Lựa chọn sống còn cho phát triển du lịch

Bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch Covid-19, nhưng cũng chính từ trong cơn “địa chấn” tồi tệ ấy, nhiều xu hướng du lịch mới được tạo ra. Tận dụng lợi thế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và giải pháp chuyển đổi số đang là lựa chọn sống còn, làm thay đổi căn bản hoạt động du lịch và là con đường phát triển tất yếu trong tương lai đối với lĩnh vực này.

Du khách quét mã QR để tìm hiểu thông tin tại Di sản văn hóa thế giới Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội). Ảnh: MỸ HÀ
Du khách quét mã QR để tìm hiểu thông tin tại Di sản văn hóa thế giới Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội). Ảnh: MỸ HÀ

Thay đổi hoặc là chết

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã mang đến những sự thay đổi lớn nhưng đại dịch Covid-19 mới là nguyên nhân khiến cả thế giới, trong đó có du lịch, buộc phải lựa chọn: thay đổi hoặc là chết. Thế giới đã quen dần với các loại hình mới: du lịch không chạm, du lịch không biên giới, du lịch không tiếp xúc, du lịch không di chuyển, du lịch từ trên không. Và cũng dần thích ứng khi sử dụng những dịch vụ du lịch mới: công viên giãn cách xã hội, khách sạn cách ly, du thuyền không điểm đến, chuyến bay không đến đâu…

Ở Việt Nam, đại dịch Covid-19 khiến cho hàng nghìn doanh nghiệp (DN) lữ hành, khách sạn phải đóng cửa, phá sản; hàng triệu người lao động trong ngành du lịch bị mất việc làm. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) dự báo, năm 2020, dịch Covid-19 làm cho khách quốc tế đến Việt Nam (inbound) giảm ít nhất 80% so năm 2019, khách nội địa giảm 50%, khách Việt Nam đi nước ngoài giảm 85%; doanh thu (inbound và nội địa) giảm hơn 63%, ngành du lịch thất thu khoảng 23 tỷ USD. Nhưng dù thế, so với nhiều quốc gia khác trên thế giới Việt Nam kiểm soát tốt dịch Covid-19 cho nên người dân vẫn có thể đi du lịch an toàn. 

Theo dự báo của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), đại dịch Covid-19 có thể làm giảm 1 tỷ khách quốc tế năm 2020, gây tổn thất khoảng 1.000 tỷ USD. Càng ngày, sự nguy hiểm, khó lường của đại dịch Covid-19 càng làm hành vi của khách du lịch thay đổi theo chiều hướng cảm tính, thay đổi liên tục và khó phán đoán… Hạn chế đi lại, thậm chí phong tỏa ở nhiều nơi khiến du khách bức bối tới mức sẵn sàng bỏ tiền mua vé máy bay chỉ để được ngắm cảnh từ trên cao trong 10 phút hoặc ở du thuyền đi lang thang trên biển mấy ngày mà không cập bất cứ một cảng nào để thỏa mãn cảm giác được đi xa… Thực tế nghiệt ngã đó buộc ngành du lịch phải thay đổi để theo kịp với những xu hướng mới này.

Rất nhiều DN không thể đáp ứng được yêu cầu của khách hoặc không thể cầm cự được vì cạn kiệt nguồn tiền, nhân lực giảm tối đa, gần như chỉ còn lại mỗi giấy phép. Trong lúc này, DN nào thật sự mạnh mới đứng vững được, những DN yếu, vừa và nhỏ (số này chiếm tới 90% trong ngành du lịch nước ta) đành nằm im, nín thở chờ hết dịch hoặc xin “khai tử”. Thực tế cho thấy, chỉ khi DN có cơ sở dữ liệu về khách, về sản phẩm và dịch vụ đầy đủ thì việc đề xuất các giải pháp, tính toán chi phí, điều hành dựa trên cơ sở phân tích các dữ liệu một cách khoa học mới có thể đáp ứng nhu cầu của khách. 

Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng: “Sự thay đổi mạnh mẽ của du lịch hiện nay do ảnh hưởng của Covid-19 cho thấy các DN du lịch triển khai chuyển đổi số sẽ đi tắt, đón đầu, tận dụng được những lợi thế của cuộc cách mạng 4.0 mang lại, phục vụ tốt hơn khách hàng và sự phát triển trong tương lai. Những người đi trước là những người có khả năng thành công lớn trong cuộc chạy đua khốc liệt này”.

Chuyển đổi số được cho là sẽ góp phần cơ cấu lại DN theo hướng tinh, gọn, vận hành tối ưu cơ sở dữ liệu, xây dựng mô hình quản lý hiện đại, từng bước tự động hóa trong hoạt động du lịch. Thực hiện chuyển đổi số ở các DN giúp đổi mới nhân sự, tăng cường liên kết giữa các bộ phận, đơn vị trong DN, xây dựng được cơ sở dữ liệu để tăng khả năng phân tích, bảo mật (dữ liệu về khách hàng, về đối tác, về sản phẩm...). Đồng thời, giúp mở rộng thị trường, nâng cao khả năng trải nghiệm cho khách hàng, năng suất lao động các bộ phận, tăng doanh thu và lợi nhuận.

Nhanh hơn, khẩn trương, quyết liệt hơn

Nhiều nước trên thế giới hiện nay đã tiến hành chuyển đổi số trong du lịch, đưa ngành công nghiệp xanh này trở thành một ngành kinh tế số. Kết hợp với thương mại điện tử, với kinh tế chia sẻ, du lịch đã dần thay đổi, hướng tới một ngành kinh tế thông minh. Các công nghệ được sử dụng trong chuyển đổi số của ngành du lịch phổ biến là: công nghệ di động, điện toán đám mây và internet vạn vật (IoT), thực tế tăng cường, thực tế ảo (AR/VR), trí tuệ nhân tạo (AI), block chain (chuỗi khối) và thương mại điện tử.

Ngành du lịch Việt Nam đang hướng đến xây dựng nền tảng dữ liệu du lịch và hệ thống công nghệ số để tự động hóa các quy trình cung ứng sản phẩm, dịch vụ cho khách du lịch, quản lý, giám sát, bảo đảm an ninh an toàn trong quá trình phục vụ khách du lịch, tiếp thị số. Đồng thời nâng cao chất lượng hiệu quả dịch vụ, tăng năng suất lao động, mang lại giá trị cao cho DN. Tuy nhiên, để có nền móng vững chắc cho sự phát triển kinh tế số, chuyển đổi số trong phát triển du lịch ở Việt Nam, cần có hành lang pháp lý phù hợp, dịch chuyển nhận thức và thay đổi mô hình kinh doanh, thay đổi thói quen của khách du lịch.

Mới đây nhất, Tổng cục Du lịch đã triển khai ứng dụng (app) Du lịch Việt Nam an toàn nhằm đem lại cho khách du lịch các tiện ích, quyền lựa chọn và bảo đảm an toàn nhất. Bộ VHTTDL cũng vừa thành lập Hội đồng tư vấn xác định nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia, đề xuất đề tài “Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ của cách mạng công nghiệp 4.0 để phát triển du lịch thông minh”. Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng VHTTDL Nguyễn Văn Hùng cho biết: “Quan điểm của Đảng, của Quốc hội, Chính phủ thể hiện rất rõ trong việc chuyển đổi kinh tế số, thiết kế các khung chính sách, tăng cường chỉ đạo, lãnh đạo để phát triển ngành kinh tế tổng hợp, mang nội hàm văn hóa sâu sắc này. Bằng các văn kiện đại hội, Nghị quyết chuyên đề, các đề án, chương trình hành động, Đảng và Nhà nước đã định hướng phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển nhanh và bền vững; chuyển đổi phát triển kinh tế số gắn liền với phát triển kinh tế du lịch”.

Hiện nay, Bộ VHTTDL đang chỉ đạo Tổng cục Du lịch đẩy mạnh marketing du lịch; quản lý du lịch thông minh; tích hợp dữ liệu số của ngành; kêu gọi DN hưởng ứng, sáng tạo, ứng dụng công nghệ thông tin trong du lịch. “Trong bối cảnh bình thường mới, chúng tôi mong rằng các DN và cơ quan quản lý nhà nước, các hiệp hội sẽ cùng đoàn kết, tạo thành sức mạnh tổng hợp, biến nguy thành cơ, thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội, tiếp tục khẳng định điểm đến Việt Nam an toàn, thu hút khách du lịch. Đồng thời, từ phía cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương, Bộ VHTTDL cũng sẽ hành động nhanh hơn, khẩn trương hơn, quyết liệt hơn việc chuyển đổi số để phát triển du lịch thông minh trong nền kinh tế số, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị đã đề ra”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.

18_1-1605862741072.jpg

Nhiều hoạt động liên kết du lịch mang tính vùng miền đang được triển khai. Trong ảnh: Du khách chèo thuyền kayak trên lòng hồ thủy điện Tuyên Quang. Ảnh: HÀ MY 

Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp. Đến năm 2025, Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu kinh tế số chiếm 20% GDP, tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%, năng suất lao động tăng bình quân hơn 7%/năm, thuộc nhóm 35 nước dẫn đầu về đổi mới, sáng tạo.

Tổ chức chuyên đề:

NGÔ PHƯƠNG THẢO, LÊ ĐỨC NGHĨA