Cần có thêm "cầu nối" hiệu quả

Theo Kế hoạch số 137/KH-UBND ngày 3-7-2020 về "Duy trì, mở rộng phát triển sản xuất và tiêu thụ rau an toàn (RAT) thành phố Hà Nội giai đoạn 2021- 2025", thành phố mở rộng thêm từ 3.000 đến 4.000 ha sản xuất RAT. Ðiều này có khả thi? Ông Nguyễn Mạnh Phương (trong ảnh), Chi cục trưởng Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội trả lời câu hỏi của báo Nhân Dân cuối tuần.

Cần có thêm "cầu nối" hiệu quả

- Thưa ông, bản Kế hoạch nói trên liệu có khả năng thực thi như lộ trình đặt ra không khi mà trên thực tế việc quy hoạch vùng RAT ở Hà Nội theo Quyết định số 474/QÐ-UBND ngày 28-1-2010 đang gặp khó khăn?

- Quy hoạch vùng sản xuất RAT đã được các cấp thành phố quan tâm. Năm 2010, thành phố đã có quy hoạch sản xuất RAT của Hà Nội tại Quyết định số 474/QÐ-UBND ngày 28-1-2010, với 151 vùng sản xuất RAT. Tuy nhiên, do quy hoạch này có trước quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, nên bị trùng lặp và có nhiều vùng không thể thực hiện được. Ðến năm 2018, chỉ triển khai được 104 vùng RAT. Ðó là chưa kể một số vùng quy hoạch phát triển rau nhưng nông dân không có tập quán canh tác tập trung. Như vùng rau màu của xã Hát Môn (huyện Phúc Thọ), được quy hoạch trồng RAT gắn với xây dựng nông thôn mới nhưng nhiều năm không thành công, dù đã được đầu tư mấy chục tỷ đồng xây dựng hạ tầng. Hay như vùng RAT của huyện Ðông Anh quy hoạch hơn 1.000 ha ở sáu xã, thì ba xã nằm trong quy hoạch phát triển giao thông, đô thị nên phải đưa ra ngoài vùng quy hoạch RAT.

Cũng phải nhắc đến một khó khăn rất quan trọng là tư duy sản xuất nhỏ lẻ từ nhiều năm của người dân rất khó thay đổi, hay người dân thiếu mặn mà với sản xuất nông nghiệp. Chưa kể, việc sản xuất RAT rất cần sự chung tay của doanh nghiệp (DN), trong khi đó, rất ít DN dám mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực này bởi rủi ro cao, lợi nhuận thấp, thu hồi vốn chậm.

Một khó khăn khác là năng lực hoạt động của các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp ở các xã còn quá hạn chế, phần lớn vẫn hoạt động theo mô hình cũ. HTX nông nghiệp hầu như không có vai trò tiêu thụ RAT cho nông dân do không có vốn hoặc vốn rất thấp, không tài sản thế chấp nên khó tiếp cận vốn tín dụng, không có kiến thức, kinh nghiệm kinh doanh. Liên kết giữa DN, HTX, nông dân không chặt chẽ, không hài hòa lợi ích giữa các bên, hợp đồng thường bị phá vỡ. Chỉ có vài HTX hoạt động tốt theo mô hình DN như HTX Nông nghiệp Văn Ðức, HTX Nông nghiệp Ðặng Xá (huyện Gia Lâm), HTX Nông nghiệp Tiền Lệ (huyện Hoài Ðức),… Họ năng động tìm đầu ra cho sản phẩm, phối hợp nhịp nhàng các DN và cơ quan chức năng để tiêu thụ RAT cho bà con. Với nhu cầu đòi hỏi của thực tế thì rõ ràng đang rất thiếu những HTX Nông nghiệp hoạt động hiệu quả, bởi họ đóng vai trò là "cầu nối" quan trọng của người sản xuất với các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm.

- Hà Nội sẽ tháo gỡ những khó khăn này như thế nào, thưa ông?

- Chúng tôi đã phối hợp UBND các huyện, xã tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức sản xuất, đồng thời vận động nông dân tuân thủ các tiêu chuẩn RAT. Mặt khác, các sản phẩm RAT đều phải áp dụng triệt để Chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) nhằm hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Hà Nội phấn đấu kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật dưới ngưỡng quy định cho 90% diện tích sản xuất RAT trên địa bàn. Cùng việc duy trì hiệu quả diện tích sản xuất 5.044 ha đã được cấp chứng nhận, thành phố sẽ mở rộng thêm từ 3.000 đến 4.000 ha sản xuất RAT; nâng cao giá trị sản xuất đạt 500 triệu đồng/ha/năm trở lên.

- Cụ thể hơn, chương trình hành động của Chi cục sẽ tập trung những điểm chính nào, thưa ông?

- Ðể nâng cao năng lực sản xuất RAT trên diện tích hiện có và mở rộng trong thời gian tới, Chi cục sẽ tổ chức 150-200 lớp tập huấn/năm cho khoảng 5.250 nông dân về quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên cây rau. Cùng với đó sẽ triển khai khoảng 100 điểm thử nghiệm kỹ thuật mới trong phòng trừ sâu bệnh. Thời gian tới, bên cạnh việc tập trung triển khai cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm (ATTP) cho khoảng 3.600 ha rau đã hết hạn theo quy định (triển khai phân tích mẫu đất, mẫu nước… nếu bảo đảm được các yêu cầu đề ra sẽ được cấp lại), Chi cục sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm nghiệm ATTP. Trong đó, tiến hành phân tích khoảng 1.000 mẫu rau điển hình mỗi năm để đánh giá mức độ đáp ứng yêu cầu về ATTP hay tăng cường kiểm tra, đánh giá kiến thức cũng như khả năng áp dụng quy trình, tiến bộ kỹ thuật trong phòng trừ sâu bệnh của người dân. Mặt khác sẽ phối hợp chặt chẽ các cơ quan thông tin, truyền thông của trung ương, thành phố, cũng như cơ quan tuyên truyền cấp huyện, cấp xã để tăng thời lượng thông tin về sản xuất - kinh doanh - tiêu dùng RAT; các văn bản quy phạm pháp luật liên quan bảo vệ thực vật và ATTP.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!