Chế ngự những “Thần đèn”

Ứng dụng MyAladdinz - được quảng cáo là giải pháp tiêu dùng thông minh - nhưng mang bản chất mô hình đa cấp biến tướng gây xôn xao gần đây - tiếp tục là lời cảnh tỉnh người tiêu dùng đừng cả tin vào những lời “đường mật” về hoa hồng, lợi nhuận... Còn với các cấp quản lý, đây lại là sự cảnh báo về sự tinh ma của các đối tượng lừa đảo cùng lỗ hổng giữa các lằn ranh pháp luật và sự “bị động” trong quản lý mô hình kinh doanh trên nền tảng số.

Ứng dụng MyAladdinz chỉ vỡ lở là mô hình lừa đảo “bình mới rượu cũ” sau khi Công an tỉnh Bình Phước ra Văn bản cảnh báo ngày 12-8-2020. Văn bản này nêu rõ: “Về bản chất ứng dụng MyAladdinz đang lấy tiền của người sau trả cho người trước và khi không có người tham gia mua GEM nữa thì hệ thống sẽ sụp đổ và người tham gia khó có thể lấy lại số tiền đầu tư. Mặt khác, ứng dụng này chưa được cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam cấp phép”. Rất tiếc, sau sự khẳng định ấy, vẫn chỉ là lời cảnh báo “người dân đăng ký tham gia ứng dụng có thể dẫn đến mất tiền mặt hoặc bị đánh cắp dữ liệu cá nhân sử dụng vào các mục đích bất hợp pháp, đây là yếu tố tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định an ninh trật tự tại địa phương”.
 
 Sau đó, Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng cũng đưa ra “lời khẳng định tương tự” đồng thời mở rộng khuyến cáo với những website, ứng dụng đưa ra mức chiết khấu, hoàn tiền từ 80% đến 100%/giao dịch. Trước đó, đơn vị này đã không ít lần cảnh báo về các website, ứng dụng trên nền tảng số có dấu hiệu đa cấp lừa đảo như: Onelinknetwork.com; ChiliMall.net; Vitae.co; Crowd1.com; Winvest.io… nhưng sau đó vẫn không có bất cứ luật, nghị định nào được ban hành để quản lý. Phải chăng, vì chỉ có một cơ quan nên không thể và cũng không đủ khả năng, quyền hạn để soạn thảo một dự thảo luật có quá nhiều yếu tố liên quan như trên?
 
 Điều đáng nói, Công an Bình Phước chỉ “phát giác” MyAladdinz lừa đảo khi ứng dụng này đã “vươn vòi” tới rất nhiều địa phương trên cả nước. Và để có được “độ phủ” như vậy, ứng dụng này - phải được - quảng cáo tràn lan trên “mạng thông tin máy tính” - phạm vi được Bộ Thông tin và Truyền thông kết hợp Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quản lý, kiểm tra và xử lý theo Nghị định 178/2007/NĐ-CP của Chính phủ. Thế nhưng, tất cả, cho tới lúc này, vẫn chỉ là những “khuyến cáo”.
 
 Khuyến cáo không thể đủ sức mạnh chế ngự mô hình đa cấp biến tướng. Lúc này, quy trình quản lý phải nhanh chóng biến đổi theo. Goldtime Coffee là thí dụ điển hình của đa cấp lừa đảo được xử lý hình sự. MyAladdinz cũng hoàn toàn có thể được “hình sự hóa”. Để làm được, phải có đủ quyền hạn. Vậy nên chăng, hãy hình thành một cơ chế kết hợp từ Cục Quản lý cạnh tranh, Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Vụ Quản lý doanh nghiệp… có đủ “quyền hạn” để quản lý các doanh nghiệp đa cấp, cho đến Cục An ninh mạng, Cục Cảnh sát Phòng, chống tội phạm công nghệ cao, Viện Khoa học hình sự… đủ “nghiệp vụ” để đánh giá mọi hành vi kinh doanh có dấu hiệu vi phạm?