Kỳ “nghỉ hè” của người Hội An

Sau một thời gian dài nắng nóng, ngày đầu tiên giãn cách xã hội lần hai tại Hội An (Quảng Nam), trời có cơn mưa nhỏ, thiên nhiên mềm mại trữ tình hơn. 

Phố cổ Hội An trong những ngày giãn cách.
Phố cổ Hội An trong những ngày giãn cách.

Một quy tắc mới phòng dịch

Đây là một kỳ giãn cách mà người Hội An "hài hước" coi như nghỉ hè, trước đó gọi là nghỉ... Tết!

Buổi tối, cuốc kêu trên những con sông nhỏ chảy len lỏi trong phường Cẩm Thanh, Cẩm Châu, gợi những êm đềm. Trong lúc, con người tránh giao tiếp, giảm tiếng ồn, nén lại một vài cảm nghĩ khó khăn, thiên nhiên được dịp phô diễn. Hàng cây dừa nước mọc ven sông ra đỗi ngẩn ngơ thất thần. "Thị thực" nào cấp cho loài cây phổ biến miền nam hóa rừng dừa Bảy Mẫu ở Hội An? Câu hỏi không có trả lời. Thiên nhiên vỗn dĩ biết tìm cơ hội sống, con người cũng vậy, biết tiến về phía trước tìm cơ hội nhưng cũng đồng lòng dừng lại hoặc lùi phía sau. Để nhận ra, để tránh những nguy hiểm với mình và cộng đồng.

Nhận định những ngày tiếp theo sẽ không mấy khách đến, chị Võ Thị Liên đã đóng cửa hàng bán quần áo trên phố Phan Châu Trinh. Chị Liên cắt nghĩa: "Hội An và Đà Nẵng có sự liên thông nhau. Bên đó rứa rồi, mình nghỉ sớm, dọn nhà, dọn vườn, bớt tiếp xúc".

Những cửa hàng quần áo ở phố cổ đã sẵn sàng nghỉ trước khi có lệnh giãn cách. Anh Hà Văn Công đóng cửa cà-phê Mun (đường Nguyễn Duy Hiệu), nhìn phố phường, không nghe nhịp bước chân, không động tiếng cười nói, không ai chụp ảnh kỷ niệm. Cung đường, tuyến phố hơn 20 năm đối với anh Công, hơn 40 năm đối với chị Liên. Nơi họ sinh ra, lớn lên với những chuyển đổi nghề nghiệp, buôn bán. Họ thuộc lòng ngõ, phố. Chị Liên lo lắng: "Lần đầu tiên, tôi có cảm giác sợ hãi. Tôi có cảm giác như đang đi trong một thành phố khác, một địa điểm khác, chứ không phải một nơi quen thuộc của mình".

Kỳ giãn cách lần trước, khách du lịch trong nước, nước ngoài vơi dần, để lại phố cổ bên Thu Bồn trong vắt. Phố cổ tạm nghỉ ngơi, thong thả "soi" mình, nét thời gian sờn mòn cánh cửa, thâm nâu mái nhà, thế sự thăng có, trầm có. Dẫu chớp bể, mưa nguồn... Hội An không phải một con thuyền để bơi đi chỗ khác, vẫn ở đó cho ngày tháng trôi qua.

Kỳ này, chỉ một ngày sau khi có tin ca nhiễm bệnh, dù chưa chính thức giãn cách khách đã vắng. Ngày giãn cách đầu tiên đợt hai cũng ngày buồn, thành phố đón nhận tin ca đầu tiên tử vong vì Covid-19 ở Việt Nam! Khu dân cư Thịnh Mỹ (Cẩm An, với 54 hộ, 678 nhân khẩu), khu An Hội (Minh An, với 444 hộ, 1.978 nhân khẩu) giãn cách nghiêm ngặt.

Đối diện với lần giãn cách thứ hai, chị Hoàng Thị Phượng bán tạp hóa tại đường Cửa Đại (Cẩm Châu) cho biết: "Chị em chúng tôi chịu tác động đầu tiên. Chi phí sinh hoạt cho gia đình sẽ phải cắt giảm. Nhưng tôi đồng lòng để bảo đảm sức khỏe. Còn sức khỏe là còn tất cả. Tôi tin rằng, lần này, mọi chuyện sẽ qua đi, mọi khó khăn sẽ dần được tháo gỡ".

Một nguyên tắc mới tự giác giãn cách đối với mỗi người dân.

"Bể khổ" sẽ có bờ

Mỗi một người Hội An có câu chuyện, đường hướng, nỗi niềm riêng trước, trong thời gian giãn cách. Nhưng mục tiêu chung lúc này là an toàn sức khỏe, đồng lòng dập dịch. Một người con ở khu Thanh Tây (phường Cẩm Châu) về từ Bệnh viện Đà Nẵng, không về nhà chịu tang cha mà đi thẳng vào khu cách ly trong Trường Thủy Lợi.

Kỳ “nghỉ hè” của người Hội An -0
 

Những người nước ngoài ở Hội An cũng không gặp nhau cuối tuần để mở tiệc. Họ tuân thủ giãn cách như người địa phương. Trong một tình huống kể lại, Mark - một người bạn Canada sống tại Hội An, đầu năm, chúng tôi rủ về Tiên Phước, đến thăm nhà cha mẹ một người bạn. Chuyến đi hanh thông nhưng Mark còn băn khoăn thắc mắc: "Tại sao bạn ấy trở về nhà, một quãng đường rất dài mà bố mẹ bạn không ôm bạn"? Kết luận của Mark, họ không yêu bạn ấy! Khi dịch Covid-19 bùng phát, quê nhà của Mark cũng đã tránh những cái ôm. Mark viết thư về cho mẹ, báo tin: "Việt Nam đã đi trước một bước. Họ không ôm. Họ rất nghiêm ngặt trong cư xử với
dịch bệnh".

Có những điều người trong cuộc khó nhận ra nhưng người nơi khác đến thì nhận thấy, phân vân. Trong thời gian sống ở Hội An, bà Jeanne (Vương quốc Bỉ) đặt câu hỏi: Tại sao người ở đây, đôi khi tôi đến nhà họ; có lúc, họ vừa chào, vừa chạy đi, chứ không chạy đến hoặc đứng đối diện? Tôi thấy họ chạy vào khóa vòi nước, họ đi tìm quạt cho khách, họ dọn dẹp mớ quần áo trên ghế, họ dọn dẹp cốc chén trên bàn... Ở đất nước chúng tôi, phản ứng này chậm hơn. Và rồi khi thấy toàn bộ người Hội An đeo khẩu trang trên đường, Mark, Jeanne cũng như nhiều người nước ngoài sống ở đây cũng đầy những thắc mắc.

Khi đợt giãn cách đầu qua đi, tình trạng bình thường trở lại, Mark thở phào nhẹ nhõm, đổi dòng trạng thái giới thiệu về mình, đến từ Ottawa, sống tại Hội An, là "Nghĩa binh, Việt Nam".

So với lần giãn cách trước, lần này, nhiều người sinh sống và làm việc tại Hội An không kịp "trở tay" vì thông tin từ Đà Nẵng trước đó giãn cách, đến lượt Hội An chỉ cách ba ngày. Rất may, các cửa hàng trong hệ thống Vinmart, mini mart, chợ quê vẫn mở cửa, giúp họ cũng như người địa phương thu xếp được cuộc sống trong thời gian ngắn, cùng nhau giãn cách.

Những ngày giãn cách lần hai, nhiều hàng tạp hóa đã mở cánh cửa, đặt bàn chặn khách bước vào trong các quầy, ai cần mua gì, đứng bên ngoài đọc tên sản phẩm. Kỳ giãn cách trước, nhiều trẻ con phải nghỉ học giữa chừng, ở nhà quấy khóc, kỳ này khá yên ắng, chúng cũng không chạy ra các con ngõ nhỏ, nô đùa cùng nhau.

Người Hội An không phải có dịch mới lo, mà trong trạng thái bình thường sau đợt giãn cách trước đó vẫn lo lắng vì dịch Covid-19 trên thế giới chưa hết thì chúng ta vẫn chưa an toàn, chưa vui, vì Hội An là điểm đến của thế giới. Những người nước ngoài nghỉ hưu ở Hội An đều có chung suy nghĩ, đón khách nước ngoài trong thời gian này, rủi ro rất cao... Bà Jeanne, nói: "Chúng tôi có đủ thông tin để lo lắng và cùng với những người ở đây vượt qua những ngày này".

Phố Hội An, người Hội An, đang chậm lại, lặng im, đừng hỏi. Đã có người chết, đã có người bệnh, đã có nhiều người phải cách ly vì Covid-19. Như một cơ thể bị tổn thương sẽ xảy hai trường hợp. Một là, sẽ bặm môi, nén lại, nghĩ về cách giải quyết, sẽ nhẹ nhàng hơn cho chung quanh. Hai là, cứ kêu rên, kích hoạt người chung quanh. Ở Hội An, tôi cảm nhận được tất cả là trường hợp một. Người Hội An cũng như người Quảng Nam, cách sống gói ghém gửi hồn tô mì Quảng - nó là tổng hòa từ những sản vật quê hương, như câu ca dao: "Thịt gà chặt miếng có xương/ tôm không bóc vỏ, liệu đường mà ăn"!

Phía trước với những niềm vui sẽ khác. Và Hội An - như tên gọi, điểm gặp gỡ yên bình.