Đừng “thả gà ra đuổi”!

Làm gì để có sức khỏe? Câu trả lời đơn giản, chỉ cần 200 nghìn đồng và hơn mười phút chờ đợi là bạn đã được chứng nhận đủ sức khỏe. Tình trạng sử dụng giấy khám sức khỏe (GKSK) giả hiện nay đang rất phổ biến, đặc biệt khi làm hồ sơ thi hoặc xin cấp giấy phép lái xe.
 

Sử dụng rượu, bia, lái xe lao xuống biển ở Quảng Ninh khiến cả nhà thiệt mạng. Ảnh | Minh Khang
Sử dụng rượu, bia, lái xe lao xuống biển ở Quảng Ninh khiến cả nhà thiệt mạng. Ảnh | Minh Khang

Để tránh tình trạng "bát nháo" về dịch vụ khám sức khỏe lái xe trên địa bàn, nhiều địa phương đã công khai các cơ sở y tế (CSYT) đủ điều kiện cung cấp dịch vụ. Những cơ sở khám, chữa bệnh này phải thực hiện nghiêm túc theo Thông tư liên tịch số 24/2015/TTLT-BYT-GTVT ngày 21-8-2015 của liên Bộ Y tế và Giao thông vận tải về "Quy định tiêu chuẩn sức khỏe của người lái xe, việc khám sức khỏe định kỳ đối với người lái xe ô-tô và quy định về CSYT khám sức khỏe cho người lái xe". Theo đó, người tham gia giao thông, người lái xe phải bảo đảm đủ tiêu chuẩn sức khỏe và phải khám nhiều chuyên khoa: Tai - mũi - họng, mắt, tim mạch, tâm thần, thần kinh và việc sử dụng thuốc, nhất là phải xét nghiệm nồng độ cồn và ma túy... Đây là những nội dung khám bắt buộc để tìm ra người không đủ điều kiện sức khỏe lái xe, bởi các chất ma túy, các chất gây ảo giác, gây nghiện, chất kích thích... sẽ làm giảm hoạt động của não bộ và cơ thể, có thể làm cho người sử dụng kém tỉnh táo khi điều khiển các loại phương tiện giao thông. 

Quy định đã rõ, nhưng trên thực tế từ nhiều năm nay, không ít CSYT bỏ qua nhiều công đoạn khám sức khỏe, không xét nghiệm nồng độ cồn vẫn có kết quả. Có nơi còn không kiểm tra giấy tờ, chứng minh nhân thân, chỉ cần nộp 200 nghìn đồng/người rồi đi từng phòng để khám theo hướng dẫn trong khoảng hơn chục phút là đã được cấp giấy chứng nhận đủ sức khỏe. Tình trạng mua bán GKSK lái xe trên các trang mạng cũng diễn ra nhộn nhịp và nhanh chóng không kém. Chỉ cần gửi ảnh, tên tuổi và chờ vài hôm là có người chuyển kết quả đến tận nơi mà không cần phải khám trực tiếp tại CSYT.

Có một điểm chung ở những CSYT này là các bác sĩ gần như bỏ qua khâu khám tâm thần, thần kinh, thậm chí cả xét nghiệm nồng độ cồn và ma túy. Chính vì vậy, đã để lọt nhiều người có tiền sử sử dụng ma túy, rượu, bia tham gia giao thông, dẫn tới nhiều nguy cơ mất an toàn. Người lái xe sử dụng các chất ma túy sẽ có cảm giác lâng lâng, ý thức mù mờ, phản xạ chậm chạp, và không xử lý kịp thời khi gặp các tình huống giao thông. Người sử dụng chất gây nghiện điều khiển phương tiện thường có cảm xúc phấn khích, không làm chủ được tốc độ, mất chủ động, gây tai nạn giao thông, ở nhiều mức độ khác nhau. Những người mắc các bệnh như rối loạn tâm thần cấp, rối loạn tâm thần mãn tính, động kinh... nếu tham gia giao thông sẽ càng nguy hiểm hơn bởi các biểu hiện: hoang tưởng, ảo giác, rối loạn chức năng hoạt động và cảm xúc, dễ bị kích động hoặc có những hành động kỳ dị. Lái xe trong trạng thái mất kiểm soát bản thân như vậy vô cùng nguy hiểm cho chính họ và cả những người tham gia phương tiện giao thông.

Bác sĩ chuyên khoa II Trần Minh Khuyên, chuyên khoa tâm thần kinh - trị liệu tâm lý, Phòng khám Bệnh viện Đại học Y dược 1 (TP Hồ Chí Minh) khẳng định, khi khám sức khỏe để thi sát hạch giấy phép lái xe, người học phải được khám tâm thần. Những câu hỏi khi khám tâm thần mà bác sĩ phải hỏi là về không gian, thời gian, cảm xúc và tư duy. Nếu CSYT không có bác sĩ chuyên khoa tâm thần thì làm sao phát hiện một người có bị tâm thần hay không. Đây là thiếu sót không hề nhỏ.

Các trường hợp khám sức khỏe không đúng trình tự, thủ tục hoặc không đến khám sức khỏe thực tế mà mua GKSK, dù được CSYT có thẩm quyền cấp với con dấu và chữ ký chính xác, đều coi là GKSK giả. Việc chủ quan, mua GKSK giả trên thị trường có thể giúp tiết kiệm thời gian, nhưng chính vì không khám sức khỏe cụ thể khiến họ không biết tình trạng sức khỏe có dấu hiệu bệnh về thần kinh, tim mạch hay không, nên có thể sẽ phải chịu nhiều hệ lụy từ nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng khi không đủ điều kiện tham gia giao thông.

Khám sức khỏe lái xe là cánh cổng đầu tiên sàng lọc những người đủ điều kiện điều khiển phương tiện. Chính vì vậy, sau khi ban hành quy định về bảo đảm an toàn giao thông, cơ quan chức năng cần siết chặt quản lý, tránh hậu quả mất an toàn giao thông để rồi phải giải quyết gây nhiều tốn kém cho xã hội.