Phân luồng học sinh sau trung học cơ sở

Đầu tháng 6 tới, hơn 100 nghìn học sinh lớp 9 tại TP Hồ Chí Minh sẽ thi tuyển vào lớp 10 các trường công lập. Ðây là năm có số lượng học sinh đăng ký dự thi đông nhất từ trước đến nay, trong khi tổng chỉ tiêu tuyển sinh năm học 2019-2020 chỉ là 70 nghìn học sinh. Như vậy, hơn 30 nghìn học sinh sẽ không được học ở các trường công lập khiến nhiều phụ huynh, học sinh lo lắng.

Nhiều năm qua, mặc dù năm nào thành phố cũng xây dựng thêm các trường học mới để tăng tổng chỉ tiêu tuyển sinh vào đầu cấp các trường trung học phổ thông (THPT) công lập nhưng vẫn không thể đáp ứng được yêu cầu thực tế khi số học sinh trên địa bàn tăng nhanh theo tốc độ tăng dân số cơ học. Năm học 2017 - 2018, thành phố tăng thêm một nghìn chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 công lập (nâng tổng số học sinh lớp 10 được học các trường công lập lên hơn 63 nghìn em) nhưng tổng số học sinh đăng ký dự thi tăng gần 14 nghìn chỉ tiêu so với năm học 2016 - 2017. Do đó, vẫn có khoảng 20 nghìn học sinh phải học ngoài hệ công lập. Còn trong năm học 2018 - 2019, thành phố có 100 nghìn học sinh học lớp 9, tăng 17 nghìn học sinh so với năm học vừa qua. Mặc dù thành phố tăng chỉ tiêu thêm bảy nghìn học sinh, nhưng trong năm học 2019-2020, vẫn sẽ có 30 nghìn học sinh lớp 9 không được học đầu cấp THPT tại các trường công lập.

Dù vậy, các em có thể lựa chọn một trong những con đường học tập khác, như: THPT ở các trường tư thục; hệ bổ túc văn hóa ở các trung tâm giáo dục thường xuyên; trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên với số môn ít hơn ở trường THPT nhưng bằng tốt nghiệp THPT có giá trị như nhau và các em vẫn có thể dự thi vào đại học; học nghề ở các trường trung cấp, trung cấp nghề. TP Hồ Chí Minh đang đẩy mạnh việc phân luồng học sinh sau khi đã hoàn thành chương trình trung học cơ sở (THCS). Bình quân mỗi năm thành phố giảm 3% để tiến đến còn khoảng 60% số học sinh tốt nghiệp THCS được vào học lớp 10 công lập.

Cần thẳng thắn nhìn nhận, hiện nay, một số phụ huynh còn dè dặt trong việc cho con em mình đi học nghề sau khi học hết lớp 9; quan niệm thích làm "thầy" hơn làm "thợ" vẫn tồn tại trong một bộ phận xã hội. Thực tế, trong khi hằng năm thành phố thiếu hàng chục nghìn lao động có nghề được đào tạo ở các trường trung cấp, cao đẳng, thì số sinh viên tốt nghiệp các trường đại học không tìm được việc làm lại ngày càng tăng lên. Thực trạng này cũng không chỉ riêng ở TP Hồ Chí Minh mà còn khá phổ biến tại nhiều địa phương khác trên cả nước.

Hình thức học trung cấp nghề hiện đang có nhiều ưu điểm, vì theo quy định, học sinh mới tốt nghiệp THCS nếu học nghề sẽ được miễn 100% học phí. Sau khi tốt nghiệp trường nghề, các em có thể đi làm ngay để có thu nhập phụ giúp gia đình và tự lập nghiệp. Các em cũng có thể học liên thông lên bậc cao đẳng, đại học sau khi đi làm, nếu có nhu cầu.

Để học sinh và phụ huynh hiểu rõ và có sự lựa chọn phù hợp với hoàn cảnh từng gia đình, năng lực học tập của từng học sinh, ngành giáo dục thành phố và các ban, ngành liên quan cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để việc phân luồng học sinh sau THCS trở thành việc bình thường, là sự chọn lựa không có gì phải phân vân của cả phụ huynh và học sinh. Ðây được xem là tiền đề quan trọng chuyển dần nhận thức từ việc học có bằng cấp cao để được làm "thầy" sang học để có nghề nghiệp mà xã hội đang cần…