Phải hài hòa "gốc, ngọn"

Ðài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ cho biết, từ nay đến tháng 9 dự báo lượng mưa thấp hơn so với trung bình nhiều năm từ 20 đến 30%...

- Vậy là đỡ ngập lụt, dân tình đỡ khổ. Không như hồi đầu tháng mưa sa xuống là nước nổi lênh láng khắp đường sá và cả ở trong nhà nữa!

- Nhưng từ tháng 10 sẽ cao hơn nhiều năm. Có những ngày tổng lượng mưa lên tới hàng trăm mi-li-mét.

- Vậy thì chết to rồi! Mấy hôm trước mưa chỉ hơi lớn một chút mà nhiều nơi dân tình bì bõm cả ở trong nhà lẫn ngoài phố. Tới đây còn mưa nhiều, mưa to hơn nữa thì chắc là thành biển hồ mất thôi! Không biết mấy ổng chuyên lo chuyện thoát nước, chống ngập có biết thông tin nầy không?

- Ðương nhiên là có!

- Vậy có phương cách chi để đối phó cho thiệt là hiệu quả không?

- Phương án, cách thức đối phó thì đã có thừa, nhưng mà chỉ thiếu...

- Thiếu chi?

- Sự đồng bộ.

- Ý của anh Ba là...?

- Không phải ý của anh Ba đây mà là ý của các chuyên gia.

- Ờ, thì của chuyên gia. Vậy người ta nói sao?

- Người ta đánh giá là chống ngập ở thành phố mình làm phần ngọn, quên phần gốc.

- Vậy đâu là ngọn, đâu là gốc, anh Ba?

- Như người ta nói thì thành phố đang tập trung sức người, sức của cho việc thoát nước, chống ngập. Ðó là phần ngọn.

- Phần gốc là...?

- Là nguyên nhân gây ra ngập úng thì lại chưa được quan tâm đúng mức để có phương án giải quyết cho rốt ráo.

- Chứng cớ đâu, anh Ba?

- Bằng chứng là việc lấn chiếm kênh, rạch làm hẹp dòng chảy thoát nước lại chưa được xử lý triệt để. Thành phố có khoảng 67 vị trí lấn chiếm sông, kênh, rạch, bao năm qua, cơ quan chức năng mới xử lý được hơn nửa, còn 33 vị trí chưa biết tới khi nào mới giải tỏa được.

- Cụ thể như là...?

- Là việc lấn chiếm kênh A41 gây ngập sân bay Tân Sơn Nhất, khu vực cửa xả cầu Ngang bị lấn chiếm, thu hẹp chỉ còn hơn 1 m gây ngập đường Phạm Văn Ðồng... Ai cũng thấy rõ mà chưa thấy xử lý.

- Rồi sao nữa, anh Ba?

- Tốc độ đô thị hóa quá nhanh, bê-tông hóa mặt đất quá nhiều, đâu có chỗ cho nước thấm nên cứ mưa xuống là nước trôi hết ra đường nên ngập là phải thôi!

- Ðúng là những chuyện đó chưa thấy có giải pháp nào để khắc phục.

- Cho nên các chuyên gia nói là muốn chống ngập hiệu quả thì phải tiến hành đồng bộ, hài hòa giữa phần ngọn và phần gốc.