Đau đáu đất đào mới

Gió tạt từ sông Hồng vào từng đợt càng làm giá hơn cái lạnh giữa đông. Tuy vậy, trên cánh đồng đào Tết ở xã Vân Tảo, huyện Thường Tín, Hà Nội lại nhộn nhịp hẳn khi xuất hiện nhiều thương lái, khách chơi đào sớm. 

Ông Bổn đang chăm sóc cây đào trắng kép dáng ngũ phúc để phục vụ Tết.
Ông Bổn đang chăm sóc cây đào trắng kép dáng ngũ phúc để phục vụ Tết.

Làng đào non trẻ

Chúng tôi xuôi về phía nam Hà Nội chừng 15 km để về làng trồng đào lớn nhất ngoại ô. Những ruộng đào ven tỉnh lộ 427 (hướng đi ra sông Hồng) có nhiều cây đã điểm hoa, nhìn về phía xa, một dải ruộng bạt ngàn trồng đào đang trực chờ bung sắc ngày Tết.

Ông Nguyễn Văn Bổn (thôn Nội Thôn, xã Vân Tảo) vừa tuốt lá đào vừa kể cho chúng tôi, nghề trồng đào ở đây mới có chừng hơn 30 năm nay nhưng trước đó đất này đã nổi tiếng với nghề trồng cây cảnh. Một số hộ lấy giống ở Nhật Tân về trồng, hợp đất hợp người, đào lên đẹp thế là mọi người bảo nhau chuyển đổi sang trồng đào cả. Dần dần, các làng lân cận như Đông Thai, Nỏ Bạn, Vân Hòa cũng trồng theo. Ngay cả đến các làng Kỳ Dương, Chương Lộc (xã Chương Dương) lân cận cũng bắt đầu chuyển đổi sang trồng đào Tết.

Nhưng ông Bổn cũng cười, lắc đầu: “Lấy công làm lãi thôi! Tôi trồng gần hai mẫu đào, trừ chi phí đi thì lãi được khoảng 300 triệu đồng một năm, chia cho hai  nhân công, tính ra mỗi năm một người được khoảng 150 triệu đồng. Đấy là năm đào cho lộc, chứ mưa nắng thất thường, lụt như năm ngoái thì có mà công không”.

Được biết, trước đây, các làng của xã Vân Tảo chủ yếu trồng hành và các loại rau ngắn ngày, đến nay đất canh tác của xã có 400 mẫu thì có hơn 200 mẫu trồng đào. Một số ít trồng cây cảnh, hoa cảnh, trong đó làng Nội Thôn đã được công nhận là làng nghề trồng hoa cây cảnh của huyện Thường Tín nhiều năm trước.

Ông Bổn dẫn chúng tôi đi tham quan khắp vườn đào rộng gần hai mẫu của gia đình. Đào được nhà ông trồng nhiều nhất là đào trắng kép và đào đen kép, loại kép cho nhiều hoa hơn loại đơn nên được người dân ưa chuộng sử dụng. “Làng đào ở Vân Tảo tuy không lâu năm bằng Nhật Tân nhưng giờ đây kỹ thuật trồng người dân đã nắm khá vững, chúng tôi có thể tự chiết cành, tạo xương cây, uốn cây bon-sai và điều chỉnh được tương đối thời gian nở hoa, chỉ có điều thương hiệu chưa có, ít người biết đến. Thậm chí, một số nhà vườn ở Nhật Tân nhập đào ở Vân Tảo về bán, vì ở đó thị trường và thương hiệu tốt hơn vùng ngoại ô”, ông Bổn cho biết.

180 ngày công và 300 nghìn đồng

Không chỉ đất Vân Tảo hợp với trồng đào, mà nhiều năm nay, các làng lân cận dọc đê sông Hồng phù sa màu mỡ cũng bắt đầu trồng đào Tết. Chúng tôi tới vườn đào hơn một mẫu của ông Thông (thôn Kỳ Dương, xã Chương Dương), người được mệnh danh là “bàn tay tài hoa” của mấy làng đào lân cận.

Tuy mới có “thâm niên” trồng đào… bốn năm nhưng vườn đào nhà ông Thông mấy năm luôn nở đẹp nhất, đông khách “ô-tô” về xem, mua trước Tết. Trước đây, vườn đào của ông Thông là bạt ngàn chuối tây. Làm chuối vất vả nhất là khi thu hoạch, có những buồng chuối hơn hai chục cân, tuổi thì già ông Thôn không làm nổi, con cái chẳng ai ở nhà theo nghề nông. “Chuyển sang trồng đào có vẻ nhẹ nhàng hơn nhưng lo nghĩ nhiều hơn, mất ngủ nhiều hơn. Mỗi cây đào cần ít nhất 180 ngày công chăm sóc, trừ tiền phân bón, giống, tiền sản lượng, hệ thống tưới tiêu… thì lãi mỗi cây được 300 nghìn đồng. Mà lại mất hai năm đầu từ xương thành cây, tính ra bốn năm trồng đào mới có thu được hai năm nay mà chưa để ra được cái gì”, ông Thông cho biết.

Theo ông Thông và một số chủ vườn ở Vân Tảo: Trồng đào không hẳn không có lãi hay khó làm giàu, nhưng hiện có một số điều kiện chưa tốt để người dân không thu được tối đa lợi nhuận từ đào. Thứ nhất, đào Vân Tảo chưa có được thương hiệu như đào Nhật Tân, cho dù hiện nay diện tích và độ đẹp không hề kém cạnh. Khách “sành, sỏi” về đào chưa tìm về Vân Tảo mua đào mà luôn ý niệm đào Nhật Tân hàng đầu, về đó không có mới đi tìm chỗ khác. Thứ hai, trong nội thành Hà Nội có các điểm, bãi bán đào tập trung, nông dân trồng đào có thể mang trực tiếp đến bán, còn ở vùng ngoại ô, người trồng chỉ mang ra dọc đường bán rồi phải nộp các loại phí không tên khá cao. Hầu hết, nông dân ở đây đều phải qua hai ba lần thương lái mới đưa được đào đến nhà người dân, nên chưa thể giàu lên từ đào.

Anh Nguyễn Văn Thạo, xóm Vân Hòa (xã Vân Tảo) thì cho biết thêm: Người ta mua đào mấy chục triệu đồng ở đâu chứ ở Vân Tảo này thì rẻ bằng một nửa, khoảng ba triệu đồng là có được một cây đào dáng ngũ phúc, trắng kép, nở đúng Tết mang đến tận nhà. Năm nay, có quy định cấm chặt đào rừng thì những nhà vườn đang có gốc đào rừng, kỹ thuật ghép tốt có lẽ sẽ bội thu, ở đây giống gì cũng có chỉ có đào phai là ít hơn vì chủ yếu phục vụ trong đình, chùa. Chúng tôi nông dân chỉ mong đào đẹp đến với nhà nhà với giá cả hợp lý nhất.