Hội thảo khoa học “Nguyễn Văn Tố với cách mạng Việt Nam”

NDO -

NDĐT - Ngày 1-6, tại Hà Nội, Văn phòng Quốc hội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Nguyễn Văn Tố với cách mạng Việt Nam” kỷ niệm 130 năm ngày sinh Trưởng ban Thường trực Quốc hội Nguyễn Văn Tố (5-6-1889 - 5-6-2019).

Cụ Nguyễn Văn Tố (áo dài trắng, thứ hai từ trái sang) dự lễ khai mạc lớp huấn luyện cán bộ bình dân học vụ tại Hà Nội, ngày 8-10-1945 (nguồn Văn phòng Quốc hội).
Cụ Nguyễn Văn Tố (áo dài trắng, thứ hai từ trái sang) dự lễ khai mạc lớp huấn luyện cán bộ bình dân học vụ tại Hà Nội, ngày 8-10-1945 (nguồn Văn phòng Quốc hội).

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; đồng chí Uông Chu Lưu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, chủ trì hội thảo.

Hội thảo đã khắc họa chân dung một nhà văn hóa lớn, một nhà hoạt động xã hội mà tình cảm và hành động của ông đã đồng hành với lịch sử cách mạng giải phóng dân tộc.

Nguyễn Văn Tố, bút hiệu Ứng Hòe, sinh ngày 5-6-1889 trong một gia đình Hà Nội. Với sự giáo dục trong gia đình, Nguyễn Văn Tố đã có một vốn kiến thức phong phú về Hán Nôm, về lịch sử và văn hóa Việt Nam và phương Đông. Khi lớn hơn, ông được học tiếng Pháp và tiếp thu thêm văn hóa Pháp. Ở học giả Nguyễn Văn Tố có sự kết hợp giữa hai nền văn hóa Việt Nam và Pháp, kết hợp hai nền văn minh Đông và Tây trên nền tảng bền vững của cốt cách, tâm hồn Việt Nam, truyền thống văn hóa dân tộc - trước hết là lòng yêu nước, tinh thần dân tộc. Nguyễn Văn Tố làm việc tại Viện Viễn Đông bác cổ (Ecole française d' Extrême-Orient - EFEO) cùng với những trí thức Việt Nam nổi tiếng khác như Nguyễn Văn Huyên, Trần Văn Giáp, Nguyễn Thiệu Lâu... Nguyễn Văn Tố bản tính khảng khái, trung thực, sống giản dị, không màng danh lợi.

Trên lĩnh vực học thuật, Nguyễn Văn Tố là một nhà khảo cứu lớn với kiến thức uyên bác, thái độ nghiêm túc, phong thái ung dung, bản lĩnh vững vàng. Bao trùm lên tất cả con người và tác phẩm của ông là tinh thần yêu nước, ý thức dân tộc. Những trang viết về lịch sử, văn hóa dân tộc của ông không chỉ nâng cao hiểu biết về lịch sử, văn hóa dân tộc mà còn gợi lên những suy nghĩ về tinh thần yêu nước. Những bài khảo cứu của Nguyễn Văn Tố tập trung trên các lĩnh vực chính: Giới thiệu và đính chính sử liệu; Khảo cứu các văn bản cổ; Khảo cứu về văn hóa, văn học; Khảo cứu và tranh luận về các vấn đề lịch sử Việt Nam. Nguyễn Văn Tố đã thể hiện rõ là một học giả nắm vững các nguồn tư liệu và có phương pháp nghiên cứu hiện đại, nhận thức lịch sử đa dạng, bao quát nhiều mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, bao gồm sinh hoạt của dân chúng, quân sự, giáo dục, quan hệ với nước ngoài... Những sự thật lịch sử được xác minh, những giá trị văn hóa và những trang sử dân tộc được làm sống lại từ những khảo cứu cần mẫn của Nguyễn Văn Tố.

Hội thảo khoa học “Nguyễn Văn Tố với cách mạng Việt Nam” ảnh 1

Hội thảo khoa học Nguyễn Văn Tố với cách mạng Việt Nam.

Tháng 5-1938, Hội truyền bá chữ quốc ngữ được một số nhân sĩ trí thức (Trần Huy Liệu, Đặng Thái Mai, Võ Nguyên Giáp…) thành lập theo chủ trương của Đảng Cộng sản Đông Dương. Ông nhiệt thành tham gia với lòng yêu nước và trách nhiệm cao. Học giả Nguyễn Văn Tố được bầu làm Hội trưởng. Trong gần bảy năm hoạt động, Hội truyền bá chữ quốc ngữ đã xóa nạn mù chữ cho hơn 70.000 người, góp phần vào việc nâng cao dân trí, chống lại chính sách ngu dân.

Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh mời Nguyễn Văn Tố tham gia Chính phủ lâm thời, giữ cương vị Bộ trưởng Bộ Cứu tế xã hội. Ông hăng hái xông pha, tổ chức, vận động nhân dân chống “giặc đói”, “giặc dốt”. Ngày 2-3-1946, tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa 1, Nguyễn Văn Tố được bầu là Trưởng ban Thường trực Quốc hội của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trên cương vị mới, ông có những đóng góp quan trọng vào việc ký kết hai văn bản Hiệp định sơ bộ 6-3 và Tạm ước 14-9-1946, giúp Đảng và Chính phủ có thêm thời gian để chuẩn bị lực lượng kháng chiến lâu dài. Ông còn trực tiếp cùng Quốc hội xây dựng Hiến pháp năm 1946 - bản Hiến pháp đầu tiên ghi dấu nhiều giá trị lịch sử. Từ tháng 10-1946, ông giữ chức Bộ trưởng không bộ trong Chính phủ. Toàn quốc kháng chiến, ông cùng Chính phủ lên Việt Bắc. Tháng 10-1947, Pháp cho quân nhảy dù xuống Bắc Cạn âm mưu tiêu diệt đầu não kháng chiến của ta, Nguyễn Văn Tố bị bắt và hy sinh như một anh hùng liệt sĩ. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết Lời điếu khóc ông: “Cụ dù hy sinh, tinh thần cụ ngàn thu sẽ vẻ vang bất diệt… Chính phủ khôn xiết buồn rầu, đồng bào khôn xiết nỗi lòng thương tiếc”.