do khan hiếm việc làm, đang có một luồng di cư ngược của các bạn trẻ về các địa phương để chờ đợi cơ hội việc làm khi nền kinh tế phục hồi sau đại dịch. Nhiều chuyên gia đã bắt đầu lo ngại, đến thời điểm đó, các doanh nghiệp khó có thể thu hút được lao động nên có thể đứt gãy chuỗi lao động, việc làm.