Quan tâm chất lượng nguồn nhân lực

Thành công trong việc kiểm soát dịch Covid-19 cộng với nỗ lực cải cách giúp Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn trong mắt nhà đầu tư nước ngoài. Việc phát triển nhân lực nhằm đáp ứng yêu cầu làn sóng dịch chuyển đầu tư nước ngoài đang được các chuyên gia lao động - việc làm quan tâm.

Chất lượng và hiệu quả của giáo dục nghề nghiệp có chuyển biến tích cực. Ảnh: HẢI NAM
Chất lượng và hiệu quả của giáo dục nghề nghiệp có chuyển biến tích cực. Ảnh: HẢI NAM

Chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động

Lần đầu tiên, Tiểu ban Giáo dục nghề nghiệp thuộc Hội đồng Quốc gia Giáo dục và phát triển nhân lực tổ chức Tọa đàm khoa học Phát triển nhân lực trong Giáo dục nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu làn sóng dịch chuyển đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Nhận định của các chuyên gia cho thấy các khu kinh tế có nhiều dấu hiệu khởi sắc hơn trong quý II và quý III - 2020. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng dương 2,93%, công nghiệp và xây dựng tăng 2,95%, dịch vụ tăng 2,93%. Các hoạt động kích cầu tiêu dùng, du lịch được triển khai mạnh mẽ, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 9-2020 tăng 2,9% so tháng trước,…

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đánh giá lao động Việt Nam có ưu điểm: Chất lượng và hiệu quả của giáo dục nghề nghiệp (GDNN) có bước chuyển biến tích cực; Kỹ năng nghề nghiệp của người tốt nghiệp các cơ sở GDNN đã được nâng lên. Ở nhiều nghề, kỹ năng nghề của lao động đã đạt chuẩn quốc tế; lao động qua đào tạo nghề nghiệp tham gia hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế và đã đảm nhận được các vị trí, công việc phức tạp mà trước đây phải do chuyên gia nước ngoài thực hiện; hơn 80% số người học nghề tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm ngay sau khi tốt nghiệp. 

Tuy nhiên, ông Đỗ Văn Sử,  Phó Cục trưởng Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đánh giá, chúng ta cũng có những hạn chế là chất lượng, hiệu quả đào tạo của nhiều cơ sở GDNN chưa đáp ứng được yêu cầu; chưa gắn bó hữu cơ với nhu cầu nhân lực của từng ngành, lĩnh vực cụ thể và yêu cầu của đổi mới cơ cấu kinh tế - xã hội. Việc chuẩn bị đào tạo nhân lực đáp ứng yêu cầu của cuộc CMCN 4.0 còn có những khó khăn và chưa triển khai được nhiều; mạng lưới cơ sở giáo dục nghề còn bất cập về phân bố giữa các vùng miền, ngành nghề, trình độ đào tạo; quy mô nhỏ.

Bà Trần Thị Lan Anh, Phó Tổng thư ký kiêm Giám đốc Văn phòng Giới và sử dụng lao động (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) chia sẻ, theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP Hồ Chí Minh, nhu cầu về nguồn nhân lực tại các doanh nghiệp hiện nay đang phát triển theo hướng thu hút nhân lực có trình độ cao, nhân lực qua đào tạo chiếm đến 82,92%. Trong đó, nhu cầu nhân lực có trình độ đại học trở lên chiếm 12,46%, cao đẳng chiếm 17,04%, trung cấp chiếm 26,04%, sơ cấp nghề - công nhân kỹ thuật lành nghề chiếm 27,38%.

Bà Lan Anh cũng nhấn mạnh, thực tế chúng ta chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động và hội nhập. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy ngành nông nghiệp, lâm nghiệp có tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo là cao nhất trong các ngành, chiếm 34,5% tổng số lao động của ngành. Một số ngành khác như du lịch, thủy sản, tình trạng lao động chưa qua đào tạo hoặc trình độ thấp còn chiếm tỷ lệ cao. 

Thêm sức ép cạnh tranh

Phát biểu ý kiến tại Tọa đàm, Tổng cục trưởng GDNN (Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội) Trương Anh Dũng đề cập các kỹ năng, nhóm kỹ năng nhà tuyển dụng quan tâm trong 5 năm tới. Đó là các tư duy phản biện, phân tích, giải quyết vấn đề và các kỹ năng trong quản lý bản thân như học tập tích cực, khả năng phục hồi, chịu đựng áp lực công việc và sự linh hoạt.

Báo cáo Tương lai việc làm của Diễn đàn kinh tế thế giới tháng 10-2020 cho thấy, đại dịch Covid-19 gây ra suy thoái kinh tế toàn cầu đã tạo ra một bức tranh không mấy triển vọng cho thị trường lao động trong thời gian tới. Số lượng việc làm mất đi sẽ vượt qua số lượng “việc làm của tương lai” được tạo ra. Đáng quan tâm, lao động mới trong tương lai được dự báo sẽ bị thiếu hụt về kỹ năng khi nhu cầu về kỹ năng công việc thay đổi. “40% số DN được khảo sát cho biết họ sẽ giảm lực lượng lao động do tích hợp công nghệ, 94% các lãnh đạo DN báo cáo rằng họ mong đợi nhân viên có thêm các kỹ năng mới, tăng mạnh so mức 65% vào năm 2018”, ông Dũng cho biết.

Thành công trong kiểm soát dịch Covid-19 cộng với nỗ lực cải cách giúp Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn trong mắt nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, việc chạy đua thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) từ các quốc gia khác trong khu vực đang tạo sức ép cạnh tranh lớn chưa từng có đối với chúng ta. Các chuyên gia kinh tế nhận định có năm lĩnh vực các tập đoàn có xu hướng dịch chuyển vào là công nghệ thông tin và công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ, thiết bị điện tử, thương mại điện tử và logistics, hàng tiêu dùng và bán lẻ.

Tổng cục trưởng Trương Anh Dũng nhấn mạnh, cần phải có các giải pháp chuẩn bị nhân lực có kỹ năng nghề để vừa góp phần “dọn tổ” đón cả “đại bàng” và “chim sẻ”, chào đón làn sóng dịch chuyển đầu tư, vừa tranh thủ thời cơ dân số vàng, thích ứng với cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số và hội nhập quốc tế góp phần tăng năng suất lao động và nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia.