Ông Nguyễn Đình Anh, Vụ trưởng Truyền thông và Thi đua, khen thưởng (Bộ Y tế):

“Muốn chống dịch Covid-19, cần chống tin giả trên mạng xã hội”

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, thời gian gần đây, tin giả vẫn lan truyền trên mạng xã hội và trong cuộc sống, gây hoang mang dư luận. Làm thế nào để chống tin giả liên quan đến dịch Covid-19 và bảo đảm công tác truyền thông thông tin chính xác, kịp thời, tạo sự yên tâm cho người dân? Chung quanh vấn đề này, Nhân Dân hằng tháng có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đình Anh (ảnh bên), Vụ trưởng Truyền thông và Thi đua, khen thưởng (Bộ Y Tế).
“Muốn chống dịch Covid-19, cần chống tin giả trên mạng xã hội”

Tin giả lan nhanh hơn virus

Ông Nguyễn Đình Anh cho biết: Truyền thông của Bộ Y tế về dịch bệnh Covid-19 trong thời gian gần đây hoạt động khá tốt, dưới sự chỉ đạo của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, đặc biệt là sự vào cuộc của lãnh đạo Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông, các cơ quan thông tấn báo chí. Vừa rồi, chúng tôi có cả một chiến dịch truyền thông để cung cấp thông tin trên các mặt trận, với các loại hình truyền thông khác nhau. Sử dụng mạng xã hội, những bài hát sinh động, hay các diễn đàn - nhiều kênh truyền thông khác nhau, nhưng tất cả có chung mục đích là nâng cao ý thức phòng, chống dịch. Những tin nhắn gần đây chúng ta nhận được từ các nhà mạng hay qua Zalo là những tin nhắn khuyến cáo của Bộ Y tế giúp cho người dân biết cách tự bảo vệ mình. Bên cạnh đó, chúng tôi kịp thời cung cấp thông tin cho báo chí. Các chuyên gia y tế, các cán bộ y tế cũng thường xuyên chuyển tải những kiến thức cần thiết về phòng, chống dịch bệnh tới người dân.

Thời gian gần đây, nhiều tin giả, tin xấu độc đã lan truyền trên mạng xã hội, gây hoang mang dư luận, và làm phức tạp hơn cho công tác phòng, chống dịch bệnh. Trước hiện tượng này, công tác truyền thông cần làm gì để đẩy lùi tin giả, tin xấu độc về dịch bệnh?

Bây giờ, ai cũng có thể đăng tải thông tin trên mạng xã hội. Chính vì thế, chỉ cần một tin giả được phát tán là mạng xã hội có thể “hô biến” nhiều nơi thành ổ dịch. Nhiều khi chỉ một nút bấm enter, một share, một comment trên mạng xã hội có thể gây ra những tin đồn vô căn cứ lan nhanh hơn cả virus, gây hoang mang dư luận.

Mạng xã hội còn đưa danh tính người nhiễm Covid-19 lên, tấn công vào đời tư một số cá nhân. Những điều này gây rất nhiều khó khăn cho công tác phòng, chống dịch.

Có thể nói, muốn chống dịch bệnh hiệu quả thì cần chống tin giả, tin xấu trên mạng xã hội. Hiện nay, Điều 8, Điều 9 Luật An ninh mạng đã quy định rõ hành vi đưa tin giả, tin xấu sẽ bị xử phạt như thế nào. Gần đây nhất, Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 3-2-2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử có các quy định: những cá nhân, tổ chức đưa các thông tin giả, tin xấu có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đến 20 triệu đồng. Bộ luật Hình sự năm 2015, tại Điều 156 cũng đã quy định phạt tù từ một đến bảy năm đối với người đưa tin giả. Nhưng điều quan trọng là người dân cần tẩy chay tin giả, không cho tin giả có đất sống. Chúng ta phải lấy tin tốt, tin chính xác có kiểm chứng để đẩy lùi tin giả. Đó là cách lấy ánh sáng để đẩy lùi bóng tối.

Để thông tin chính xác đến mọi người dân

Thưa ông, trong bối cảnh dịch Covid-19 đang có những diễn biến phức tạp, cách ứng xử với dịch bệnh thế nào là phù hợp?

Trong bối cảnh hiện nay, mỗi cá nhân đều phải nâng cao trách nhiệm của mình trước gia đình và xã hội. Không nên tấn công vào đời tư những người nhiễm Covid-19, tung những tin đồn thất thiệt, ảnh hưởng tới họ và gia đình. Họ là những nạn nhân, vì vậy cần thông cảm và chia sẻ. Tôi muốn nhấn mạnh sự kỳ thị của cộng đồng với những cá nhân này sẽ dẫn đến khó kiểm soát dịch bệnh vì người bệnh sẽ giấu bệnh, không dám khai báo. Đây là lúc chúng ta phải thể hiện được lòng trắc ẩn, thể hiện trách nhiệm với cộng đồng, chứ không nên làm tình hình phức tạp thêm bằng những bài viết thiếu ý thức xây dựng... Nếu có tin giả, tin xấu độc chúng tôi phối hợp các cơ quan chức năng để phản bác.

“Muốn chống dịch Covid-19, cần chống tin giả trên mạng xã hội” ảnh 1

Kiểm tra thân nhiệt phòng, chống dịch Covid-19 tại Sân vận động Hàng Đẫy (Hà Nội).

Người dân nên tiếp cận thông tin từ các cơ quan báo chí chính thống. Đó là những thông tin đáng tin cậy được cung cấp từ Chính phủ, các Bộ ngành... Thông thường, các cơ quan này lấy thông tin từ cơ quan chuyên môn là Bộ Y tế. Người dân có thể truy cập vào trang thông tin của Bộ Y tế, được thường xuyên cập nhật.

Khi có biểu hiện nhiễm bệnh, người dân nên gọi cho cơ sở y tế gần nhất. Một trong những nguyên tắc phòng, chống dịch là hạn chế di chuyển, càng di chuyển thì độ lây lan ra cộng đồng càng nhiều. Chủ trương của công tác phòng, chống dịch bệnh là chủ động phòng ngừa, phát hiện sớm, cách ly sớm, khoanh vùng gọn và dập dịch triệt để, điều trị hiệu quả. Bộ Y tế có đường dây nóng 19009095 để tư vấn người dân các biện pháp phòng, chống dịch. Các cuộc gọi đến đường dây này đều miễn phí.

Hiện nay, nhìn chung trong xã hội có hai trạng thái trái ngược nhau, một bộ phận thì quá hoang mang, lo lắng dịch bệnh Covid-19, một bộ phận thì quá thờ ơ. Trước thực tế này, ông có lời khuyên gì?

Đây là một thực tế, có những người quá thờ ơ trước dịch bệnh, không có trách nhiệm với xã hội, giống như câu “điếc không sợ súng”. Có lẽ họ nghĩ dịch bệnh “trừ mình ra”. Nhưng bên cạnh đó, lại có những người quá hoang mang, lo sợ, phản ứng thái quá dẫn tới đổ xô đi mua, tích trữ thực phẩm. Đây đều là hai trạng thái cực đoan, không nên có. Chúng ta nâng cao ý thức phòng dịch, quyết liệt chống dịch, nhưng cần bình tĩnh, tỉnh táo, lạc quan.

Gần đây, có một số trường hợp không hợp tác với cơ quan chức năng, trốn cách ly, trong đó có cả người nổi tiếng. Ông đánh giá thế nào về hiện tượng này?

Tôi khẳng định công dân chống đối các biện pháp cách ly, ngăn ngừa sự lây lan dịch bệnh ra cộng đồng là những hành vi vi phạm pháp luật. Điều này đã được quy định rõ trong Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007. Đó là những hành vi cần lên án. Ngoài vấn đề phạt hành chính, còn có thể truy cứu trách nhiệm hình sự (đã được quy định trong Bộ luật Hình sự năm 2015). Đó là những hành động phản cảm, lạc lõng trong bối cảnh cả nước đang dốc sức chống dịch. Mỗi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, vi phạm sẽ bị xử lý, người của công chúng càng phải nêu cao trách nhiệm trước cộng đồng. Các cơ quan chức năng cần vào cuộc, có các biện pháp xử lý nghiêm khắc để răn đe.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh Covid-19 khẳng định: “Tinh thần của chúng ta là luôn luôn tính đến tình huống xấu hơn, thậm chí tình huống xấu nhất để nhằm “không để xảy ra tình huống xấu hơn và chúng ta không phải đối phó với tình huống xấu nhất”. Về công tác truyền thông, Bộ Y tế đã sẵn sàng cao hơn mức bình thường chưa?

Chúng tôi luôn sẵn sàng nâng cao tinh thần chủ động và kịp thời cung cấp thông tin chính xác đến công chúng. Thời gian tới, các hoạt động truyền thông tiếp tục bám sát tình hình cụ thể. Làm sao thông tin chính thống đến được với người dân sớm nhất để tránh gây hoang mang lo lắng và người dân cũng biết được các biện pháp phòng ngừa, có hành vi đúng đắn trong đại dịch. Điều này cần sự chung tay vào cuộc của cả cộng đồng vì chống dịch không phải trách nhiệm của riêng ai.

Xin cảm ơn ông!