Đích đến của cuộc thi không phải là giải thưởng

Cuộc thi Khoa học Kỹ thuật (KHKT) quốc gia học sinh (HS) THPT năm học 2020 - 2021 vừa diễn ra tại Thừa Thiên Huế, từ ngày 25 đến 27-3.

Chẳng bao lâu sau khi trao giải, cuộc thi đã bị “ném đá” vì cho rằng Giải Nhất của cuộc thi năm nay trùng đề tài với Giải Nhất năm 2019. Liên tiếp ba năm gần đây, Ban tổ chức cuộc thi là Vụ Giáo dục Trung  học, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đều nhận đơn thư khiếu nại liên quan đến giải thưởng.

Một trong những lý do cuộc thi được dư luận quan tâm là đằng sau giải thưởng của nó có ưu đãi: Thí sinh được giải sẽ được tuyển thẳng vào đại học (ĐH). Cũng giải thưởng này, nhiều học sinh sẽ bổ sung thêm hồ sơ đẹp để xin học bổng đi du học. Nhất là tại Mỹ, nơi các trường ĐH rất ưu tiên HS có tố chất sáng tạo, tham gia các hoạt động ngoại khóa.

Ngay sau đó, Vụ Giáo dục Trung học cùng BGK là các chuyên gia đến từ các trường ĐH và các viện nghiên cứu đã xem xét ngay vấn đề. Kết quả trả lời công luận từ phía Bộ GD&ĐT cho thấy, hai đề tài trên tuy có tên gọi giống nhau nhưng nội dung hoàn toàn khác nhau. Đặc biệt, trong lĩnh vực nghiên cứu KHKT, việc trùng tên đề tài không phải là điều lạ, nhưng do yếu tố cập nhật công nghệ mới nên nội dung của chúng không thể giống nhau. 

Với đề tài Giải Nhất năm 2021, BGK đã phân tích kỹ và thấy rõ sự khác biệt ngay từ cách đặt vấn đề và mục tiêu nghiên cứu. Từ đó dẫn đến cách thức giải quyết vấn đề, các bộ phận, thiết bị và đặc biệt trong lĩnh vực mà dự án tham dự thì cấu trúc bộ điều khiển cùng lưu đồ giải thuật là mới hoàn toàn.

Tuy nhiên, không chỉ dừng lại ở việc “ném đá” cuộc thi, nhiều ý kiến còn cho rằng nên chấm dứt cuộc thi nó không thực chất, chạy theo thành tích và để xảy ra nhiều tiêu cực…

Thực tế thì sao? 

Số thí sinh tham gia các cuộc thi KHKT quốc gia đều là các em có học lực giỏi, phần lớn đến từ các trường chuyên có tiếng của các tỉnh, thành phố và khối chuyên hệ THPT của các trường ĐH. Vì vậy, theo lời các thầy cô giáo, nếu không góp mặt với cuộc thi này, các em đều có thể dễ dàng vào các trường ĐH. Thậm chí, hoàn toàn có khả năng giành được học bổng tại nhiều trường ĐH nước ngoài, trong đó không ít các trường ĐH danh tiếng. Vậy, đừng ép giải thưởng hay thành tích với các em. Điều quan trọng là các em đến với cuộc thi đều rất đam mê nghiên cứu khoa học và đây chính là mục đích của cuộc thi. 

Bản thân đã đồng hành với cuộc thi nhiều năm, chúng tôi chứng kiến nhiều câu chuyện như: Một phụ huynh khoe với mọi người về sự tiến bộ của con, từ cậu bé nhút nhát đã trở nên tự tin, biết làm việc nhóm, mạnh dạn thuyết trình. Một HS tham gia ba năm liền, tâm sự với giám khảo về việc đã phải thuyết phục cha mẹ như thế nào để được có mặt tại cuộc thi vì muốn theo đuổi một ý tưởng. Trong cuộc thi, 100% các em đã hình thành được văn hóa đọc, phát triển tư duy khoa học, năng lực phản biện, làm việc nhóm, thuyết trình…

Nghiên cứu khoa học là một bậc cao hơn của giáo dục STEM mà Bộ GD&ĐT đang đặt ra trong lộ trình đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông. Và vì thế, mục tiêu lớn hơn của cuộc thi KHKT dành cho HS trung học chính là  góp phần phát triển năng lực, phẩm chất cho các em.

Có thể có người lớn chạy theo thành tích, nhưng HS thì không và rất cần những cơ hội, môi trường để giao lưu, thêm hiểu biết, thể hiện năng lực và niềm đam mê của các em. Sự trong sáng, hồn nhiên của các em sẽ chiến thắng bệnh thành tích của người lớn.