Lợi thế và thách thức

Cặp liên danh tranh cử G.Bai-đơn - C.Ha-rít đã được phe Dân chủ tại Mỹ xác nhận tuần trước. Tại đại hội đảng Cộng hòa khai mạc ngày 24-8, Tổng thống Đ.Trăm cũng chính thức chấp thuận đề cử, cùng Phó Tổng thống M.Pen-xơ tranh cử nhiệm kỳ thứ hai. Với cả lợi thế lẫn thách thức, các ứng cử viên đang đến gần “trận chung kết” trong cuộc đua gay cấn vào Nhà trắng.

Cuộc đua giành "ghế nóng" tại Nhà trắng tăng tốc sau các đại hội toàn quốc của hai đảng Dân chủ và Cộng hòa, hai phe phái chính trị lớn nhất và có đại diện thay nhau cầm quyền ở "xứ cờ hoa" kể từ thời lập quốc. Không chỉ nhằm chính thức trao "vé vàng" cho các ứng cử viên được lựa chọn đại diện đảng ra tranh cử các vị trí tổng thống và phó tổng thống, đại hội toàn quốc còn là dịp để các đảng giới thiệu định hướng chính sách trong nhiệm kỳ mới. Kỳ bầu cử năm 2020 tại Mỹ chứng kiến cuộc so kè giữa hai kế hoạch, đó là "Xây dựng lại tốt đẹp hơn" của ứng cử viên đảng Dân chủ, cựu Phó Tổng thống G.Bai-đơn và "Giữ cho nước Mỹ vĩ đại" của đại diện phe Cộng hòa, Tổng thống đương nhiệm Ð.Trăm.

Tuy nhiên, dịch Covid-19 đang làm thay đổi cách thức truyền thống trong các kỳ bầu cử tại Mỹ, cả trong việc vận động cử tri lẫn tổ chức các sự kiện giới thiệu ứng cử viên. Tương tự đại hội của phe Dân chủ, đại hội toàn quốc đảng Cộng hòa khai mạc ngày 24-8 cũng theo hình thức trực tuyến. Trong bốn tối thảo luận kéo dài đến ngày 27-8, đại hội xoay quanh chủ đề tôn vinh "câu chuyện vĩ đại của nước Mỹ", nhằm mục đích làm nổi bật "tầm nhìn" của Tổng thống Ð.Trăm về sự vĩ đại của nước Mỹ, như là "miền đất hứa, xứ sở anh hùng, vùng đất của cơ hội và đất nước vĩ đại". Chống dịch Covid-19, phục hồi kinh tế và ổn định trật tự là mục tiêu chính của phe Cộng hòa và cũng là nội dung nổi bật trong kế hoạch tranh cử "Giữ cho nước Mỹ vĩ đại" của Tổng thống Ð.Trăm.

Nếu đảng Cộng hòa chọn "câu chuyện vĩ đại" làm yếu tố cốt lõi trong tầm nhìn của nước Mỹ, thì phe Dân chủ lại tôn vinh mục tiêu đoàn kết trong kế hoạch "Xây dựng lại tốt đẹp hơn" của cựu Phó Tổng thống G.Bai-đơn, trong đó kêu gọi người dân gắn kết nhằm đưa Mỹ sớm ra khỏi tình trạng hỗn loạn và khủng hoảng hiện nay, từ đó xây dựng tương lai tốt đẹp hơn. Tại đại hội toàn quốc với chủ đề "Ðoàn kết nước Mỹ", diễn ra từ ngày 17 đến 20-8 vừa qua, đảng Dân chủ khẳng định ủng hộ kế hoạch của ứng cử viên G.Bai-đơn, nhất là mục tiêu thúc đẩy đầu tư, tạo việc làm, cải cách chính sách nhập cư, ứng phó biến đổi khí hậu...

Không chỉ là khác biệt về các "mũi nhọn" trong quan điểm chính sách giữa các ứng cử viên tổng thống, cuộc bầu cử lần này của nước Mỹ còn có nhiều điểm độc đáo, về thực trạng chính trị - xã hội của nước Mỹ, việc đề cử nhân sự và cả hình thức vận động cử tri. Những điểm đặc biệt đem đến lợi thế, song cũng tạo thách thức cho các đối thủ. Với Tổng thống Ð.Trăm, những thành tựu kinh tế nổi trội trong nhiệm kỳ đầu vừa qua là lợi thế quan trọng, giúp ghi "điểm cộng" trong hồ sơ tái tranh cử, song đang bị lu mờ bởi hệ lụy từ dịch Covid-19. Tăng trưởng kinh tế Mỹ xuống mức thấp nhất hàng chục năm qua, tỷ lệ thất nghiệp chạm đỉnh cao mới và Tổng thống Ð.Trăm đối mặt bài toán khó, vừa nỗ lực kiềm chế dịch bệnh, vừa thúc đẩy khôi phục kinh tế, trong khi tỷ lệ ủng hộ xuống thấp, do người dân không hài lòng về cách thức xử lý dịch Covid-19 của chính quyền. Trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành, nhóm tranh cử của Tổng thống Ð.Trăm vẫn duy trì hình thức "gõ cửa từng nhà" để vận động cử tri, thì phe cựu Phó Tổng thống G.Bai-đơn tận dụng hình thức trực tuyến, được nhiều người Mỹ ủng hộ và cho rằng có thể mở ra "kỷ nguyên mới" về vận động tranh cử.

Với ứng cử viên G.Bai-đơn, lợi thế quan trọng nhất là không khí đoàn kết nội bộ đảng Dân chủ, nổi bật hơn nhiều so các kỳ bầu cử trước đây. Việc lựa chọn liên danh với nữ nghị sĩ C.Ha-rít trẻ tuổi đem đến làn gió mới cho nỗ lực tranh cử của cựu Phó Tổng thống G.Bai-đơn, nhằm xóa mờ "điểm yếu" là ứng cử viên cao tuổi. Là phụ nữ gốc Á và da mầu đầu tiên trở thành ứng cử viên trong một kỳ bầu cử tại Mỹ, lại xuất phát từ nơi không phải "lãnh địa truyền thống" của phe Dân chủ, bà C.Ha-rít là "sự bổ sung tuyệt vời" cho ứng cử viên G.Bai-đơn. Ðiều này đồng nghĩa Tổng thống Ð.Trăm phải đối mặt với phe đối thủ mạnh hơn nhiều, cả về cương lĩnh tranh cử, lẫn sự thống nhất nội bộ.

Kinh tế trong nước vốn là chủ đề chi phối nhiều kỳ bầu cử tại Mỹ và không là ngoại lệ với cuộc bầu cử năm 2020. Ðiều này dễ hiểu, bởi mối quan tâm hàng đầu của cử tri Mỹ hiện nay là việc làm và chấm dứt dịch bệnh. Tuy nhiên, những "hồ sơ đối ngoại" còn dang dở, trong các vấn đề I-ran, Triều Tiên, hay mối quan hệ giữa Mỹ với các đồng minh NATO và đối tác châu Âu, Trung Ðông..., sẽ trở lại trong các cuộc tranh luận giữa các ứng cử viên trong chặng nước rút tới đây.