Cần tôn trọng cảnh quan chung

Bạn đọc viết:

Xuân Quỳnh (TP Hồ Chí Minh):

Gần đây dư luận xôn xao về khu du lịch Tà Đùng (Đắk Nông) nhếch nhác, nhiều cơ sở xây dựng trái phép được chính quyền làm ngơ mọc lên, ảnh hưởng mỹ quan khu du lịch. Ở góc nhìn ra hồ Tà Đùng, người ta có thể thấy những ngôi nhà xây vội, những điểm chụp ảnh “mạnh ai nấy làm”. Đáng tiếc đây không phải là chuyện hiếm gặp. Nhiều khu du lịch đang sa đà vào việc xây dựng các điểm “check-in” vô tội vạ, khiến cảnh quan nhếch nhác, không ăn nhập bối cảnh chung. Chẳng hạn như khi bậc thang trắng Đà Lạt nổi tiếng, đi đâu cũng thấy những “nấc thang lên thiên đường”, từ Sa Pa (Lào Cai), Đắk Nông, Hà Giang, Lạng Sơn… Hay ngày càng nhiều thiết kế nhái lại cổng trời ở Bali (Indonesia) như cổng trời ở Ô Quy Hồ, ở Sa Pa (Lào Cai)… Một dạo Hà Nội xôn xao vì ven Hồ Gươm mọc lên một “trái tim lông lá” nhưng thực tế thì hầu như các khu du lịch nào cũng thấy những “trái tim” như thế.  Những thiết kế này nói đẹp thì không phải, độc đáo cũng không, lại được quảng cáo bằng vài bức ảnh đã photoshop kỹ càng, khiến nhiều người bị lầm tưởng.

Khi cấp phép xây dựng cho các công trình ở các khu du lịch, dường như các nhà thầu rất ít chú ý đến cảnh quan chung và sự hài hòa với không gian. Như ở Sa Pa, các khách sạn, nhà hàng, quán cà-phê mạnh ai nấy “chòi” ra bên ngoài, hầu như không theo một trật tự nào. Rất nhiều địa điểm vốn dĩ là không gian có cảnh núi non rất đẹp, bây giờ đã mất hẳn góc nhìn vì bị các công trình “check-in” chắn lối - những điểm nhằm mục đích cho các khách hàng đến chụp ảnh “sống ảo”. 

Tạo điểm đến, tạo góc nhìn là điều cần thiết, tuy nhiên, có lẽ các nhà quy hoạch đô thị cần chú ý đến thiết kế tổng thể cảnh quan và chính quyền cần có một góc nhìn thống nhất khi cấp phép cho mỗi công trình. Không phải cứ cần cổng trời, nấc thang lên thiên đường, trái tim mới gọi là có chỗ thu hút du khách. Mỗi điểm đến có một phong cách riêng, tại sao cứ nhất định phải xây dựng những góc nhìn giống hệt nhau?