Khách quốc tế “nghe” lúa Hội An tháng 10

Tháng 10, vụ mùa trên cánh đồng bên ngoài phố cổ Hội An đã gặt xong, lúa trên đồng đã hết nhưng nhiều người nước ngoài mới tới hoặc cư trú vài tháng đến vài năm ở đây. Họ muốn đi dạo trên những cánh đồng ấy.

Khách du lịch nước ngoài đạp xe quanh những cánh đồng Hội An.
Khách du lịch nước ngoài đạp xe quanh những cánh đồng Hội An.

“Lúa gặt rồi còn để lại rơm thơm”

Những ngày trước, khi tôi đi ngang qua cánh đồng này cũng bắt gặp từng đoàn người nước ngoài đạp xe đạp vòng vèo trên những cánh đồng ngoại ô phố cổ. Và rất ít gặp đoàn người đi bằng xe máy trên cánh đồng này. Nghĩ rằng, họ đang đi về những ngôi làng nằm trong lũy tre xa xa, ở đó có villa, homestay... mà họ đã thuê ở trong kỳ nghỉ.

Và hôm nay, một ngày tháng 10, thời tiết chuyển dịch, mấy đêm liền ở Hội An đều có mưa nhỏ. Cơn mưa ngắn ngủi xuất hiện như không muốn ai biết rồi tạnh cũng không cần ai hay. Buổi sáng, thường lệ, tôi chạy về bên Đà Nẵng làm việc. Đã lâu, tôi không đi trên con đường bê-tông chạy dọc con mương dẫn nước tưới tiêu cắt qua những cánh đồng, đó là lối đi tắt nhưng vào mùa gặt, xe với lúa ngổn ngang, mình mắc kẹt ở đó. Đêm qua trời mưa, khiến cho sáng nay tôi “bắt” qua đường đó. Tôi muốn thoát khỏi lối đi thường xuyên, lặp lại đến chán mắt. Cảm nhận của tôi không phải hình ảnh những con cò trắng đứng cạnh đàn trâu ăn cỏ, nhằn gốc rạ trên đồng. Mà hình ảnh con đường bê-tông, chỗ khô đã chuyển sang mầu trắng, chỗ ướt thì xanh sẫm loáng thoáng như mây nhẹ vờn bay trên trời. Tôi dừng xe lại, châm một điếu thuốc, ngắm con đường bê-tông ở dưới chân mình.

Hai người nước ngoài đi bộ tới, khi ngang qua tôi, họ đã chủ động chào mình. Tôi cũng chào lại họ, hỏi họ từ đâu đến, tại sao lại đi bộ trên cánh đồng này. Họ nói từ nước Úc, đã ở đây ba tháng, mấy hôm nay họ không thấy máy móc trên đồng. Họ nghĩ đã thanh bình và họ đã cùng nhau đi bộ trong một buổi sáng mai ở đây: “Chúng tôi đã đi hơn một giờ rồi”, người phụ nữ nói. Câu cuối cùng, sau một nụ cười rất mãn nguyện của một người phụ nữ luống tuổi: “Beautiful country. Beautiful field (Quốc gia đẹp. Cánh đồng đẹp)!”. Tôi nghe và ngạc nhiên.

Tôi ngạc nhiên trên cả hành trình chạy từ Hội An về Đà Nẵng. Lâu lắm, có lẽ tôi và nhiều người đã mất đi cái cảm giác ngắm nhìn cánh đồng. Và cũng từ lâu, mỗi lần đi đến vùng biển, vùng núi, thung lũng, hoặc một miền đá thấp, đá cao lô nhô... khiến ta nhướn lông mày. Nhưng cánh đồng liền kề, một ánh mắt dịu dàng vừa đủ để quan sát, thu nạp. Ở đó, nơi nách rạ, một mầm lúa non đang lên. Một hạt lúa rơi bên bờ, cây mạ trồi ra trong cỏ. Vài bông hoa muống nước, dăm bảy cụm sen ngóc đầu từ ruộng sâu... Nó sẽ có cơ hội tỏa sáng vì cánh đồng đang nghỉ ngơi chờ mùa năm tới. Đó, thân thuộc nhưng đã bẵng đi khá lâu và hôm nay, trong một sáng này đã trở về.

Đồng quê, nơi ta đã biết...

Trong một không gian không có những dãy phố dày, quán xá, nhà nhà, người người... ồn ã. Không gian đó, không xa lắm, và người nước ngoài được tận mắt thưởng ngoạn xứ sở làm ra lúa gạo, xuất khẩu phở... Nó là cánh đồng với một tầm ngắm chưa dài đã chạm vào lũy tre. Andrew Maiton, người Scotland, cư trú ở Hội An hơn hai năm cho biết: “Trước, tôi thuê nhà trên đường ven biển Nguyễn Phan Vinh. Một năm ở đó, tôi chỉ cảm nhận cánh đồng trồng ra hạt gạo bằng những lần đi ngang qua. Rồi tôi chán chỗ đó. Về thuê nhà trong xóm này (đường DX 19, phường Cẩm Thanh) ở một năm. Ngõ hẹp chỉ đi lọt một chiếc xe hơi bốn chỗ. Sau nhà tôi là cánh đồng. Rất đẹp. Một năm có hai lần thay đổi, lặp lại công việc trồng cây lúa. Mỗi khi thấy họ lao động gần mình, tôi gọi chào, họ chỉ cười thôi”.

Trên thực tế, khi nhắc đến du lịch ở Hội An, thông thường, nói đến phố cổ, chùa Cầu, sông Hoài, đèn lồng, rừng dừa Bảy Mẫu, biển Cửa Đại, Cù Lao Chàm, làng gốm, làng mộc, làng rau... Những cánh đồng lúa liền kề nó có thật nhưng từ lâu nó đã trở nên không có thật, không có được điểm danh trong những bài viết về du lịch. Nếu ở đây, chứng kiến thì biết, các cánh đồng bên rìa phố cổ được khách du lịch quốc tế ghé thăm cũng khá nhiều. Cánh đồng không phải nơi bán vé như ruộng hoa, vườn cây ăn trái... nó mặc định một nơi đi đến, dừng chân, ngắm lúa thấy làng, theo đó chúng ta không nhìn thấy lợi nhuận. Các đơn vị du lịch cũng thiết kế chương trình nửa ngày hoặc một ngày đạp xe trên cánh đồng. Vậy nhưng, đôi khi khách tự đi đến đó trong sự tình cờ hoặc tìm hiểu. Như vậy, từ cánh đồng không có tên cũng mang lợi nhuận nằm ở sự lưu trú dài ngày ở địa bàn.

Taylor, người Canada, học kinh tế, mới ra trường và sang Việt Nam chơi với bạn Andrew Maiton. Taylor ở Hội An một tuần, nói rằng: “Một đất nước nhiệt đới, nó khác với đất nước chúng tôi nhiều lắm. Nó nóng”. Hỏi Taylor, bạn đã đi đến những chỗ nào trong những ngày ở đây? Taylor khoe: “Đi chơi trên cánh đồng. Tôi đã được biết cây lúa. Ở cánh đồng, nó nóng bức nhưng cũng có gió mát. Tôi chưa có việc làm ở Canada. Nhưng đến đây, nhìn những người lao động trên cánh đồng, tôi nghĩ, công việc do mình tạo ra chứ. Vậy đó, tôi đã tìm được lý giải cho mình sau một ngày đạp xe loanh quanh đồng ruộng”.

Ai cũng mang theo ký ức đồng làng

“Đi thăm đồng”, đó là một cụm từ mà khi còn nhỏ ở quê, tôi vẫn nghe những người lớn nói. Nhưng với thời gian thoát ly khỏi quê, mùa vụ, động từ “đi thăm” đã chuyển hóa với một đối tượng cụ thể là con người. Đi thăm người ốm, thăm nhà bạn... Từ cánh đồng sau mùa gặt ở Hội An, gặp những người nước ngoài hớn hở đạp xe, đi bộ trên các con mương, bờ ruộng, đánh thức tôi trở về với một quá khứ chưa xa. Đó là hình ảnh, cứ bốn, năm giờ chiều lại thấy thấp thoáng người đi bộ ra cánh đồng. Họ đi như một lời hẹn với thửa ruộng của mình, một vài so sánh với ruộng của hàng xóm và nếu có tiện mồm hỏi, vẫn một câu đáp lại ngắn gọn “đi thăm đồng”!

Đồng lúa hiện giờ không được ngợi ca vì thu nhập sau mỗi mùa vụ, tính ra, tính vào bao nhiêu thua, thiệt. Xu hướng chung của giới trẻ nông thôn “ly dị” khỏi cánh đồng theo cả nghĩa đen lẫn bóng, nguyên nhân cũng chỉ vì thu nhập. Nhưng đã ra khỏi làng quê ai cũng mang theo ký ức đồng làng. Những người luống tuổi, nhớ lại cánh đồng về thời khốn khó, bữa ăn thiếu thực phẩm, mang giỏ ra đồng bắt cua, mò ốc, tát ruộng trũng. Bữa cơm gạo mới với những hoài niệm ngọt ngào sau giọt mồ hôi.

Có một lần tôi đi học nghe, học nói tiếng Anh với người nước ngoài ở Hội An. Bữa đó, một cậu thanh niên ngoài hai mươi tuổi, được người nước ngoài hỏi thích ăn thức ăn gì mỗi ngày? Họ hỏi và đưa ra đáp án: cơm, bún, phở... Cậu thanh niên trả lời rằng, cậu thích ăn pizza! Tôi ngạc nhiên, hỏi lại rằng, bạn muốn phát âm từ đó để Tây nghe và chỉnh cho chuẩn? Bạn ấy lắc đầu về câu hỏi của tôi và xác nhận với người nước ngoài rằng, bạn ấy ăn pizza mỗi ngày. Nghe vậy, tôi lẩm cẩm tính toán rằng, một cái bánh pizza ở nhà hàng có giá từ 90 đến 300 nghìn đồng. Rẻ nhất, đến siêu thị Bic C với giá 19 nghìn đồng một chiếc. Vậy, thu nhập của bạn ấy “khai báo” chỉ đủ tiền ăn pizza siêu thị hoặc hòa bột mì đổ lên chảo... Nhưng, dù giải pháp nào cũng khó tin! Còn tôi và bao nhiêu người khác lớn lên từ hạt cơm, khi từ giã cuộc đời là lúc không còn khả năng ăn cơm nữa. Như một triết lý của người mẹ nông thôn “chỉ có hạt cơm thương mình”.

“Không ai thương mình bằng hạt cơm”.
Và cánh đồng ùa về trong thực tại và cả miền ký ức.