Thu phí hay thu giá

Tất nhiên là thu phí! Người ta chỉ có thể thu phí, chứ không thể thu giá, vì giá là thứ không thể thu được. Giá là giá trị được tính bằng tiền của một hàng hóa/dịch vụ nào đó. Thu giá trị được tính bằng tiền nghĩa là thu cái gì và thu như thế nào? Quả thực là rất mông lung, tối nghĩa. Muốn tránh phải sử dụng từ "thu phí", thì chỉ còn cách là sử dụng từ "thu tiền" hoặc "thu ngân" mới được. Đây đơn giản chỉ là một vấn đề ngôn ngữ.

Thu phí phương tiện lưu thông trên cao tốc Hà Nội - Lào Cai. Ảnh: ĐỨC ANH
Thu phí phương tiện lưu thông trên cao tốc Hà Nội - Lào Cai. Ảnh: ĐỨC ANH

Tuy nhiên, cố gắng của một số Bộ tìm cách thay thuật ngữ "thu phí" bằng "thu giá" lại phản ánh một vấn đề chính sách hơn là một vấn đề ngôn ngữ. Đó chính là vấn đề áp dụng pháp luật như thế nào. Sử dụng thuật ngữ "thu giá" thì có thể áp dụng các quy định của Luật Giá để xác định giá cả của các dịch vụ công. Còn sử dụng thuật ngữ "thu phí", thì lại phải áp dụng các quy định của Luật Phí và Lệ phí để xác định mức phí của các dịnh vụ công nói trên.

Áp dụng các quy định của Luật Phí và Lệ phí thì mức thu sẽ thấp hơn. Bởi vì rằng, theo Luật này, "Phí là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải trả nhằm cơ bản bù đắp chi phí và mang tính phục vụ". Với quy định như vậy, khó có thể tính lợi nhuận vào mức phí để bắt người dân phải chi trả. Áp dụng Luật Giá mới có thể đưa lợi nhuận vào giá của dịch vụ để thu tiền. Đó là chưa nói tới việc Luật Phí và Lệ phí còn quy định hết sức chặt chẽ về quy trình, thủ tục thu phí và về việc sử dụng tiền phí thu được. Cụ thể, việc thu phí chỉ hợp pháp, khi khoản phí có liên quan được đưa vào Danh mục phí được ban hành kèm theo Luật Phí và Lệ phí. Rất tiếc, phí BOT và một loạt các phí khác không có trong Danh mục này. Ngoài ra, việc thu phí cũng chỉ được thực hiện trên cơ sở dự toán được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Số tiền thu được chỉ được giữ lại một phần để trang trải các chi phí cho hoạt động cung cấp dịch vụ, phần còn lại phải nộp vào Ngân sách nhà nước.

Cũng phải thông cảm cho các Bộ, các nhà đầu tư vào các công trình BOT, vào bệnh viện, vào trường học đều muốn tìm kiếm lợi nhuận. Áp dụng Luật Phí và Lệ phí thì không khéo họ trở thành nhà từ thiện hơn là nhà đầu tư.

Cái khó ở đây là tránh được câu chữ thì vẫn không tránh được bản chất của sự vật. Một dịch vụ được cung cấp cho đông đảo công chúng thì được gọi là dịch vụ công. Tiền trả cho dịch vụ công lại phải được gọi là phí. Hơn thế nữa, theo quy chế của dịch vụ công, thì giá cả của dịch vụ công phải đủ rẻ để bảo đảm quyền tiếp cận bình đẳng của công chúng. Muốn giá dịch vụ công rẻ thì ngoài chi phí ra, làm sao còn có thể tính thêm lợi nhuận vào?

Tóm lại, nếu Nhà nước chưa có đủ tiền, mà phải thu hút tiền của các nhà đầu tư để cung cấp dịch vụ công cho dân, thì một quy chế pháp lý mới cho hình thức hợp tác công tư (PPP) là rất quan trọng. Cho dù một số hình thức hợp tác công tư như BOT đã được điều chỉnh bởi nghị định của Chính phủ, thì nghị định vẫn không thể cao hơn luật và không thể phủ định luật. Chính vì vậy, quan trọng là phải nhanh chóng xây dựng và ban hành Luật Hợp tác công-tư.