"Chìa khóa" cho tăng trưởng bền vững

Phát triển bền vững (PTBV) hay kinh tế xanh đã trở thành xu hướng giúp doanh nghiệp (DN) tìm kiếm giải pháp để phục hồi, tăng trưởng và phát triển trong thời kỳ đầy biến động và khó có thể đoán định về những thay đổi phía trước…

Bài toán cho mỗi doanh nghiệp giờ đây là “to be or not to be - phát triển bền vững hay bị bỏ lại phía sau?”
Bài toán cho mỗi doanh nghiệp giờ đây là “to be or not to be - phát triển bền vững hay bị bỏ lại phía sau?”

Ðại dịch, thất nghiệp và bài học ứng phó

Theo thống kê mới nhất của Tổng cục Thống kê, tính đến quý III-2020, cả nước có 31,8 triệu người (khảo sát từ 15 tuổi trở lên) bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19 bao gồm người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập.

Dịch Covid-19 đã làm tăng đáng kể số lao động thiếu việc làm ở cả ba khu vực kinh tế. Thậm chí, thu nhập trung bình cũng giảm so cùng kỳ năm trước mặc dù đã được cải thiện so với quý II-2020. Người lao động mất việc làm đồng nghĩa với khả năng hoạt động liên tục của DN giảm sút đáng kể.

Tuy nhiên, trong báo cáo cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam "điểm lại" năm 2020 của Ngân hàng Thế giới (WB) lại phản ánh một kết quả đầy tích cực, khi (dự kiến) tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đạt gần 3% trong khi kinh tế thế giới dự kiến suy giảm ít nhất 4%. Kết quả này đạt được là nhờ khả năng chống chịu của cả khu vực kinh tế trong nước và kinh tế đối ngoại. Ðơn cử như chi tiêu công bắt đầu tăng trở lại sau ba năm thắt chặt tài khóa. Trong chín tháng năm 2020, giải ngân đầu tư công đã tăng đến 40% so cùng kỳ năm trước, tạo cán cân cung cầu và sức bật tăng trưởng trở lại cho lực lượng lao động.

Báo cáo này cũng đánh giá tích cực về mức tăng trưởng của kinh tế Việt Nam trong năm 2021 ở mức 6,8% và sẽ ổn định quanh mức 6,5% trong những năm tiếp theo. Dự báo này dựa trên giả định khi khủng hoảng của đại dịch Covid-19 dần được kiểm soát và vắc-xin ngừa dịch cũng chứng minh được tính hiệu quả. Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam Carolyn Turk khẳng định, Việt Nam đang đứng trước bước ngoặt để phục hồi và đang có cơ hội để chọn con đường phát triển xanh hơn, thông minh hơn và bao trùm hơn. Nhờ đó, Việt Nam có thể trở nên vững vàng hơn trước những cú sốc trong tương lai do cả đại dịch hay thảm họa thiên nhiên có thể tạo ra…

Thách thức và việc phải làm!

Nhận định trên của đại diện WB càng làm rõ chìa khóa cho tăng trưởng bền vững trong tương lai nằm ở một nền kinh tế bao trùm, tuần hoàn và dựa trên những sáng kiến kinh doanh "xanh". Một nền kinh tế tuần hoàn hình thành dựa trên mô hình kinh doanh khép kín với tiêu chí bảo đảm hệ sinh thái, môi trường và cả sức khỏe của con người.

Từ khi đại dịch xảy ra đến nay, trong bất kỳ hội nghị bàn về hướng đi cho DN nào cũng đều đề cập đến một nền kinh tế ít tác động đến môi trường và không chịu chi phối bởi thiên nhiên. TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trong kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV vừa qua nói, kinh doanh xanh là chiến lược của mọi DN, từ khối DN lớn đến khối DN nhỏ, thậm chí siêu nhỏ, vì khi đại dịch đang tái cấu trúc lại nền kinh tế với bài toán về mô hình kinh doanh hoàn toàn khác biệt. Bài toán cho mỗi doanh nghiệp giờ đây là "to be or not to be - phát triển bền vững hay bị bỏ lại phía sau?".

Sự cấp thiết đó đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá đúng mức và thể hiện bằng việc: trong hội nghị gần đây nhất liên quan tăng trưởng xanh, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đã khẳng định, Bộ đang hoàn thiện thể chế pháp luật bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu để tăng cường khả năng thích ứng cũng như sự phục hồi của nền kinh tế Việt Nam. Ông Nhân khẳng định, Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 10 vừa qua, mở ra một cơ hội tiếp cận mới cho DN tại các dự án khi phải bảo đảm tiêu chí "môi trường" ngay từ vòng thẩm định đầu tiên.

Tính đến nay, trong cộng đồng DN, các "ứng viên" tham gia vòng quay của nền kinh tế xanh đều là những DN lớn với những cái tên quen thuộc như Công ty CP Vàng bạc Ðá quý Phú Nhuận, Tập đoàn PNJ; thậm chí có "yếu tố nước ngoài" như Coca Cola, Heineken hay Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam…

Muốn có một kinh tế xanh, phải có một cộng đồng DN kinh doanh bền vững với một quy trình khép kín và tuần hoàn. Chính phủ đã có Nghị quyết 136/NQ-CP ban hành ngày 25-9-2020 về phát triển bền vững, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư… cũng liên tục hoàn thiện khung pháp lý và ban hành các nghị định, thông tư liên quan kinh tế tuần hoàn và tăng trưởng xanh. Phần còn lại của vấn đề nằm ở việc hiện thực hóa những quy định đó như thế nào.

Nước ta đã có Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD-VCCI) với "thiên chức" kết nối, thúc đẩy DN tham gia vào vòng tròn PTBV, nhưng để lan tỏa tinh thần này thì cần nhiều hơn nữa các tổ chức, các hoạt động như thế. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Ðức Ðam từng nói, thách thức lớn nhất là làm sao cho tất cả mọi người nhận thức PTBV là quan trọng, là thiết yếu, "Muốn đạt các mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030 thì không chỉ tinh thần mà yêu cầu, đòi hỏi phát triển bền vững phải lan tỏa trong cộng đồng DN ra toàn xã hội. Ðó là việc phải làm".

★ Ðại dịch Covid-19 "dạy" cho nền kinh tế toàn cầu bài học đắt giá về liên kết chuỗi, kinh tế tuần hoàn và tăng trưởng bền vững để chống chịu trước những biến đổi của tự nhiên.

★ Việc phải làm để hướng đến một nền kinh tế xanh là thay đổi tư duy của mỗi một con người, tăng tính kết nối DN bên cạnh sự đồng hành của Chính phủ.