Tăng cường quốc phòng, an ninh bảo vệ vững chắc tổ quốc trong tình hình mới

Trong 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và 10 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước (bổ sung, phát triển năm 2011), chúng ta đã đạt được thành quả cơ bản, quan trọng và bao trùm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh (QPAN).

Các chiến sĩ Sư đoàn 3 (Quân khu 1) hành quân dã ngoại. Ảnh | Trần Hải
Các chiến sĩ Sư đoàn 3 (Quân khu 1) hành quân dã ngoại. Ảnh | Trần Hải

Trong những năm tới, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường. Hòa bình, hợp tác, liên kết để phát triển vẫn là xu thế lớn, là dòng chính trong quan hệ giữa các quốc gia. Nhưng chủ nghĩa dân tộc cực đoan, xung đột cục bộ, sắc tộc, tôn giáo, tranh chấp lãnh thổ, tài nguyên là những thách thức lớn đe dọa sự ổn định và phát triển ở một số quốc gia, khu vực. Hợp tác, cạnh tranh, đấu tranh giữa các nước, nhất là giữa các nước lớn diễn biến ngày càng phức tạp, có nguy cơ gây mất ổn định trên quy mô toàn cầu. Tình hình an ninh khu vực xung quanh Việt Nam tiềm ẩn những nhân tố bất ổn. Tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp, khó lường, đe dọa nghiêm trọng đến an ninh, hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực... Những biến động làm tình hình thế giới và khu vực tạo nên một số khó khăn, phức tạp đối với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh, ổn định của Việt Nam.

Để bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong tình hình mới đòi hỏi Đảng và Nhà nước phải tăng cường QPAN. Dự thảo Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng cần bổ sung, nhấn mạnh một số nội dung sau:

Thứ nhất, về mục tiêu bảo vệ Tổ quốc, cần xác định rõ mức độ ưu tiên bảo vệ, theo đó, mục tiêu ưu tiên hàng đầu là lợi ích quốc gia - dân tộc. Đây là vấn đề cần phải xác định là mục tiêu cơ bản, lâu dài xuyên suốt đặt lên trên hết, trước hết. Tiếp đó là mục tiêu bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc và bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân, chế độ xã hội và nền văn hóa.

Trong tình hình thực tế hiện nay, có thể bổ sung thêm: "Bảo vệ vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế". Bởi lẽ, các thế lực thù địch được luôn tìm mọi cách để hạ thấp vị thế và uy tín của Việt Nam trong khu vực và quốc tế.

Cần khẳng định và xác định rõ mục tiêu, yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ các "dạng chủ quyền" và những lợi ích hợp pháp của Việt Nam ở Biển Đông, làm cơ sở để cụ thể hóa trong các Nghị quyết của Đảng, nhất là Chiến lược Biển, để nhân dân và lực lượng vũ trang của ta nhận thức đầy đủ, đúng đắn, tránh để các thế lực thù địch kích động, chống phá, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và các lợi ích của Việt Nam ở Biển Đông.

Thứ hai, về quan điểm, cần bổ sung quan điểm xác định rõ hơn vị trí, vai trò của từng nhiệm vụ chiến lược: xây dựng chủ nghĩa xã hội (CNXH) là nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu tạo cơ sở, nền tảng, nguồn lực vật chất - tinh thần quyết định thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa (XHCN); bảo vệ Tổ quốc XHCN là nhiệm vụ rất quan trọng, góp phần tạo môi trường hòa bình, điều kiện thuận lợi cho nhiệm vụ xây dựng CNXH.

Cần cụ thể hóa nội dung mối quan hệ giữa xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc XHCN trên các lĩnh vực đời sống xã hội: kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, QPAN, đối ngoại trong điều kiện tình hình thế giới, khu vực diễn biến hết sức nhanh chóng, phức tạp, khó lường.

Thứ ba, về phương hướng, nhiệm vụ, cần chú trọng nhấn mạnh: Kết hợp chặt chẽ hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc XHCN trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, chiến lược QPAN, bảo vệ Tổ quốc; trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, QPAN và đối ngoại; trong các vùng miền; trong từng nhiệm vụ, chương trình, đề án, dự án và kế hoạch cụ thể.

Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XII tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nêu rõ "Chủ động, tăng cường hợp tác và nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế về QPAN". Điều này phù hợp với chủ trương của Đảng: Chủ động và tích hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng. Mặt khác, tăng cường hợp tác, hội nhập quốc tế về QPAN là phù hợp xu thế hội nhập quốc tế về QPAN trên thế giới trong bối cảnh toàn cầu hóa.