Chính sách bảo hiểm xã hội cần linh hoạt

Dịch Covid-19 kéo dài khiến một bộ phận không nhỏ người lao động (NLĐ) “dứt áo” nhận chế độ Bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần để trang trải cuộc sống. Điều này, ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi của họ khi về hưu và trước mắt là chính sách an sinh xã hội. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đã đề nghị xây dựng Luật BHXH sửa đổi. Theo đó, đưa ra nhiều giải pháp nhằm giải quyết tình trạng nhận chế độ BHXH một lần đang gia tăng, thu hút NLĐ tham gia BHXH.

Tư vấn về các chính sách bảo hiểm cho người dân. Ảnh: TTXVN
Tư vấn về các chính sách bảo hiểm cho người dân. Ảnh: TTXVN

Gia tăng số người hưởng BHXH một lần 

Đầu tháng 4, anh Nguyễn Văn Trung trú tại phố Nguyễn Văn Huyên (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cùng nhiều lao động xếp hàng tại Bộ phận một cửa, BHXH quận để làm thủ tục đăng ký hưởng BHXH một lần. Nhiều người đã nghỉ việc một năm do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nay đều muốn nhận BHXH một lần để trang trải cuộc sống. 

Anh Trung làm thợ sửa chữa máy may công nghiệp tại một doanh nghiệp (DN) dệt may đã 9 năm. Anh định dùng 70 triệu đồng hưởng BHXH một lần để kinh doanh tự do. Tuy nhiên, sau khi được tư vấn, anh suy nghĩ lại và tiếp tục tham gia BHXH để được hưởng các quyền lợi sau này, như có thu nhập hằng tháng từ lương hưu và được cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) để chăm sóc sức khỏe khi về già. Thế nhưng, những người tiếp tục như anh Trung không nhiều.  

Một cán bộ ở quận cho biết, chúng tôi luôn tư vấn cho NLĐ tiếp tục tham gia BHXH, từ lúc tiếp nhận, xử lý đến lúc ban hành Quyết định hưởng BHXH một lần. Nhưng không phải quá trình tư vấn nào cũng hiệu quả. Thí dụ, có NLĐ đã đóng BHXH 17 năm sáu tháng nhưng gia đình có người bị bệnh hiểm nghèo, chi phí lớn, không biết trông cậy vào đâu… Những lý do như thế, những người làm chính sách như chúng tôi thật sự cảm thấy rất “tiếc nuối” cho NLĐ và buồn!

Theo thống kê của BHXH Việt Nam, số NLĐ nghỉ hưởng BHXH một lần đang có xu hướng gia tăng qua các năm. Giai đoạn 2016 - 2020, tốc độ tăng trung bình mỗi năm khoảng 9%. Đặc biệt, riêng trong ba tháng đầu năm 2021, số NLĐ nhận BHXH một lần tiếp tục tăng nhanh, với 226.503 người, tăng hơn 20,5% so cùng kỳ năm 2020. 

TS Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Công nhân và Công đoàn - Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phân tích: “Khi nhận BHXH một lần, NLĐ sẽ thiệt thòi rất nhiều. Vì người tham gia BHXH khi hưởng lương hưu, được hưởng rất nhiều quyền lợi. Đó là quyền hưởng chế độ BHYT và nhận lương hưu hằng tháng khi không còn sức lao động. Nếu không may bị bệnh, không có thẻ BHYT, họ còn phải đối mặt nguy cơ không chi trả nổi chi phí khám, chữa bệnh chỉ sau một lần mắc bệnh. Nếu nằm viện thời gian dài, có thể phải đối mặt với tình trạng nghèo đói, kiệt quệ, trở thành gánh nặng cho con cháu và xã hội. Chưa kể có những người đang hưởng lương hưu khi qua đời, nếu có thân nhân đủ điều kiện sẽ được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng”.

Dù đã triển khai nhiều biện pháp tuyên truyền, nâng cao hiểu biết của người dân về quyền lợi lâu dài khi tham gia BHXH, nhưng các đơn vị BHXH địa phương gặp không ít khó khăn để hạn chế tình trạng này. Theo BHXH tỉnh Hải Dương, trung bình mỗi năm, BHXH tỉnh giải quyết khoảng 8.000 trường hợp hưởng BHXH một lần. Nguyên nhân, theo lý giải của cơ quan BHXH, chủ yếu do dịch Covid-19 khiến DN gặp khó khăn, nhiều LĐ phải nghỉ việc. Nhiều NLĐ đã nghỉ đủ 12 tháng, nên làm thủ tục đề nghị hưởng BHXH một lần để có một khoản tiền trang trải cuộc sống hiện tại. 

Chính sách lương hưu còn thiếu tính chia sẻ

Theo BHXH Việt Nam, trong 5 năm thực hiện Luật BHXH, cứ hai người mới tham gia BHXH thì lại có một người rời khỏi hệ thống. Đây là tỷ lệ khá lớn so nỗ lực phát triển đối tượng BHXH. Tính đến năm 2020, mới chỉ có gần 33,5% lực lượng LĐ trong độ tuổi tham gia BHXH. Mục tiêu đã đặt ra theo Nghị quyết số 28-NQ/T.Ư về cải cách chính sách BHXH là đến năm 2030 phải có khoảng 60% lực lượng LĐ trong độ tuổi tham gia BHXH. 

Mới đây, trong Dự thảo Tờ trình đề nghị xây dựng Luật BHXH sửa đổi, Bộ LĐ-TB&XH đã chỉ ra nhiều bất cập về chính sách BHXH. Đó là, quy định điều kiện về thời gian tối thiểu được hưởng lương hưu quá chặt chẽ, dẫn đến số người tham gia rời bỏ hệ thống BHXH trước tuổi nghỉ hưu khá lớn. Tỷ lệ hưởng lương hưu trên số năm đóng góp của Việt Nam hiện nay là khá cao. Theo quy định của Luật BHXH thì điều kiện hưởng BHXH một lần khá dễ dàng: Sau một năm không làm việc, không tham gia BHXH là NLĐ có thể hưởng BHXH một lần với mức hưởng bằng 1,5 tháng lương cho mỗi năm tham gia BHXH trước năm 2014 và hai tháng lương cho mỗi năm tham gia sau đó. Như vậy, với mức đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất 8% tiền lương từ phía NLĐ, một năm đóng 0,96 tháng lương, thì việc hưởng hai tháng lương khi nhận BHXH một lần được xem như có lãi. Cùng với đó, việc phải chờ đợi quá lâu để hưởng hưu trí sẽ khiến NLĐ mong muốn được nhận BHXH một lần để đáp ứng các nhu cầu trước mắt. 

Từ thực trạng đó, Bộ đã đề xuất giảm thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu hay siết chặt các quy định hưởng BHXH một lần, từng bước gia tăng số NLĐ tham gia BHXH. Cụ thể, sẽ rút ngắn thời gian đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, hướng tới còn 10 năm. Có ý kiến cho rằng, khi rút ngắn thời gian đóng còn 15 năm hay 10 năm thì mức hưởng sẽ giảm đi, lương hưu vì vậy rất thấp. Nhưng như nhận định của nguyên Thứ trưởng LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân, thì dù sao cũng hơn là để cho NLĐ hưởng BHXH một lần. Về lâu dài, nên khuyến khích NLĐ đóng tích lũy nhiều năm để sau này hưởng mức lương hưu cao hơn.

Bên cạnh đó, việc siết chặt các quy định hưởng BHXH một lần là rất cần thiết. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, cần cân nhắc kỹ lưỡng và tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp. Theo ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Quan hệ lao động Tổng LĐLĐ Việt Nam, đa số NLĐ rất khó khăn nhưng để đạt được mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội lâu dài thì NLĐ phải hướng tới BHXH hưu trí. Do vậy điều kiện, quy định về nhận BHXH một lần cần phải siết chặt. 

Theo ông Quảng, chính sách hưu trí hiện nay còn nặng về nguyên tắc đóng - hưởng nhưng thiếu chú ý đến nguyên tắc chia sẻ.  Thực tế, khoảng cách chênh lệch giữa người có mức lương hưu cao nhất và người có mức lương hưu thấp nhất là rất lớn. Đa phần, những người rút BHXH một lần thường có tiền lương đóng BHXH rất thấp. Vậy cần chia sẻ giữa người có mức lương cao và thấp để thu hẹp khoảng cách về thu nhập giữa các nhóm lao động. 

Chính sách bảo hiểm xã hội cần linh hoạt -0
Người lao động tìm hiểu các chính sách và quyền lợi về bảo hiểm xã hội. Ảnh: HẢI NAM

Hoàn thiện chính sách để giữ chân NLĐ

Bác Nguyễn Trọng Khôi (70 tuổi) cán bộ hưu trí ở phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy cho biết, với mức lương hưu năm triệu đồng, cuộc sống hằng ngày của bác không phải phụ thuộc vào con cái. Đặc biệt, tấm thẻ BHYT đã giảm gánh nặng chi phí hằng tháng cho bác. “Tháng nào, tôi cũng thăm khám tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, có những xét nghiệm đến tiền triệu. Nhưng có thẻ BHYT, tôi chỉ phải chi trả 5% chi phí thôi”. Nhiều người cao tuổi khác khi được hỏi, đều rất an tâm với chế độ hưu trí khi tham gia  BHXH. 

Theo số liệu của BHXH Việt Nam, hiện số người sau độ tuổi nghỉ hưu chưa thuộc diện bao phủ của chế độ BHXH hay một tầng an sinh nào khác là gần 65%. Các chuyên gia nhận định rằng, cần phải giảm tỷ lệ này để tránh áp lực lên hệ thống an sinh xã hội trong tương lai. Do đó, việc điều chỉnh các quy định trong Luật BHXH phải theo hướng linh hoạt, đa dạng, hợp lý để khuyến khích người dân tham gia. Khi người dân thấy được những lợi ích lâu dài, thiết thực của BHXH thì họ sẽ tham gia và quyết định ở lại hệ thống.

Một thực tế khác cho thấy, nhận ra sự cần thiết của các chế độ an sinh khi về già, nhiều người dân không có việc làm ổn định, hay những NLĐ không có hợp đồng lao động, đang tham gia BHXH tự nguyện ngày càng tăng. Theo thống kê của BHXH Việt Nam, năm 2020 số người tham gia BHXH tự nguyện trên cả nước đạt gần 1,1 triệu người - tăng 494 nghìn người, gần gấp đôi so năm 2019.

Như vậy, bên cạnh việc điều chỉnh các quy định hiện hành, hoàn thiện chính sách BHXH là cần thiết để giữ chân NLĐ trong hệ thống nhằm bảo đảm mục tiêu an sinh xã hội.