Chế tài chưa đủ mạnh?

Bạn đọc viết:

Tạ Ngọc Diệp (quận Hà Đông, Hà Nội)

Những ngày qua, ngay khi có thông tin về một số trường hợp nhiễm Covid-19 mới, “thị trường” khẩu trang, dung dịch rửa tay khô lại một lần nữa biến động. Chỉ mới đầu tuần trước, ai cũng có thể mua một hộp khẩu trang thông thường với giá chỉ khoảng 40 - 50 nghìn đồng. Thì nay, có những người dù đồng ý bỏ ra tới 100 - 200 nghìn đồng cũng không thể tìm được nơi bán.

Trên các trang mạng xã hội, không ít người, đã tạm gác lại công việc thường ngày để chuyển sang… bán khẩu trang. Trong số đó, có không ít “thương lái” dù mới “khởi nghiệp” nhưng cũng nắm rất vững chiêu trò câu khách, nâng giá. Đầu tiên, họ niêm yết giá chỉ cao hơn một chút so thông thường để “câu” khách. Nhưng đến khi được hỏi, thì họ luôn có sẵn một câu trả lời duy nhất: vừa bán hết đợt này, đợi tới ngày mai sẽ có đợt hàng tiếp theo. Đến hạn, khách hàng hỏi lại thì chắc chắn sẽ nhận được thông báo: khan hàng nên giá cao hơn, mong anh chị thông cảm (!?). Trong khi đó, những nơi chuyên cung cấp khẩu trang trên các ứng dụng bán hàng trực tuyến cũng đồng loạt tăng giá chóng mặt. Một hộp khẩu trang tăng giá gấp đôi, gấp ba, nhưng chỉ “chậm chân” một chút là không còn. 

Cứ như vậy, một làn sóng tăng giá các mặt hàng phòng, chống virus lại tiếp tục “xô bờ”, khiến nhiều người dù khó khăn cũng phải “cắn răng” mua khẩu trang, dung dịch rửa tay “giá mới”. Lợi dụng tình hình này, một số cá nhân đã tiến hành sản xuất “chui”, đưa hàng kém chất lượng, không đủ tiêu chuẩn tung ra thị trường.

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã ban hành được 10 năm, nhưng đến nay xét về hiệu quả hầu như vẫn còn không ít hạn chế. Đặc biệt, khi đất nước đứng trước nguy cơ về một làn sóng dịch bệnh, người dân phải đối mặt với nguy hiểm, các cơ quan thực thi pháp luật cần nỗ lực nhiều hơn để bảo vệ người tiêu dùng. Phải chăng các chế tài xử lý tình trạng nêu trên vẫn chưa đủ mạnh?