Chuyển động để thích ứng

Trong một bối cảnh chưa có tiền lệ, có những ý kiến cho rằng, dịch Covid-19 đã làm thay đổi vĩnh viễn rất nhiều điều trong cuộc sống, nhất là các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật. Có thể thực tế diễn ra không đến mức như vậy, nhưng biến cố bất ngờ này cũng thật sự tạo nên ảnh hưởng, cả tích cực và tiêu cực, đối với đời sống văn hóa nước nhà.

Kiều - phiên bản ballet gây ấn tượng mạnh mẽ với công chúng. Ảnh: KHIẾU MINH
Kiều - phiên bản ballet gây ấn tượng mạnh mẽ với công chúng. Ảnh: KHIẾU MINH

1. Sự thay đổi đáng kể nhất có lẽ là việc tổ chức các chương trình văn hóa, nghệ thuật trực tuyến trở thành một hướng đi triển vọng đối với nhiều nghệ sĩ, nhà sản xuất và đơn vị nghệ thuật.

Xuất phát từ một giải pháp tình thế do bối cảnh thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19, nhiều chương trình hòa nhạc hay biểu diễn nghệ thuật được phát trực tuyến trên các nền tảng mạng xã hội đã mang đến trải nghiệm thú vị cho cả nghệ sĩ và công chúng, bởi sự mở rộng không gian biểu diễn, số lượng người xem và khả năng tương tác trực tuyến của công chúng với nghệ sĩ biểu diễn.

Không chỉ có cơ hội thưởng thức nhiều chương trình nghệ thuật đỉnh cao như chương trình nghệ thuật biểu diễn trực tuyến VNSO season opening concert do Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam tổ chức; đêm nhạc trực tuyến Đà Nẵng, Quảng Nam - Triệu con tim hướng về do đạo diễn Hoàng Nhật Nam khởi xướng phát liên tục gần sáu giờ, thu được số tiền ủng hộ công tác phòng, chống dịch bệnh gần 5 tỷ đồng; các dự án 24h - music marathon, Music home, Radio live concert… cùng nhiều vở diễn, trích đoạn sân khấu tiêu biểu đã được các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp chuyển tải miễn phí lên các trang mạng xã hội; công chúng cả nước còn có cơ hội đón nhận nhiều trải nghiệm văn hóa thú vị khác theo hình thức trực tuyến, như Triển lãm sách trực tuyến và Hội sách trực tuyến quốc gia do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức, thu hút rất đông độc giả từ các địa phương, cả vùng sâu, vùng xa, tham gia các hoạt động giao lưu, tương tác phát triển văn hóa đọc.

Nhanh chóng nhận thức được tiềm năng lớn từ giải pháp ứng dụng công nghệ để phát triển, lan tỏa và quảng bá hoạt động biểu diễn nghệ thuật, không chỉ trong thời gian chống dịch Covid-19, mà còn là một hướng đi thích ứng với sự phát triển  của kỷ nguyên số, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xúc tiến nhiều giải pháp để duy trì và phát triển mô hình nhà hát online. Trong sự tương tác đa chiều, việc triển khai mô hình nhà hát online đã trở thành “đòn bẩy” bất ngờ cho sự phát triển, ứng dụng công nghệ vào lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn. Có điều, tận dụng được cơ hội đó, lại không phải là điều mà tất cả các nghệ sĩ và đơn vị nghệ thuật đều sớm nhìn nhận và nắm bắt được.

2. Bị dịch bệnh giáng đòn khốc liệt, và gần như tê liệt trong nhiều tháng, nhưng vẫn có một số chương trình nghệ thuật được đầu tư công phu kịp ra mắt công chúng, mang lại nhiều giá trị sâu sắc cả về nghệ thuật và cảm xúc xã hội.

Gây ấn tượng mạnh mẽ với công chúng có lẽ là vở ballet Kiều do NSƯT Tuyết Minh biên đạo, các nghệ sĩ Nhà hát giao hưởng Nhạc vũ kịch TP Hồ Chí Minh thể hiện, ra mắt lần đầu tại TP Hồ Chí Minh vào tháng 6 và tại Nhà hát Lớn TP Hà Nội vào tháng 8. Tiếp nối thành công của nhiều loại hình nghệ thuật biểu diễn đã chuyển thể tác phẩm bất hủ của đại thi hào Nguyễn Du, Kiều phiên bản ballet với những thủ pháp thể hiện sáng tạo đã mang đến nhiều cảm nhận đặc sắc, độc đáo, hòa quyện giữa nghệ thuật cổ điển phương Tây với nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống của Việt Nam như ca trù, xẩm… Việc các nghệ sĩ tập luyện và công diễn thành công vở diễn ngay trong thời kỳ dịch bệnh còn mang một ý nghĩa vượt lên cả câu chuyện nghệ thuật thuần túy, trở thành một thông điệp mang tính biểu tượng văn hóa, khẳng định mạnh mẽ sức mạnh của tâm hồn, trí tuệ, bản sắc Việt Nam trong thời điểm khó khăn của toàn nhân loại.

Một sự kết hợp có ý nghĩa táo bạo, độc đáo, đang thu hút sự chú ý của dư luận là vở diễn kết hợp hai loại hình cải lương - xiếc - vở diễn Cây gậy thần (do Nhà hát Cải lương Việt Nam và Liên đoàn Xiếc Việt Nam phối hợp dàn dựng). Là vở diễn huy động nguồn vốn xã hội hóa, Cây gậy thần cho thấy niềm khát khao đổi mới, sáng tạo và nỗ lực chuyển động để thích ứng, thu hút khán giả của các nghệ sĩ loại hình nghệ thuật truyền thống. Dù vẫn còn nhiều tranh luận về việc nên bảo tồn và phát huy đến đâu đối với các loại hình nghệ thuật truyền thống, nhưng những xoay trở để thỏa khát khao được đứng trên sàn diễn, và nỗ lực thu hút khán giả đến với nghệ thuật là điều thật sự đáng trân trọng, giúp nuôi giữ tình yêu nghệ thuật trong chính mỗi trái tim nghệ sĩ. Để từ đó, sẽ có cơ hội lan tỏa trong xã hội.

Càng về cuối năm, sự chuyển động của đời sống văn hóa - nghệ thuật càng có nhiều dấu hiệu tích cực. Nhiều bộ phim phải lùi thời điểm phát hành do dịch bệnh đã có cơ hội đến với khán giả, và gặt hái thành công vang dội, tạo nên niềm khích lệ lớn đối với các nghệ sĩ điện ảnh, như Tiệc trăng máu, Ròm, Bí mật của gió… Cùng với nỗ lực của các nghệ sĩ, nhà sản xuất và đơn vị nghệ thuật, Nghị định 144/2020/NĐ-CP Quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn vừa được ban hành với nhiều điều chỉnh có ý nghĩa tạo thuận lợi cho hoạt động biểu diễn nghệ thuật, cho thấy sự đồng hành của cơ quan quản lý trong việc tạo môi trường thông thoáng cho nghệ thuật phát triển.

Tin rằng, cùng với nỗ lực phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm an toàn cho cả xã hội, đời sống văn hóa - nghệ thuật sẽ có một năm mới 2021 khởi sắc và nhiều dấu ấn.

12_1-1608891121843.jpg
Tiệc trăng máu - bộ phim gặt hái thành công vang dội sau khi phải lùi thời điểm công chiếu.