Đừng im lặng trước “trò đùa”

Vụ Bình đẳng giới (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học về Giới (CSAGA)… vừa tổ chức “Tọa đàm với sinh viên về chủ đề phòng, chống Quấy rối tình dục với phụ nữ tại nơi làm việc”.

Chia sẻ chung quanh chủ đề quấy rối tình dục tại cuộc tọa đàm.
Chia sẻ chung quanh chủ đề quấy rối tình dục tại cuộc tọa đàm.

Đùa cho vui!?

Quấy rối tình dục (QRTD) là hành vi có tính chất tình dục gây ảnh hưởng tới nhân phẩm của nữ giới và nam giới, là hành vi không được chấp nhận, không mong muốn và không hợp lý, xúc phạm đối với người nhận, và tạo ra môi trường làm việc bất ổn, đáng sợ, thù địch và khó chịu.

Các đây không lâu một ca sĩ khá nổi tiếng bị tố là có những hành vi QRTD bởi những lời nói, tin nhắn, đụng chạm, gạ gẫm với người đồng nghiệp của mình, thông tin đã được lan tỏa nhanh chóng trên các phương diện thông tin đại chúng. Sự việc sẽ không ai chú ý nếu như người đồng nghiệp nữ kia không lên tiếng, và một vài người đồng nghiệp khác cũng thừa nhận mình đã từng bị như vậy. Điều đặc biệt hơn là ca sĩ nọ cứ nghĩ đó chỉ là những hành động trêu đùa bình thường mà không nghĩ đến những hậu quả của nó.

Một nữ sinh viên Trường học viện Báo chí và Tuyên truyền cũng cho rằng mình đã bị QRTD bởi những lời đùa cợt trong một lần đi xe khách có mang theo hai quả bưởi, và phụ xe nói: bưởi em to thế, rồi nhìn chằm chằm vào ngực của mình, có những tiếng huýt sáo, chạm vào hông cô gái mà khiến cô không thoải mái. Chính điều ấy khiến cả xe cười ầm lên, cô cảm thấy ngại. Khi phản ứng lại cô còn bị người ta nói “làm hoa cho người ta hái, làm gái cho người ta trêu, em xinh bọn anh mới nói thế, chứ xấu như ma thì ai nói gì”. Hay câu chuyện của một nam sinh viên khoa báo trong một lần thực tập chuyên ngành ở địa phương nọ, nam sinh này bị sếp nam của mình gạ tình ngủ qua đêm, cho tiền… và thỏa thuận nếu không đồng ý sẽ không giúp đỡ và thậm chí sẽ “dìm hàng” cậu sinh viên kia.

Theo bà Sally Moyle - Giám đốc điều hành của tổ chức CARE Australia: “QRTD có thể xảy ra với bất kỳ ai, làm ở vị trí nào. Tuy nhiên phụ nữ lại thường là đối tượng bị quấy rối nhiều hơn, ở bất cứ ngành nghề nào cũng có thể bị quấy rối, khoảng 80% làm việc trong lĩnh vực truyền thông theo khảo sát của Australia tại Việt Nam”.

Còn theo những khảo sát, báo cáo của Action Aid năm 2014, nghiên cứu Báo cáo Nghiên cứu “Thành phố an toàn cho phụ nữ và TEG”, thì có tới 87% phụ nữ và trẻ em gái bị QRTD ở nơi công cộng. Theo báo cáo của Plan năm 2014, Khảo sát “Trường học An toàn, Thân thiện, Bình đẳng”, có 19% các học sinh nữ ở 30 trường trung học tại Hà Nội đã bị lạm dụng hoặc QRTD.

Có nên im lặng?

Một giảng viên khoa báo cũng thừa nhận mình đã từng bị QRTD bởi một người đàn ông nước ngoài khi cô dạy tiếng Việt cho anh ta cách đây khá lâu. Anh ta đã ôm lấy cô và cưỡng hôn. Tuy nhiên, cô tức giận bỏ đi nhưng không có phản ứng gì thêm vì sợ thời điểm đó nói ra sẽ bị mất việc, tâm lý sợ bị tiến công và trả thù, rất lâu sau đó anh kia xin lỗi, cô mới dám chia sẻ cho người chồng của mình!

TS Lưu Hồng Minh, Trưởng khoa xã hội học - Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng: Nam giới tự cho mình cái đặc quyền công kích, lấy những bộ phận của phụ nữ để đưa ra bình phẩm. Nhận thức được điều đó nên cần được tôn trọng để môi trường học hay làm việc trở nên lành mạnh hơn.

Theo bà Nguyễn Vân Anh giám đốc CSAGA: Việt Nam được ghi nhận là một trong những quốc gia có nỗ lực thu hẹp khoảng cách giới tích cực, đã có những thay đổi và dần hoàn thiện. Tuy nhiên vẫn tồn tại những rào cản về văn hóa, định kiến giới, nguy cơ không an toàn cho phụ nữ và trẻ em. Đã có Bộ Quy tắc Ứng xử về QRTD tại nơi làm việc được Vụ Pháp chế (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cùng Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, Phòng thương mại công nghiệp Việt Nam với sự giúp đỡ của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đã công bố ngày 25-5-2016. Luật Bình đẳng giới 2006. Luật Phòng, chống, bạo lực gia đình 2007. Theo quy định Điều 8 Bộ luật Lao động năm 2012 về các hành vi bị nghiêm cấm trong đó có hành vi “ngược đãi người lao động, QRTD tại nơi làm việc”… nhưng thực tế lại là một thách thức lớn liên quan đến nhận thức của từng cá nhân.