Xây dựng năng lực, tăng khả năng chống chịu

Điều chỉnh phương thức tiếp cận và thay đổi tư duy từ ứng phó sang xây dựng năng lực chống chịu và thích ứng của cộng đồng là giải pháp hiệu quả và bền vững hơn, trong bối cảnh thiên tai ngày càng phức tạp và khốc liệt như hiện nay là quan điểm của TS Nguyễn Ngọc Huy (ảnh bên), cố vấn cao cấp về biến đổi khí hậu, Tổ chức Oxfam tại Việt Nam, chia sẻ với chúng tôi.

Xây dựng năng lực, tăng khả năng chống chịu

- Liên tiếp những “kỷ lục” cực đoan của các hình thái thiên tai phức tạp diễn ra thời gian gần đây ở nhiều địa phương của Việt Nam đang gây khó khăn cho công tác dự báo và phòng, chống. Liệu tình trạng này có tiếp diễn trong thời gian tới?

- Chúng ta rất khó để có thể đưa ra dự báo chính xác mỗi năm sẽ có bao nhiêu cơn bão vào đất liền, bao nhiêu trận lụt hay lũ quét vì hình thái thiên tai những năm gần đây rất thất thường. Xu hướng dễ thấy nhất đó là tính không ổn định theo mùa và tính cực đoan. Về tính không ổn định theo mùa có thể thấy rất rõ là hiện tượng mưa đá xuất hiện vào mùa đông, nắng nóng bắt đầu sớm hơn và kéo dài hơn. Tần suất lặp lại các đợt nắng nóng có xu hướng gia tăng cả về thời gian và mức độ. Các kỷ lục về nhiệt độ cực đoan liên tiếp bị phá vỡ, năm sau cao hơn năm trước. Sự gia tăng của nắng nóng cũng khiến cho mùa mưa và bão bị đảo lộn. Chúng ta sẽ phải đón nhận nhiều đợt mưa bất thường với lượng mưa rất lớn trong một thời điểm ngắn, và đối diện với khả năng có những siêu bão đổ bộ vào đất liền trong tương lai.

-Việt Nam đang áp dụng nhiều biện pháp, trong đó phương châm “bốn tại chỗ” là một trong những phương thức phòng, chống thiên tai (PCTT) có hiệu quả nhất hiện nay. Theo ông, phương thức này có thể phù hợp diễn tiến thiên tai ngày càng phức tạp?

- Mặc dù lực lượng tại chỗ luôn sẵn sàng ứng phó thiên tai nhưng tại nhiều địa phương ở vùng sâu, vùng xa vẫn thiếu thốn về vật tư, phương tiện. Các dự báo, cảnh báo về thiên tai và thời tiết cực đoan vẫn chưa kịp thời đến với họ. Nếu chỉ dựa vào nguồn lực tại chỗ thì công tác ứng phó sẽ không hiệu quả, vì vậy cần có sự điều phối của ban chỉ huy PCTT và tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh để huy động nguồn lực trong các tình huống khẩn cấp.

Cách tiếp cận PCTT cấp địa phương ở một số vùng chưa phát huy tốt nhất tiềm năng và sự tham gia, vai trò lãnh đạo của phụ nữ. Quan điểm phụ nữ là nhóm yếu thế và cần được bảo vệ trong thiên tai là đúng nhưng chưa đủ. Chúng ta cần tiếp cận ở khía cạnh thế mạnh của phụ nữ trong ứng phó thiên tai. Trên thực tế, phụ nữ thường là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương hơn do thiên tai so với nam giới đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa do ít được tiếp cận thông tin, dễ bị tác động trực tiếp bởi thiên tai do đặc thù công việc. 

- Với những bất cập đó, theo ông thời gian tới Việt Nam cần có những đổi mới công tác PCTT như thế nào để giảm thấp nhất các thiệt hại?

- Người Việt có câu “Một đồng phòng hơn bảy đồng chống’’, nghĩa là đầu tư một đồng cho phòng bị sẽ có lời hơn là phải chi trả bảy đồng sau đó để đối phó với thiên tai. Như vậy, mọi người, mọi nhà cần thay đổi tư duy từ việc ứng phó với thiên tai sang tư duy xây dựng năng lực để giảm tối đa các rủi ro do thiên tai. Muốn xây dựng năng lực cần có các đánh giá rủi ro thiên tai được thực hiện ở tất cả các địa phương nơi nguy cơ thiên tai xảy ra, lập kế hoạch phòng, chống đồng thời cải tạo cơ sở hạ tầng tại chỗ để tăng khả năng chống chịu.

Một điểm quan trọng trong việc đổi mới công tác PCTT, đặc biệt là trong tình huống thiên tai khẩn cấp đó là công tác cảnh báo sớm thiên tai. Hoạt động này có thể được hỗ trợ bởi công nghệ thông tin và mạng xã hội (ứng dụng di động, các kênh truyền thông xã hội như facebook, zalo...), bên cạnh việc duy trì các hình thức cảnh báo thiên tai truyền thống (tivi, radio và loa phóng thanh) để đưa thông tin/cảnh báo kịp thời tới người dân. Tổ chức Oxfam đang cùng cơ quan chức năng phát triển các ứng dụng cảnh báo thiên tai thời gian thật và thiết lập kênh kết nối giữa những người tại vùng bị thiên tai với các cơ quan ứng phó khẩn cấp nhằm nắm bắt kịp thời tình hình thiên tai phục vụ quá trình ra quyết định. Thông qua các ứng dụng công nghệ thông tin chúng ta có thể thúc đẩy việc phản hồi của người dân không chỉ về mặt thông tin hiện trường trong lúc thiên tai xảy ra mà còn là sự phản hồi về công tác cứu trợ sau thiên tai nhằm bảo đảm sự công bằng, minh bạch, bình đẳng giới theo đúng với các tiêu chuẩn tối thiểu quốc tế về nhân đạo.

Ngoài việc tăng cường công tác cảnh báo, nhà nước cần thúc đẩy quan hệ đối tác mới trong phòng ngừa và ứng phó thiên tai, trong đó chú trọng về sự tham gia của thành phần tư nhân ở các địa phương, bởi họ là những nguồn lực tại chỗ quan trọng. Chẳng hạn, chính quyền địa phương có thể huy động các phương tiện như xe bus, xe tải, xuồng máy,… từ phía các doanh nghiệp địa phương trong trường hợp khẩn cấp cần sơ tán người dân khỏi vùng nguy hiểm hoặc gia cố đê điều. Các cơ chế về hỗ trợ tài chính trước thiên tai dựa vào dự báo nhằm phục vụ cho công tác ứng phó nên được thực hiện. Bởi đầu tư cho giảm rủi ro sẽ có lợi hơn nhiều so với đầu tư phục hồi khắc phục hậu quả sau thiên tai. 

Một điểm quan trọng nữa cần lưu ý về công tác ứng phó trong tình hình mới đó là khả năng thiên tai xảy ra khi đại dịch Covid-19 quay trở lại. Lúc đó thì việc sơ tán người dân khỏi vùng nguy hiểm rất quan trọng. Theo tôi, những tỉnh, thành phố thường xuyên bị bão, lũ nên xây dựng phương án dự phòng cho tình huống này. 

- Xin cảm ơn ông!