Công bằng

Mạng xã hội xôn xao quanh câu chuyện về cậu bé ở Thanh Hóa. Đó là em Ngô Văn Hiếu, học sinh Trường THPT Thiệu Sơn 5, bền bỉ cõng bạn bị khuyết tật chân suốt 10 năm. Câu chuyện đẹp đẽ, lay động lòng người ấy, báo chí cũng từng viết. Nhưng, cộng đồng mạng vẫn xôn xao, là bởi trong kỳ thi đại học và cao đẳng (ĐH, CĐ) năm nay, dù đạt được 28,15 điểm, Hiếu vẫn không đỗ ngành y đa khoa, ngành có điểm chuẩn cao nhất của Trường ĐH Y Hà Nội. Em bị thiếu 0,25 điểm.

Nhiều người kiến nghị, thậm chí kêu gọi cộng đồng mạng cùng lên tiếng, để tạo dư luận tới Trường ĐH Y Hà Nội, thậm chí gây áp lực lên Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), mong Ngô Văn Hiếu được đặc cách vào học Trường ĐH Y Hà Nội, vì số điểm em thiếu là “không đáng kể” và “đào tạo đội ngũ y, bác sĩ không chỉ cần những người có tài mà cần cả những người có đức”.

Ý kiến đó, thoạt nghe rất “có tình” nên nhận được sự chia sẻ của nhiều người. Nhưng nếu nghĩ kỹ, khi chúng ta mong muốn thực hiện một kỳ thi công bằng nhưng lại có ý thiên vị, đặc cách cho một trường hợp nào đó, thì rất dễ đánh trượt mất cơ hội của người khác, thậm chí lấy mất sự công bằng của người khác.

Rất may, không vì sự xôn xao thậm chí có phần gây áp lực, mà ngôi trường đào tạo đội ngũ y, bác sĩ này đã xiêu lòng để đi tới một quyết định làm đẹp lòng dư luận. Thừa nhận Ngô Văn Hiếu là trường hợp rất đặc biệt và có lòng nhân ái, có trách nhiệm với cộng đồng, song GS, TS Nguyễn Hữu Tú, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội bày tỏ quan điểm: “Hiện nay, theo luật quy định, các trường ĐH, CĐ trước khi tuyển sinh phải công khai đề án tuyển sinh. Quy chế tuyển sinh đại học do Bộ GD&ĐT công bố trước mỗi kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia không có quy định xét cho những trường hợp đặc biệt như Ngô Văn Hiếu”. Cũng theo ông Tú, nếu bộ thấy thí sinh này đặc biệt, xứng đáng được đặc cách thì đưa ra chủ trương, lúc đó Trường ĐH Y Hà Nội mới có thể họp bàn về chuyện này.

Đây là một thái độ dứt khoát và rất sòng phẳng, ít nhất là theo quy chế tuyển sinh và sòng phẳng với những thí sinh khác. Điều ấy cho thấy một thái độ ứng xử công bằng trong công tác tuyển sinh. Chính Hiếu cũng bất ngờ trước một bộ phận dư luận muốn xin đặc cách cho em vào học Trường ĐH Y Hà Nội. Hiếu cho rằng, “không nên sử dụng câu chuyện cõng bạn 10 năm qua để xin vào trường ĐH”.

Qua việc này, càng thấy Hiếu là một chàng trai giàu nghị lực. Càng khâm phục hơn khi chính Hiếu cũng chia sẻ, có nhiều bạn lại chỉ thiếu 0,05 điểm, nếu ai cũng đưa những lý do như mình để xem xét thì sẽ trở thành một câu chuyện xin - cho và sẽ làm mất đi truyền thống của nhà trường.  

Với điểm số đạt được, Ngô Minh Hiếu đủ điểm để học Trường ĐH Y Dược Thái Bình. Em đã đi bằng đôi chân của mình, cõng bạn trên đôi chân của mình suốt 10 năm qua và Hiếu đi lại bằng đôi chân của chính mình để tự tin mở cánh cổng trường ĐH. Em không cần sự đặc cách, tự em đã chọn cho mình một lẽ công bằng, để sống, để không phải mặc cảm với bạn bè.

Tin ở em, như tin ở hoa hồng!