Bình luận quốc tế

Dai dẳng "ván cờ" Brexit

"Ván cờ" đàm phán hậu Brexit giữa Anh với Liên hiệp châu Âu (EU) tiếp tục diễn ra dai dẳng trong bối cảnh bất đồng giữa hai bên vẫn gay gắt và không bên nào chịu "xuống thang". Trong khi đó, phía Anh dường như đã chuẩn bị tâm thế để đón nhận kịch bản Brexit không thỏa thuận.

Anh và EU sẽ tiếp tục bước vào vòng đàm phán kế tiếp bắt đầu trong tuần này nhằm tìm kiếm một thỏa thuận tự do thương mại, thay thế cho các mối quan hệ đã thay đổi giữa hai bên do Brexit. Ðây là vòng họp trực tiếp đầu tiên giữa hai bên, kể từ khi xảy ra đại dịch Covid-19. Mặc dù chỉ còn vài tháng nữa là Anh và EU sẽ kết thúc thời kỳ chuyển đổi, mọi quan hệ giữa hai bên sẽ được xác lập trên một nền tảng mới hoàn toàn, nhưng sau nhiều vòng đàm phán trước đây, các nhà đàm phán của Anh và EU vẫn chưa thể thu hẹp những bất đồng quan điểm về các vấn đề lớn gồm đánh bắt cá, sân chơi bình đẳng, quyền cơ bản trong tư pháp hình sự và quản trị mối quan hệ đối tác trong tương lai.

Tại vòng đàm phán trực tuyến cách đây hai tuần, các lãnh đạo cấp cao của EU và Anh đã nhất trí sẽ "tiếp thêm động lực mới" cho các cuộc đàm phán thương mại hậu Brexit đang bế tắc. Trong tuyên bố chung đưa ra sau hội nghị, các nhà lãnh đạo Anh và EU cùng thống nhất hỗ trợ các kế hoạch "tăng tốc" đàm phán trong tháng 7 để có thể đi đến thỏa thuận trước cuối năm 2020. Tuy nhiên, với tình hình hiện tại, giới phân tích không lạc quan về việc hai bên đạt được bước tiến thực chất tại vòng đàm phán diễn ra tuần này, khi cả Anh và EU vẫn thể hiện lập trường cứng rắn.

Về phía EU, ngay trước vòng đàm phán mới, trong phát biểu trước Nghị viện châu Âu, Chủ tịch Ủy ban châu Âu U.Lây-en tuyên bố EU sẽ nỗ lực hết mình để đạt một thỏa thuận về mối quan hệ mới với Anh vào trước cuối năm nay, song sẽ không thỏa hiệp những tiêu chuẩn của mình để đạt được điều đó. Trước đó, trong phát biểu trên đài phát thanh Europe 1, Bộ trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu của Pháp A.Mông-cha-lin thừa nhận không loại trừ khả năng các cuộc đàm phán thương mại giữa EU và Anh kết thúc mà không có thỏa thuận nào dù đây là vấn đề lợi ích đối với Anh. Bà A.Mông-cha-lin cho rằng, phía Anh mới là bên cần một thỏa thuận vì nước này không thể chịu được cú sốc thứ hai sau đại dịch, ám chỉ nền kinh tế Anh đang lao đao do cuộc khủng hoảng Covid-19. Thủ tướng Ðức A.Méc-ken cho rằng, Anh sẽ phải "chấp nhận hậu quả" khi có mối quan hệ kinh tế yếu hơn với EU sau khi đã rời khỏi khối này.

Trong khi đó, phía Luân Ðôn tỏ ra không quá lo ngại về việc xảy ra "kịch bản Brexit cứng" (Brexit không thỏa thuận). Trưởng đoàn đàm phán Brexit của Anh Ð.Phrốt khẳng định trên trang Twitter cá nhân rằng Luân Ðôn sẽ không đồng ý với bất cứ đề nghị nào từ EU, cho khối này được quyền thay đổi mức thuế khi Anh có những thay đổi về luật pháp sau khi rời khỏi "mái nhà chung châu Âu".

Ông Ð.Phrốt nhấn mạnh "chúng ta không thể tự để ngỏ cho những rủi ro kinh tế không nhìn thấy trước được". Thủ tướng Anh B.Giôn-xơn trong phát biểu với người đồng cấp Ba Lan M.Mô-ra-vi-e-xki cuối tuần qua cũng thể hiện quan điểm cứng rắn rằng, Anh sẵn sàng cắt đứt mối quan hệ với EU nếu không đạt được thỏa thuận về tương lai mối quan hệ của hai bên. Theo đó, Anh không có một thỏa thuận thương mại toàn diện với EU. Hầu hết các giao dịch thương mại giữa hai bên sẽ tuân theo các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Phát ngôn này cho thấy, dường như Luân Ðôn đã chuẩn bị tâm thế sẵn sàng cho một kịch bản Brexit không thỏa thuận với EU.

Trong bối cảnh nêu trên, xem ra "ván cờ" đàm phán hậu Brexit giữa Anh và EU sẽ còn diễn ra dai dẳng. Trong trường hợp câu chuyện Brexit không thể kết thúc có hậu, đây sẽ là điều đáng tiếc với cả Anh và EU. Chưa kể, việc nước Anh rời khỏi "đại gia đình EU" mà không đạt thỏa thuận thương mại song phương có thể làm gia tăng các khó khăn kinh tế cho cả hai bên, trong bối cảnh kinh tế khu vực đã lún sâu vào suy thoái vì đại dịch Covid-19.