Chuyển biến trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ở TP Hồ Chí Minh trong thời gian qua đạt được những kết quả tích cực. Số liệu vừa được UBND thành phố công bố cho thấy, trong năm 2019, thành phố tiết kiệm hơn 1.920 tỷ đồng từ các khoản chi phí quản lý hành chính, quyết toán vốn đầu tư, thực hiện cơ chế khoán chi, giao quyền tự chủ.

Theo đó, đối với công tác quyết toán vốn đầu tư các dự án hoàn thành, năm 2019, thành phố đã thực hiện phê duyệt thẩm tra quyết toán 192 hồ sơ dự án với tổng giá trị quyết toán được duyệt là 4.729,510 tỷ đồng, tiết kiệm được 56,065 tỷ đồng so với tổng giá trị chủ đầu tư đề nghị quyết toán là 4.785,575 tỷ đồng, đạt 134% chỉ tiêu tiết kiệm đề ra. Về quản lý điều hành ngân sách, năm 2019, thành phố đã điều hành chi ngân sách trong phạm vi dự toán, kế hoạch đã phân bổ, thực hiện tiết kiệm chi thường xuyên. Qua việc triển khai thực hiện các biện pháp nhằm giảm tới mức thấp nhất chi phí quản lý hành chính, số tiền tiết kiệm được từ các khoản chi phí điện, nước, điện thoại, văn phòng phẩm, xăng dầu, mua sắm… của các sở, ngành, 24 quận, huyện, các đơn vị liên quan với số tiền 587,151 tỷ đồng, giảm 30% so với cùng kỳ năm 2018. Thành phố cũng tiếp tục thực hiện giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong sử dụng biên chế và chi phí quản lý hành chính cho 773 đơn vị; giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tổ chức bộ máy, tài chính cho 1.885 đơn vị sự nghiệp công lập. Qua đó, số tiền tiết kiệm được trong năm 2019 do thực hiện cơ chế khoán chi, giao quyền tự chủ cho các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp gần 1.280 tỷ đồng, giảm 6,6% so cùng kỳ năm trước.

Có được kết quả này là nhờ thành phố đã quyết liệt chỉ đạo, điều hành, tăng cường và nâng cao trách nhiệm, hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác thực hành tiết kiệm chống lãng phí gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của thành phố. Cùng với đó, công tác quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, tài sản và mua sắm trang thiết bị từng bước được nâng cao, các khoản chi được quản lý chặt chẽ, bảo đảm đúng chế độ quy định, đúng dự toán được giao. Các cơ quan, đơn vị đã thực hành tốt việc tiết kiệm chi phí quản lý hành chính, tiết kiệm trong việc mua sắm, sửa chữa tài sản, trang thiết bị làm việc, phương tiện đi lại… Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát được tăng cường với trọng tâm là phòng ngừa tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Để công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đạt kết quả hơn nữa, trong thời gian tới, thành phố cần tiếp tục tăng cường quản lý chi tiêu ngân sách và tài sản công, bảo đảm thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, thất thoát. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đến từng cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên… bằng nhiều hình thức, phương pháp cụ thể và nhân rộng các gương điển hình, mô hình tốt trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để tạo sự chuyển biến rõ nét trong từng đơn vị, cơ quan, các cấp, các ngành. Song song đó, tăng cường thanh tra, kiểm tra, kịp thời khắc phục những hạn chế, yếu kém trong công tác quản lý, điều hành gắn với việc nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, nhất là xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm để tạo sự phòng ngừa chung cho toàn xã hội.