Thi đua cần thiết thực

200 ngày qua, TP Hồ Chí Minh đã sôi nổi triển khai hàng loạt phong trào thi đua (PTTĐ), chào mừng Đại hội Đảng bộ các quận, huyện và Đại hội đại biểu Đảng bộ TP Hồ Chí Minh lần thứ XI nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Người dân tham gia trồng cây bảo vệ môi trường tại quận Bình Thạnh.
Người dân tham gia trồng cây bảo vệ môi trường tại quận Bình Thạnh.

Nỗ lực vượt khó

Sự kiện 200 ngày thi đua được Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh triển khai từ những ngày đầu tháng 3, chia thành ba đợt. Đồng chí Lý Tấn Hòa, Phó Bí thư Thường trực Quận ủy quận 4 cho biết: Tại quận 4, các cơ quan, đơn vị đăng ký 32 mô hình thi đua (10 công trình cấp thành phố; 22 mô hình cấp quận).

Mặc dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng các đơn vị đã cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu, mô hình đã đăng ký với thành phố. Tiêu biểu như: 15/15 phường đạt tiêu chí về vệ sinh môi trường, chỉnh trang đô thị, phát triển giao thông, giảm ngập nước... Kết thúc đợt thi đua, Quận ủy 4 đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục duy trì kết quả các công trình, mô hình đã thực hiện theo hướng bền vững.

Khí thế thi đua cũng được triển khai sôi nổi ở các quận, huyện khác. Nhiều quận, huyện tự “làm khó” mình khi đặt ra rất nhiều chỉ tiêu nhưng vẫn đạt kết quả tích cực. Như quận Thủ Đức có bảy nội dung đăng ký cấp thành phố và 377 công trình, phần việc, hoạt động cấp quận. Còn quận 10 đăng ký 16 công trình cấp thành phố, quận, 163 công trình cấp quận… Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh: PTTĐ đã khơi dậy và cổ vũ các cấp, các ngành nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ, nhất là “nhiệm vụ kép” vừa phát triển kinh tế vừa phòng, chống dịch.

Thời gian qua, thành phố đã đạt được một số kết quả cụ thể nổi bật như: Kim ngạch xuất khẩu trong tám tháng năm 2020 đạt 25 tỷ USD (tăng 5,4% so cùng kỳ năm 2019); kinh tế thành phố có chiều hướng phục hồi và có khả năng tăng nhanh vào quý IV-2020; các công trình, dự án trọng điểm triển khai hiệu quả, đúng tiến độ (Dự án tuyến metro số 1, Đề án thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị, Đề án thành lập thành phố Thủ Đức, Đề án đô thị thông minh,…). Toàn thành phố có 893/1.092 công trình, dự án hoàn thành đúng tiến độ đăng ký…

Tạo đà cho giai đoạn tiếp 

Trong PTTĐ 200 ngày hướng về đại hội còn xuất hiện những cách làm hay. Tiêu biểu như của Sở Xây dựng thành phố. Để quản lý, giám sát tình trạng xây dựng sai phép, vi phạm quy định trong lĩnh vực này, sở đã gắn mã QR code trên giấy phép xây dựng; tổ chức lại lực lượng thanh tra sở; ban hành sổ tay Hướng dẫn xây dựng nhà ở riêng lẻ và sổ tay Hướng dẫn hộ gia đình, cá nhân đầu tư xây dựng nhà cho thuê nhằm giúp người dân nắm và phản ánh các vi phạm. Nhờ đó, tính trong giai đoạn thi đua đợt 3 (từ 15-7 đến 15-9), toàn thành phố chỉ xảy ra 113 công trình vi phạm, giảm 6,8 vụ/ngày so sáu tháng đầu năm 2019), tỷ lệ giảm là 80,04%. Sở Xây dựng còn ra mắt ứng dụng mobile App SXD247. Từ ứng dụng này, người dân đã cung cấp 443 thông tin phản ánh về tình trạng sai phạm xây dựng.

Với Ủy ban MTTQ thành phố và các tổ chức chính trị - xã hội, các đơn vị tham gia PTTĐ ở các lĩnh vực gồm: bảo vệ môi trường, quản lý trật tự đô thị, hoạt động văn hóa và xây dựng nếp sống văn minh đô thị. MTTQ thành phố đã triển khai “mô hình 2 + 1” (Ủy ban MTTQ quận phối hợp UBND với sự hỗ trợ của một cơ quan cấp thành phố). Như quận Bình Thạnh phối hợp Ủy ban MTTQ thành phố phát huy hiệu quả việc vận hành ba điểm hẹn thu gom rác tại ba phường nhằm bảo đảm vệ sinh, văn minh đô thị. Quận Phú Nhuận phối hợp Thành đoàn triển khai kế hoạch xây dựng tuyến đường, tuyến hẻm “Văn minh - Mỹ quan đô thị”, tuyến đường Trường Sa “Xanh - Sạch - Đẹp” với sự cam kết tham gia của 15 phường với nhiều giải pháp sáng tạo, thiết thực. 

Theo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa X tại Đại hội đại biểu Đảng bộ TP Hồ Chí Minh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đánh giá: Từ các PTTĐ đã triển khai, thành phố sẽ tiếp tục tạo khí thế mới để đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước trong các tầng lớp nhân dân; tăng cường hoạt động giám sát, phản biện xã hội, các hình thức tiếp xúc, đối thoại của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với các tầng lớp nhân dân; củng cố hoạt động hòa giải tại cơ sở; rà soát, sửa đổi, bổ sung quy chế phối hợp công tác giữa Ủy ban MTTQ thành phố, các tổ chức chính trị - xã hội với chính quyền cùng cấp. 

Theo Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân, thành phố triển khai các PTTĐ trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế, vừa phải phòng, chống dịch bệnh, nhưng sự quyết tâm, chung sức đã tạo nên những kết quả rất tích cực. Điều đó cho thấy, khi phong trào đúng, đủ sức hấp dẫn thì người dân sẽ nhiệt tình tham gia, lực lượng công nhân, nông dân, trí thức sẽ ủng hộ.