Chấn chỉnh thái độ làm việc của công chức

Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong vừa giao Giám đốc Sở Xây dựng thành phố khẩn trương chỉ đạo, xử lý nghiêm theo thẩm quyền đối với hành vi thiếu chuẩn mực của công chức trong giao tiếp với công dân, đồng thời công khai kết quả xử lý cho cơ quan báo chí.

Được biết, chỉ đạo này xuất phát từ sự tố cáo của người dân và phản ánh của công luận về thái độ thiếu chuẩn mực của một cán bộ thuộc Thanh tra Sở Xây dựng khi tiếp xúc với người dân. Cùng với đó, Sở Xây dựng cũng phải chấn chỉnh thái độ, ứng xử của lực lượng thanh tra xây dựng, bảo đảm thực hiện nghiêm các quy định của Thanh tra Chính phủ và UBND thành phố. Qua sự việc đó, Chủ tịch UBND thành phố cũng giao Giám đốc Sở Nội vụ tham mưu UBND thành phố ban hành văn bản chỉ đạo chấn chỉnh hành vi, thái độ ứng xử của cán bộ, công chức thành phố trong giao tiếp với công dân và trong thi hành công vụ, tăng cường kỷ luật, kỷ cương thực hiện nghiêm quy định của Luật Cán bộ, công chức về văn hóa giao tiếp với nhân dân và quy định của UBND thành phố về quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động nhằm nâng cao sự hài lòng của người dân…

Những ý kiến chỉ đạo kịp thời nêu trên là hết sức cần thiết trong việc nâng cao hiệu quả công tác năm 2019, nhất là khi năm nay được Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố chọn là năm đột phá cải cách hành chính. Trước đó, UBND thành phố cũng đã chỉ đạo yêu cầu xử lý kịp thời những cán bộ, công chức, viên chức có thái độ không chuẩn mực, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, nghiêm túc thực hiện hình thức thư xin lỗi và có cơ chế kiểm soát, bảo đảm mỗi hồ sơ trễ hạn đều phải xin lỗi và xin lỗi không quá một lần/hồ sơ. Cán bộ, công chức, viên chức giải quyết hồ sơ trễ hạn nhiều lần mà không có lý do chính đáng thì phải bị xử lý nghiêm, bằng hình thức kiểm điểm, luân chuyển công tác. Dù vậy, thực tế vẫn còn không ít cơ quan, đơn vị còn “tùy hứng” trong việc tiếp xúc và giải quyết công việc của dân; do chưa có quy trình nội bộ, quy chế phối hợp trong tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính. Cùng với đó, cán bộ, công chức, viên chức còn chểnh mảng, thậm chí là tùy tiện trong công việc, thiếu chuẩn mực khi tiếp xúc người dân. Ở một số nơi, việc tiếp công dân cũng được thực hiện theo kiểu “làm cho có”, có nơi còn thực hiện không nghiêm túc, không đúng với quy định của Luật Tiếp công dân, làm giảm niềm tin của người dân vào chính quyền, dẫn đến không ít vụ khiếu nại, kiện cáo kéo dài…

Việc lãnh đạo UBND thành phố nhanh chóng có những chỉ đạo xử lý cụ thể trước những biểu hiện “làm phiền” dân của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức đã bước đầu củng cố lòng tin của người dân vào quyết tâm cải cách hành chính, chấn chỉnh thái độ phục vụ dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Tuy vậy, không dừng lại ở đó, người dân mong những chỉ đạo đó được các cơ quan, đơn vị liên quan nghiêm túc thực hiện, không để rơi vào cảnh “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” trong công tác điều hành bộ máy hành chính. Trong quy trình giao tiếp và giải quyết công việc liên quan người dân, cần phân công rõ trách nhiệm của từng bộ phận, đơn vị, cá nhân có liên quan; tăng cường trách nhiệm giải trình của người đứng đầu và bảo đảm quyền giám sát của cá nhân, tổ chức trong việc thực hiện thủ tục hành chính. Trong đó, chú trọng nâng cao ý thức trách nhiệm và đạo đức công vụ của cán bộ, công chức làm đầu mối thực hiện nhiệm vụ kiểm soát thủ tục hành chính. Các cấp, các ngành cần tiếp tục duy trì việc khảo sát và ghi nhận ý kiến của người dân, doanh nghiệp trong quá trình giao dịch bằng những phương pháp tiện lợi và bảo đảm khách quan; đồng thời, phải công bố công khai kết quả khảo sát này.