Kết nối phát triển du lịch

Hưởng ứng chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát động, nhiều tỉnh, thành phố tăng cường quảng bá điểm đến an toàn để thu hút du khách, chủ động liên kết vùng để khai thác, phát huy thế mạnh từng địa phương nhằm tạo đà khôi phục hoạt động du lịch trong trạng thái bình thường mới.

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và TP Ðà Nẵng cuối tháng 5 thống nhất tăng cường hợp tác trong vai trò chỉ đạo, kết nối hiệp hội, doanh nghiệp du lịch; liên kết với các đối tác du lịch lớn; nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến đầu tư, quảng bá. Trong buổi công bố chương trình liên kết, lãnh đạo ba địa phương nhất trí tạo cơ chế, chính sách thuận lợi để triển khai hiệu quả chương trình kích cầu du lịch với thông điệp “Ðiểm đến Thừa Thiên Huế, Ðà Nẵng, Quảng Nam an toàn và mến khách”.

Cùng thời điểm, lãnh đạo UBND thành phố Hồ Chí Minh và Tây Ninh có buổi làm việc chuẩn bị Hội nghị liên kết phát triển du lịch vùng Ðông Nam Bộ năm 2020 dự kiến diễn ra cuối tháng 6. Hai địa phương xác định dịch Covid-19 trên thế giới vẫn diễn biến khó lường, vì vậy du lịch nội địa được kỳ vọng giúp ngành du lịch khởi sắc trở lại, việc kết nối các địa phương trong khu vực là hết sức cần thiết và hội nghị tới đây sẽ góp phần hiện thực hóa chương trình hợp tác chung.

Tương tự, là đầu mối trung chuyển và phân phối khách du lịch ở phía bắc, Hà Nội cũng thúc đẩy hợp tác du lịch với nhiều tỉnh, thành phố. Cuối tháng qua, Hà Nội cùng Khánh Hòa, Quảng Bình tổ chức chương trình liên kết kích cầu du lịch nội địa, tạo sản phẩm mới, điểm đến mới với chất lượng dịch vụ bảo đảm. Trước đó, từ đầu tháng 5, đơn vị du lịch của các địa phương nói trên đã khảo sát dịch vụ để khai thác du lịch, tạo dựng sản phẩm mới và tiến hành quảng bá…

Sau thời gian giãn cách xã hội, việc nhiều địa phương chung tay hành động là hướng đi phù hợp nhằm thúc đẩy du lịch nội địa, chuẩn bị khôi phục thị trường khách quốc tế trong thời gian tới. Hoạt động đó cũng thể hiện quyết tâm của lãnh đạo các địa phương hỗ trợ nhau cùng phát triển, đặt mục tiêu phục hồi du lịch không chỉ tại một tỉnh, một thành phố mà các vùng, miền và cả nước, nâng du lịch xứng tầm mũi nhọn trong các ngành kinh tế.

Liên kết giúp các địa phương phát huy lợi thế, tiềm năng trong phát triển du lịch, cung cấp cho du khách nhiều gói sản phẩm, dịch vụ hấp dẫn, chất lượng cao với giá ưu đãi và nhanh chóng khôi phục thị trường khách nội địa. Nhờ liên kết, các địa phương hình thành sự liên thông trong quản lý, hỗ trợ doanh nghiệp du lịch, dịch vụ, bảo đảm an toàn cho du khách, chia sẻ nguồn nhân lực, kinh nghiệm trong hoạt động kinh doanh du lịch…

Từ nhiều năm, việc liên kết phát triển du lịch đã hình thành nhưng chưa đi vào chiều sâu, hiệu quả không cao. Một trong các nguyên nhân có thể thấy rõ là do cùng khu vực địa lý và có yếu tố văn hóa tương đồng, nhiều địa phương xây dựng sản phẩm du lịch na ná nhau. Du khách chỉ cần tới một địa phương là có thể đã biết về sản phẩm du lịch của các địa phương lân cận.

Liên kết để phát triển du lịch là quan trọng, nhưng việc nâng cao chất lượng du lịch cũng quan trọng không kém. Bởi thế, khi xây dựng chiến lược liên kết, song song việc xác định điểm tương đồng để tạo sức mạnh chung, các địa phương cần chú trọng đặc trưng của mình, xây dựng sản phẩm du lịch dựa trên khác biệt để tạo sức hút đối với du khách.

Bên cạnh trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, các hiệp hội, doanh nghiệp du lịch phải chủ động hợp tác chặt chẽ hơn nữa để triển khai gói kích cầu du lịch, đầu tư phát triển sản phẩm mới có sức hấp dẫn. Và hơn lúc nào hết, để phục hồi du lịch, rất cần sự chung tay của các ngành liên quan.