Đám tang “văn minh” còn gặp khó khăn

Những năm qua, chính quyền nhiều địa phương đã vận động đồng bào dân tộc Mông thực hiện một số nét mới trong việc tổ chức tang ma. Thí dụ như đặt người chết vào quan tài, không làm đám ma quá to và chỉ để người chết trong nhà không quá ba ngày… Mục đích là để bảo đảm vệ sinh, tránh những bệnh có thể lây lan và có thể tiết kiệm hơn về kinh tế.

Cần am hiểu đặc trưng văn hóa đồng bào để có phương pháp vận động, tuyên truyền phù hợp.
Cần am hiểu đặc trưng văn hóa đồng bào để có phương pháp vận động, tuyên truyền phù hợp.

1. Nhưng vẫn còn một số khúc mắc với những băn khoăn trong đồng bào, như người chết nên chôn cất bằng “ki” hay bằng quan tài, đám ma nên làm ngắn ngày hay dài ngày, có nên mổ trâu bò “tốn kém” hay cần tổ chức “tiết kiệm” hơn… Bởi, nhiều tập quán vốn bắt nguồn từ đặc trưng văn hóa sống, có truyền thống duy trì đã lâu đời. Nên việc thay đổi quả thực không dễ dàng!

Thí dụ, trong cuộc sống, con ngựa rất quen thuộc với người Mông. Trong tín ngưỡng của người Mông, “ki” được coi như con ngựa để người chết “cưỡi” trong đoạn đường sau khi chết để về với tổ tiên. Bởi vậy, mặc dù các cán bộ đến vận động bà con dùng quan tài gỗ đã cố gắng giải thích rằng “người chết đi “ki” như con ngựa thì đi bằng quan tài cũng như cưỡi trâu thôi. Người chết “đi bằng trâu” sẽ có lợi về vệ sinh, phòng bệnh”… Tuy vậy, ở nhiều nơi, đồng bào vẫn làm đám ma theo lối cũ. Có nơi cùng một xã nhưng có dòng họ làm, có dòng họ lại không làm đám ma theo lối mới.

Anh Má A Vàng (người Mông ở xã Tả Phìn, Sa Pa, Lào Cai) cho biết: Ở xã mình, người Mông có năm dòng họ: Giàng, Thào, Má, Sùng, Hạng. Có ba dòng họ đã chôn bằng quan tài nhưng hai dòng họ khác thì vẫn chôn theo cách cũ. Anh Giàng Mí Hờ (người Mông ở huyện Mèo Vạc, Hà Giang) thì kể: “Mọi người vẫn muốn đi bằng “ki” để gặp ông bà tổ tiên, cũng có nhà làm đám ma theo lối mới nhưng sau đó lại có nhiều người bị chết (?) nên lại làm theo cách như trước”. Và thực tế, việc khiêng “ki” cũng phù hợp địa hình nơi người Mông cư trú, thường là núi cao, đường đi nhỏ hẹp, dốc cheo leo, việc nhiều người khiêng một cỗ quan tài như ở đồng bằng là rất khó khăn.

2. Truyền thống và thực tế cũng phản ánh, đám tang của người Mông thể hiện tính cộng đồng rất cao. Khi một người qua đời, mọi người trong bản cùng đến giúp làm đám ma một cách tự nguyện, tùy theo điều kiện có thể của mình. Trong đám ma còn có đội khèn tự nguyện do bà con tự tổ chức, thổi những khèn tiễn người chết về với tổ tiên. Anh Má A Vàng nói rằng mình đã học được nhiều bài khèn trong các đám ma như thế. Dịp đám ma, mọi người đến tiễn biệt người chết nhưng cũng còn là dịp gặp gỡ, trao đổi với nhau nhiều câu chuyện và qua đó các mối quan hệ được thắt chặt hơn.

Trong đời sống xã hội biến đổi không ngừng, các thực hành văn hóa cũng không tĩnh tại mà luôn thay đổi để thích ứng với những bối cảnh mới. Vận động tổ chức đám tang “văn minh” với người Mông là điều cần thiết với xã hội hiện đại. Những nghi thức kéo dài nên được rút ngắn, không để người chết ở trong nhà quá lâu và nên dùng quan tài để bảo đảm vệ sinh.

Nhưng để việc vận động có hiệu quả và cùng với đó vẫn giữ gìn được những nét văn hóa dân tộc, cần chú ý tới những điều kiện đặc thù về phong tục, tập quán, tâm lý tộc người và các yếu tố khách quan như điều kiện tự nhiên của địa bàn cư trú. Nhất là các chương trình và chính sách có liên quan tới những thực hành tôn giáo, tín ngưỡng càng cần được nghiên cứu kỹ hơn. Điều quan trọng là cách vận động cần khéo léo, những quyết định được đưa ra qua bàn bạc và đạt được đồng thuận của cộng đồng. TS Hoàng Cầm, Phó Viện trưởng Nghiên cứu văn hóa (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho rằng: “Văn hóa của các dân tộc thuộc về cộng đồng dân tộc đó. Trong quá trình phát triển, muốn đề cao việc bảo tồn và phát huy văn hóa của mỗi dân tộc, cần chú ý bảo vệ tính đa dạng văn hóa và cần tôn trọng những quyết định của những người đang thực hành văn hóa đó”.

Để có các chính sách tốt, cần xuất phát từ sự thấu hiểu văn hóa của từng cộng đồng với những nét đặc thù và phải phát huy được vai trò của những chủ nhân văn hóa. Khi vận động thay đổi tập quán chôn cất và nghi lễ tang ma của người H’Mông nói riêng và cả các tộc người khác cũng cần như vậy.