Xuất bản sách điện tử

Vẫn loay hoay ở dạng tiềm năng

Ðược kỳ vọng sẽ phát triển mạnh tại Việt Nam, đóng góp đáng kể cho doanh thu của ngành xuất bản, nhưng thực tế những năm qua hoạt động kinh doanh sách điện tử (SÐT) đã bộc lộ không ít bất cập và phát triển chưa tương xứng tiềm năng.

Giá sách điện tử chỉ bằng từ 15% đến 30% so với giá sách in truyền thống.
Giá sách điện tử chỉ bằng từ 15% đến 30% so với giá sách in truyền thống.

Tỷ lệ khiêm tốn

Cục Xuất bản, In và Phát hành đã công bố số liệu tổng kết công tác xuất bản năm 2019, theo đó các nhà xuất bản (NXB) đã thực hiện xuất bản và nộp lưu chiểu 37.100 xuất bản phẩm với 441 triệu bản. Trong đó, xuất bản phẩm dạng sách in đạt 32.900 đầu sách với 403.882.458 bản; xuất bản phẩm dạng điện tử đạt 2.400 xuất bản phẩm với 1,5 triệu lượt truy cập; xuất bản phẩm khác dạng đĩa CD, DVD… đạt 1.800 xuất bản phẩm. Tỷ lệ bình quân đạt khoảng 4,6 bản/người/năm (tăng 10,6% so năm 2018).

Theo số liệu tổng kết này, có thể thấy xuất bản điện tử chiếm một tỷ trọng hết sức khiêm tốn, chưa tới 10% số lượng xuất bản phẩm đã được xuất bản và phát hành. Trong khi đó, xu hướng số hóa và các lợi ích của phương thức xuất bản điện tử là rõ ràng. Chẳng hạn như, giá SÐT (không tính chi phí đầu tư ban đầu cho thiết bị đọc chuyên dùng hoặc máy tính, máy tính bảng, điện thoại thông minh…) chỉ bằng từ 15% đến 30% so giá sách in truyền thống. SÐT góp phần tăng khả năng tiếp cận đến độc giả mà không phụ thuộc vào các yếu tố vật lý như in ấn, vận chuyển, lưu kho và thân thiện với môi trường…

Thượng tá, Phó Giám đốc NXB Công an nhân dân Trần Cao Kiều nói: “Xuất bản SÐT vẫn còn ở dạng tiềm năng trong vòng 10 năm nay, chi phí đầu tư ban đầu là rất lớn nhưng thu lại ít thậm chí là lỗ. Ðã nhiều công ty xuất bản phải phá sản, dừng hoạt động. Nạn vi phạm bản quyền là vấn đề nhức nhối, khó giải quyết, khiến các công ty xuất bản gặp nhiều khó khăn trong cạnh tranh thị trường”.

Rõ ràng, SÐT lậu gây ra những thiệt hại không nhỏ về mặt kinh tế và uy tín đối với đơn vị xuất bản, kinh doanh SÐT nghiêm túc. Ðây cũng là nguyên nhân dẫn tới tình trạng số lượng SÐT bản quyền được số hóa chỉ chiếm vài phần trăm so với số sách giấy xuất bản hằng năm. Ðáng lưu ý, nếu tình trạng vi phạm bản quyền còn ở mức phổ biến như hiện nay, trong tương lai, các đơn vị sở hữu tác phẩm có giá trị sẽ e dè khi lựa chọn Việt Nam làm điểm đến hoặc sẽ thắt chặt các điều khoản, khiến thị trường sách Việt Nam khó hòa nhập với thị trường sách quốc tế.

Mấu chốt là bảo vệ tác quyền

Các xuất bản phẩm của điện tử hiện tại đã không chỉ giới hạn ở ebook, audio books mà đã mở rộng nội hàm, bao gồm elearning, video,… và thậm chí kết hợp tất cả các format trong một xuất bản phẩm: sách in có tích hợp video (quét QR code để xem) và audio (thí dụ bút chấm đọc). Vì vậy, việc điều chỉnh quy định của pháp luật liên quan đến xuất bản và phát hành xuất bản phẩm điện tử rất cần có sự thay đổi, cập nhật, hỗ trợ và tạo điều kiện cho loại hình xuất bản này phát triển thay vì giới hạn bởi các quy định.

Ðể có thể kiểm soát sự phát triển có tính tự phát và cả yếu tố phi thị trường của việc kinh doanh phát hành SÐT ở nước ta, từ hơn hai năm trước, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã ban hành Thông tư số 42/2017/TT-BTTTT “sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 23/2014/TT-BTTTT ngày 29-12-2014 của Bộ trưởng TT&TT quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Xuất bản và Nghị định số 195/2013/NÐ-CP ngày 21-11-2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xuất bản”, trong đó ban hành kèm theo Mẫu đề án hoạt động xuất bản/phát hành xuất bản phẩm điện tử và yêu cầu các NXB, công ty phát hành SÐT phải xây dựng đề án và hoàn thiện.

Tuy nhiên, những yêu cầu đặt ra là quá sức đối với nhiều nhà cung cấp SÐT hiện nay. Hiện nay, đã có năm nhà cung cấp xuất bản phẩm điện tử được cấp đăng ký hoạt động, tức là một dạng giấy phép, đó là các NXB: Giáo dục Việt Nam, Quân đội nhân dân, Thông tin và Truyền thông, Y học, Tài nguyên - Môi trường và Bản đồ Việt Nam. Ðáng tiếc, một số đơn vị xuất bản có uy tín chưa được phép tiếp tục hoạt động vì những vướng mắc về thủ tục.

Trước nạn vi phạm bản quyền sách online đang ngày càng nghiêm trọng và khó kiểm soát rất cần các cơ quan chức năng sớm có cơ chế phối hợp toàn diện, tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử lý triệt để vi phạm trên môi trường internet. Ðề cập vấn đề này, ông Võ Trung Tín, đại diện Công ty Luật Phan Law Việt Nam cho biết: “Các trang web vi phạm bản quyền hầu hết đều sử dụng tên miền có chủ sở hữu thuộc nước ngoài. Do đó, các luật hiện hành khó có thể áp dụng xử lý vi phạm những đơn vị này. Mặc dù luật có đề cập đến trường hợp cá nhân dùng tên miền nước ngoài phải thông báo cho cơ quan chức năng, nhưng nhiều người đã phớt lờ, cố tình sử dụng trái phép bản quyền sách”.

Ðể góp phần thúc đẩy xuất bản SÐT phát triển trong thời gian tới, cơ quan quản lý và các NXB, đơn vị phát hành xuất bản phẩm điện tử cần có sự điều chỉnh trong cách thức hoạt động. Ông Ðồng Phước Vinh, Giám đốc SÐT YBook (NXB Trẻ) chia sẻ: “Nếu có thể, các NXB, tác giả, hội xuất bản cùng nhau thành lập Trung tâm bảo vệ bản quyền sách để bảo vệ quyền tác giả. Trung tâm này sẽ thay mặt các NXB thực hiện quá trình bảo vệ bản quyền, thủ tục khiếu nại đối với đơn vị nước ngoài. Ðồng thời, tập hợp xu hướng xuất bản sách để có những chiến lược, chính sách kinh doanh phù hợp với thực tế”.

Ở góc độ quản lý nhà nước, cũng cần nghiên cứu điều chỉnh hành lang pháp lý cho phù hợp đi đôi với cải cách thủ tục hành chính để công tác quản lý thiết thực hơn, hiệu quả quản lý mạnh mẽ hơn, giúp doanh nghiệp rút ngắn thời gian, giảm được chi phí. Chỉ khi có được sự vào cuộc đồng bộ của các ngành chức năng cũng như các đơn vị xuất bản và sự ủng hộ của cộng đồng, SÐT mới hội đủ điều kiện phát triển tương xứng tiềm năng.