Tưởng niệm Nishi - người bạn quý của khảo cổ học Việt Nam

NDO -

NDĐT - Trong dịp ngày sinh cố PGS, TS Khảo cổ học người Nhật Bản Nishimura Masanari, gia đình và những người bạn của ông đã hoàn thành cuốn sách “Nishimura Masanari Người bạn của Khảo cổ học Việt Nam” (Nxb Thế giới) như một lời tưởng niệm, tri ân người bạn quý của khảo cổ học Việt Nam và của cả nhân dân Việt Nam nói chung.

Nhà khảo cổ học Nishimura Masanari.
Nhà khảo cổ học Nishimura Masanari.

Một người bạn thân quý

PGS, TS Nishimura Masanari sinh ngày 9-12-1965, lớn lên tại thành phố Shimonoseki (tỉnh Yamaguchi, Nhật Bản) và tốt nghiệp Khoa Khảo cổ học, Trường đại học Tokyo. Năm 1990, lần đầu ông đến Việt Nam trong chương trình hợp tác giữa các nhà khoa học Nhật Bản và Viện Khảo cổ học Việt Nam, tham gia khai quật ở Làng Vạc (huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An). Từ đó, Nishimura Masanari gắn bó nghiên cứu ở Việt Nam qua nhiều dự án khảo cổ học và bảo tồn văn hóa. Ông đã trưởng thành về mặt khoa học tại mảnh đất này. Luận văn thạc sĩ Khảo cổ học của Nishimura là Các văn hóa Sơn Vi và Hòa Bình. Luận án Tiến sĩ của ông có đề tài: Nghiên cứu khảo cổ học đồng bằng sông Hồng, sông Mê Kông và sông Đồng Nai hoàn thành năm 2007 tại Đại học Tokyo. Bản luận án này được tu chỉnh, bổ sung và xuất bản thành cuốn sách Khảo cổ học và Cổ đại học ở Việt Nam.

Những người bạn Việt Nam thích gọi ông thân mật và ngắn gọn hơn: Nishi - thay vì tên và học vị đầy đủ. Thông thạo tiếng Việt, nụ cười luôn rộng mở, sảng khoái, Nishi tạo cho người đối thoại với ông ấn tượng thân thiện, gần gũi từ lần gặp đầu tiên. Cùng làm việc với Nishi, lâu dần, có nhiều lúc các cán bộ Việt Nam “quên mất” ông là người Nhật. Nishi đã là “một người Việt gốc Nhật” và coi Việt Nam như quê hương thứ hai của mình. Nishi, rồi sau đó là cả gia đình ông, đã gắn bó với Việt Nam. Hai đứa con của Nishi - Noriko lần lượt chào đời và lớn lên ở Việt Nam. Khi còn nhỏ, chúng mang những nick name Việt thật đễ thương: Shu “su” và Shu “hào”.

Tưởng niệm Nishi - người bạn quý của khảo cổ học Việt Nam ảnh 1

Bìa cuốn sách "Nishimura Masanari Người bạn của Khảo cổ học Việt Nam".

Nishi không chỉ là một nhà khảo cổ học Nhật Bản yêu quý Việt Nam và được nhiều nhà khảo cổ học Việt Nam yêu quý. Ông là một người bạn với nhân dân Việt Nam theo nghĩa rộng hơn. Không chỉ là một nhà nghiên cứu và bảo tồn văn hóa, nhiều năm sát cánh cùng các đồng nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực nhiều vất vả này, ông còn là một “đại sứ văn hóa”, mang văn hóa Nhật Bản đến với Việt Nam và văn hóa Việt Nam đến với Nhật Bản. Công trình Khảo cổ và cổ đại học Việt Nam của ông đã được nhận giải thưởng Sách nghiên cứu xuất sắc của Hội Sử học Đông - Nam Á (Nhật Bản) năm 2012.

Để lại nhiều thành tựu khoa học

Trong suốt 23 năm gắn bó với Việt Nam, Nishi đã nghiên cứu nhiều địa điểm khảo cổ học gắn với lịch sử văn hóa Việt Nam. Dấu chân của Nishi in trên nhiều di chỉ khảo cổ học ở Bắc Ninh, Cổ Loa, Huế, thành nhà Hồ, Đông Sơn, Gia Lâm, Ninh Bình, Quảng Ngãi... Ông có những phát hiện ghi dấu ấn trong khảo cổ học Việt Nam - được nhắc đến nhiều nhất là mảnh khuôn đúc trống đồng Đông Sơn ở di chỉ khảo cổ học Lũng Khê (huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) năm 1998. PGS Tống Trung Tín, nguyên Viện trưởng Viện Khảo cổ học Việt Nam, đánh giá: “Phát hiện này của TS Nishimura Masanari có giá trị rất lớn. Trước đây đã có lúc, có người cho rằng trống đồng ở Việt Nam có thể từ nơi khác truyền bá xuống vì chưa tìm thấy công cụ sản xuất ra trống đồng, tức là tìm thấy khuôn đúc, hay lò đúc... Mảnh khuôn Nishimura phát hiện được có giá trị rất lớn để khẳng định rằng trống đồng của người Việt xưa đã được sản xuất tại chỗ”.

PGS Nishimura Masanari còn góp nhiều công đào tạo. Ông đã thiết lập nhiều “chiếc cầu” học vấn cho sinh viên và nghiên cứu sinh khảo cổ học Việt Nam tìm kiếm cơ hội học tập từ các quỹ văn hóa, các trường đại học Nhật Bản. Nhiền cán bộ trẻ của Viện Khảo cổ học được Nishi đưa vào “Chương trình bồi dưỡng kỹ năng khảo cổ học cho các nhà khảo cổ học trẻ tại di chỉ Đông Sơn 2007 - 2010”. Nishi cũng là người sáng lập “Quỹ Bảo vệ Di sản Văn hóa dưới lòng đất Đông - Nam Á”.

Nishi còn cùng với TS Nishino Norico, người bạn đời của ông, xây dựng nhiều chương trình khảo cổ học cộng đồng. Vợ chồng ông đã cùng xây dựng Bảo tàng di tích lò gốm Đương Xá (Bắc Ninh), là bảo tàng cộng đồng đầu tiên ở Việt Nam. Năm 2011 - 2012, ông đưa Dự án Khảo cổ học cộng đồng về làng Kim Lan (huyện Gia Lâm, Hà Nội) và đã xây dựng được Nhà trưng bày gốm sứ và lịch sử xã Kim Lan (3-2012). “Bảo tàng cấp xã” đầu tiên ở đây là niềm tự hào lớn của nhân dân Kim Lan, khuyến khích cả cộng đồng cư dân bảo tồn, phát triển văn hóa nghề truyền thống của mình.

*

* *

Tai nạn bất ngờ ở Gia Lâm, sáng 9-6-2013, trên đường ông đi khảo sát chùa Dạm (Bắc Ninh) đã đột ngột cắt ngang hành trình nghiên cứu khảo cổ học, nghiên cứu, bảo tồn lịch sử - văn hóa của PGS, TS Nishimura Masanari. Đồng nghiệp, bạn bè sững sờ thương tiếc ông. Trong cuốn sách tập hợp nhiều ký ức về PGS, TS Nishimura Masanari, những người thầy, người bạn đồng nghiệp đã dành cho ông những lời trân trọng. Sinh thời, cố GS Phan Huy Lê viết: “Nhà khảo cổ học Nishimura đã để lại một hình ảnh vô cùng thân thương, quý mến trong ký ức của bạn bè Việt Nam”. Mọi người vẫn coi sự chia ly với Nishi chỉ là “tạm biệt” vì vẫn còn có thể gặp lại Nishi thân thiết và quý mến trên nhiều dấu ấn khoa học của ông còn để lại. Sau khi Nishi mất, gia đình đã hiến tặng Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn toàn bộ sách báo, bản đồ và tư liệu của ông. Tủ sách Nishimura Masanari ra mắt ngày 20-5-2017.

PGS, TS khảo cổ học Nishimura Masanari là nghiên cứu viên Đại học Kansai và Đại học Osaka; cộng tác viên nghiên cứu tại Viện Khảo cổ học Việt Nam; hội viên Hội Khảo cổ học Việt Nam; Ủy viên điều hành Hội Tiền sử Ấn Độ - Thái Bình Dương (IPPA).

Năm 2013, ông được Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam truy tặng Huân chương Hữu nghị vì “Đã có nhiều đóng góp tích cực trong ngành khảo cổ học Việt Nam, góp phần phát triển quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản”; được nhận Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội; được Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam truy tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp phát triển khoa học xã hội.