Thông điệp gửi người tài

Trọng dụng nhân tài không chỉ là đặt họ vào đúng vị trí năng lực trong hệ thống, mà còn là chăm sóc và bảo vệ họ để họ có thể là một nhân tố quan trọng thúc đẩy toàn hệ thống.

Tiến sĩ Đoàn Lê Hoàng Tân trao đổi về đề tài nghiên cứu với các nghiên cứu sinh và học viên cao học tại Trung tâm INOMAR. Ảnh: Thu Hoài
Tiến sĩ Đoàn Lê Hoàng Tân trao đổi về đề tài nghiên cứu với các nghiên cứu sinh và học viên cao học tại Trung tâm INOMAR. Ảnh: Thu Hoài

Góc nhìn cởi mở của Chủ tịch Hồ Chí Minh
 
 Cuối năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh một bức điện quan trọng cho cụ Huỳnh Thúc Kháng, khi ấy đã 70 tuổi, để mời cụ ra làm Bộ trưởng Nội vụ. Lần đầu, chí sĩ yêu nước này đã từ chối với lý do tuổi cao sức yếu.
 
 Không nản lòng, Bác Hồ đánh một bức điện thứ hai, và lần này thì cụ Huỳnh Thúc Kháng đồng ý ra Hà Nội gặp. Nhưng cụ không hứa hẹn gì thêm.
 
 Trong vòng một tuần, Chủ tịch Hồ Chí Minh kiên trì thuyết phục, cuối cùng thì trong cuộc họp đầu tiên của Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ, Bác đã giới thiệu cụ Huỳnh Thúc Kháng nắm giữ chức vụ Bộ trưởng Nội vụ. Một năm sau, khi phải đi Pháp, Bác cũng chọn cụ Huỳnh Thúc Kháng làm quyền Chủ tịch nước.
 
 Trước đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng khẩn thiết mời cụ Bùi Bằng Đoàn tham gia Ban Cố vấn Chủ tịch nước, thành viên Ủy ban Nghiên cứu kế hoạch kiến thiết đất nước. Sau này, tại kỳ họp thứ hai của Quốc hội, cụ được bầu làm Trưởng ban Thường trực Quốc hội (tức tương đương Chủ tịch Quốc hội bây giờ).
 
 Một nhân vật khác cũng được đích thân Bác Hồ gửi danh thiếp mời đến Phủ Chủ tịch bàn việc là GS, TS Nguyễn Văn Huyên. Ông Huyên sau này trở thành Bộ trưởng Giáo dục đầu tiên, và giữ chức này trong gần 30 năm.
 
 Cả ba nhân vật vô cùng quan trọng trong chính phủ còn non trẻ của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có một đặc điểm chung: không phải người trong Đảng. Cụ Bùi Bằng Đoàn thậm chí làm tới Thượng thư Bộ Hình triều Nguyễn, còn ông Nguyễn Văn Huyên du học Pháp về.
 
 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhìn người với tư duy của một người lãnh đạo có tầm nhìn vượt xa thời điểm mình đang sống: chỉ tập trung vào năng lực, và không bị ảnh hưởng bởi định kiến lý lịch.
 
 Ba phần tư thế kỷ trôi qua, phương pháp dùng người của Bác lại vừa được nhắc đến, với một hình hài mới. Cuối tháng 12-2020, Bộ Nội vụ lấy ý kiến góp ý của nhân dân với dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược quốc gia thu hút, trọng dụng nhân tài”, không phân biệt nhân tài là đảng viên hay người ngoài đảng.
 
 Tiếng gọi đặc biệt dành cho nhân tài
 
 Những con số rất thực tế được đưa ra, và cho thấy rằng chúng ta không né tránh vấn đề: dự thảo đặt ra mục tiêu rằng từ năm 2026 đến 2030, “100% các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bảo đảm khung tỷ lệ tối thiểu từ 2% đến 5% trở lên nhân tài trong cơ cấu lãnh đạo, quản lý; từ 10% đến 15% trở lên trong cơ cấu chuyên môn, nghiệp vụ. Từ năm 2030 trở đi, phấn đấu mỗi năm tăng thêm ít nhất 1% trở lên với cơ cấu lãnh đạo, quản lý và 3% trở lên trong cơ cấu chuyên môn, nghiệp vụ”.
 
 Đấy sẽ là một chặng đường dài, có thể bởi yếu tố lịch sử. Năm 2017, Chủ tịch UBND quận Hải Châu (Đà Nẵng) khi ấy là ông Lê Anh chia sẻ rằng chỉ cần cho ông tuyển năm người cũng làm được đủ công việc của 25 người ông đang có, những người mà theo ông là “do thế hệ trước để lại”. Có những người được đặt vào các vị trí mà họ không đủ năng lực gánh vác.
 
 Tập trung vào năng lực là tinh thần dùng người rất logic và hiệu quả của Bác, nhưng không được truyền lại như một di sản dễ dàng. Trong suốt chiều dài lịch sử, đâu đó chúng ta vẫn nhìn thấy dáng dấp của chủ nghĩa lý lịch và định kiến đã cản trở con đường thăng tiến trong hệ thống cơ quan nhà nước của nhân tài, đôi khi lại ưu tiên những người không đủ năng lực. Và nó cũng gây ra một hệ quả khác: một hệ thống không đặt năng lực lên làm yếu tố tiên quyết sẽ thiếu sự đào thải hiệu quả.
 
 Nhưng điều đáng mừng là sự thay đổi vẫn đang diễn ra, và nó tạo ra một quán tính khác cho bộ máy. Cuối tháng 3 năm ngoái, Ban Bí thư đã ban hành Kết luận số 71-KL/TW do đồng chí Trần Quốc Vượng, Thường trực Ban Bí thư ký về xử lý sai phạm trong công tác tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức. Trong 5 năm qua, cả nước đã giảm được hơn 230 nghìn biên chế, tương đương 6,5% so với biên chế thực tế vào thời điểm cuối tháng 4-2015.
 
 Đấy có lẽ là vế thứ hai cần có để có thể trọng dụng người tài: giảm bớt những lực cản hệ thống trước mặt họ. Người tài không chỉ cần được tin dùng, mà còn phải được phát huy trong một môi trường mà họ có thể làm đúng phận sự, chuyên môn, mà không phải băn khoăn rằng liệu nỗ lực đó có “làm phiền” người khác không.
 
 Trong một bài viết tựa đề “Ngày tôi thôi việc sau 20 năm làm công chức” tham gia cuộc thi nói về khoảnh khắc thay đổi đời người do báo Tuổi Trẻ phát động năm 2019, tác giả viết: “Tôi không tìm thấy niềm vui trong công việc, khi mọi thứ cứ lặp đi lặp lại đều đặn mỗi ngày một cách tẻ nhạt theo những giấy tờ văn bản hành chính rập khuôn. Những đề xuất cải tiến của tôi luôn vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ của đồng nghiệp, “làm chơi chơi cũng chừng đó lương mà lãnh, bày ra chi cho nhiều không chỉ mệt mình mà còn làm mệt người”.
 
 Sau hai thập niên, nhân vật trong bài đã rời cơ quan nhà nước, để đi bán cà-phê. Không phải ai đi làm nhà nước cũng bi quan như thế, nhưng đúng là có những trường hợp đã đứng ở vạch xuất phát với sự háo hức đóng góp cho hệ thống, nhưng rồi cảm thấy nản lòng, và chấp nhận thỏa hiệp. Một vài trong số này có thể đi xa hơn sự thỏa hiệp, thậm chí tha hóa và làm hại trở lại hệ thống.
 
 Nhìn vào những trường hợp thiểu số như thế, để hiểu rõ rằng trọng dụng nhân tài không chỉ là đặt họ vào đúng vị trí năng lực trong hệ thống, mà còn là chăm sóc và bảo vệ họ để chính họ có thể là một nhân tố quan trọng thúc đẩy toàn hệ thống.
 
 Tập hợp người tài không
 
 chỉ là câu chuyện của tuyển dụng, mà còn là của tinh thần cầu thị, và thông điệp mà họ có thể cảm nhận được, để chung tay đóng góp. Nếu Bác chỉ đưa ra lời mời mà không kèm theo thuyết phục, cũng như bảo vệ cho quyết định dùng người của mình, cụ Huỳnh Thúc Kháng hay ông Nguyễn Văn Huyên có thể sẽ không trở thành một phần quan trọng của lịch sử.
 
 Tinh thần này đặc biệt có ý nghĩa với hiện tại, khi phát triển đất nước đang là một công việc đòi hỏi những bộ kỹ năng và tư duy khác biệt từ nhiều tầng lớp, theo sự nở ra của các phương tiện vật chất lẫn thông tin.
 
 Để một “nhân tài” nghe thấy lời gọi, cả bộ máy cần phải làm việc hết sức để truyền đi một thông điệp tương tự như những gì Bác đã làm được, từ 75 năm trước.